06/08/2020 12:14 GMT+7

Châu Á, nhưng không phải đứng nhì

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Trong cuốn sách Tương lai thuộc về châu Á, Parag Khanna đã phác ra chân dung người châu Á rất rõ ràng và rành mạch: hợp tác với họ hoặc bị bỏ lại đằng sau.

Châu Á, nhưng không phải đứng nhì - Ảnh 1.

Sự thay đổi chóng vánh và mạnh mẽ của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa khiến chúng ta mù mờ khi lần giở lại nguồn cơn của trận lốc này. Lịch sử thống trị của Âu - Mỹ vài trăm năm qua vẫn khiến nhiều người nghĩ về toàn cầu hóa như sự di chuyển một chiều từ phương Tây đổ về hướng Đông. 

Còn tiến sĩ Parag Khanna lại thích đi ngược, ít nhất trong mắt người phương Tây là vậy. Cuốn sách Tương lai thuộc về châu Á của Parag Khanna là một nghiên cứu địa chính trị hiếm hoi được dịch và giới thiệu nghiêm túc tại Việt Nam ngay sau khi được phát hành lần đầu chỉ cách đây một năm.

Lần trở lại sợi dây lịch sử, tham vọng châu Á hóa thế giới của phương Đông đã xuất hiện cách đây cả thế kỷ, nếu trừ đi những cuộc xâm lược của người Hung, Mông Cổ vào đất châu Âu trước đó vài trăm năm.

Để tránh cái nhìn phiến diện "dĩ Âu vi trung" (lấy châu Âu làm trung tâm), cuốn sách của Parag Khanna đã thận trọng tiếp cận châu Á ở góc độ lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng... và chứng minh người châu Á không chạy theo các tiêu chuẩn phương Tây như mọi người vẫn thường áp đặt.

Khi các nước châu Á nhìn vào thời kỳ thuộc địa, họ thấy một kỷ nguyên tự mãn chứ không phải tự ti và rút ra được bài học nếu họ xung đột với nhau, các thế lực bên ngoài sẽ thành "ngư ông đắc lợi". Các chính trị gia châu Á đổ đến Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) để học cách quản lý kỹ trị chứ không phải đến Anh - Mỹ để theo đuổi các giá trị dân chủ đang gây xáo trộn ở chính những đất nước sinh ra chúng.

Người châu Á cũng liên tục thử nghiệm các chính sách bảo hộ kinh tế trong nước từ bài học vươn lên ngoạn mục của Nhật Bản, Hàn Quốc mặc cho những chỉ trích, trừng phạt từ thế giới phương Tây. Và ngày càng nhiều học giả Âu - Mỹ đến châu Á để học chứ không phải để dạy. Những vườn ươm sáng tạo nảy mầm khắp Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản... để thoát ra khỏi cái bóng Thung lũng Silicon nhỏ bé.

Nếu thế kỷ 19 khắc họa quá trình châu Âu hóa thế giới và thế kỷ 20 là quá trình Mỹ hóa, vậy thế kỷ 21 là thời đại của châu Á hóa. Từ những danh mục đầu tư, các cuộc chiến tranh thương mại đến những bộ phim Hollywood và tuyển sinh đại học, không có khía cạnh nào của cuộc sống có thể miễn nhiễm với quá trình châu Á hóa. "Chúng ta biết đây sẽ là thế kỷ của châu Á. Giờ đây cuối cùng chúng ta đã có một bức tranh chính xác về dáng dấp của khu vực này" - Parag Khanna khẳng định.

Văn phong trong nghiên cứu của Parag Khanna dường như hướng đến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thế nhưng nhìn chung cũng hướng về những người châu Á đánh giá thấp sự trỗi dậy của lục địa hoặc bị nuốt trọn bởi bức tranh toàn cảnh bao trùm. Như đại ý cuốn sách của tiến sĩ Parag Khanna, muốn hiểu thế giới, người châu Âu phải hiểu người châu Á; và người châu Á muốn không về nhì, phải hiểu được chính mình.

Vượt qua thử thách trước biến động Vượt qua thử thách trước biến động

TTO - Những quốc gia còn tồn tại được tới ngày nay cũng đều có đặc điểm chung là cho tới lúc này, tốt xấu gì họ cũng đã vượt qua được các biến động gặp phải trong lịch sử tồn tại của mình.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp