Trong cập nhật dự báo mới nhất công bố ngày 19-7, ADB nhận định kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và tiếp tục ổn định cho đến tháng 4-2024.
Du lịch hồi phục mạnh
"Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang thúc đẩy tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch", nhà kinh tế trưởng của ADB Albert Park đánh giá. Trong báo cáo Triển vọng phát triển kinh tế châu Á tháng 7-2023, ADB nhận định sự mở cửa của Trung Quốc đã tạo cú hích cho các nước trong khu vực.
Điểm sáng trong đầu tư và tiêu dùng cá nhân tại châu Á trong quý đầu năm nay tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự hồi phục của thị trường việc làm, sản xuất, bán lẻ và xây dựng. Trong khi đó, dự báo lạm phát ở các nước đang phát triển tại châu Á (không bao gồm Nhật, Úc, New Zealand) sẽ vào khoảng 3,6% trong năm nay, giảm so với dự báo hồi tháng 4 là 4,2%.
Hai ông lớn Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 5% và 6,4% trong năm nay, năm sau là 4,5% và 6,7%. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tại Đông Nam Á cũng đã giảm nhẹ so với dự báo trước đó của ADB, còn 4,6%, nhưng sẽ bật lên 5% vào đầu năm sau.
Trong đó, Philippines sẽ là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, ổn định trên 6%, trong khi Singapore vực dậy từ mức 1,5% trong năm nay lên 3% vào đầu năm sau. Việt Nam cũng sẽ tăng từ 5,8% năm nay lên 6,8% vào năm sau.
Dù vậy, việc ADB hạ bớt dự báo tăng trưởng của nhóm châu Á đang phát triển vào giữa năm sau (tháng 7-2024) cũng phản ánh thách thức các nước này đang đối mặt. Nổi bật nhất là nhu cầu hàng điện tử xuất khẩu và hàng hóa sản xuất khác của châu Á đang giảm do các nền kinh tế lớn thắt chặt chính sách tiền tệ.
Động lực toàn cầu
Từ giữa năm nay, các dự báo đều đánh giá châu Á sẽ là đầu tàu tăng trưởng của một thế giới đang vật lộn với lãi suất tăng và chiến sự Nga - Ukraine. Trong đánh giá hồi tháng 4-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng khu vực này sẽ chiếm đến 70% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Trong khi đó, vào tháng 6-2023 Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng khu vực này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng vượt Mỹ và châu Âu vào cuối năm, một phần do lạm phát đã "chạm đỉnh".
Nhận định trên tờ Nikkei, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, cho rằng điều quan trọng nhất là châu Á không bị "sốc" do tăng lãi suất để khống chế lạm phát như Mỹ và châu Âu.
Việc lạm phát đang hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương khu vực giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu. Trong đó, các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Úc đã "đạp thắng" lãi suất trong khi Mỹ sẽ phải chờ đến năm sau.
Tiếp đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo động lực cho cả khu vực trong hai quý còn lại của năm nay. Ông Ahya dự đoán Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều chính sách để tăng tốc hồi phục, như nới lỏng lĩnh vực nhà ở và rót khoảng 1.000 tỉ USD vào hạ tầng.
Cuối cùng, việc nhu cầu trong nước tăng mạnh ở các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia cũng sẽ giúp kéo tăng trưởng của cả khu vực. Nhu cầu tăng sẽ thúc đẩy đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận