Giới chuyên gia kiến nghị châu Á cần chuyển đổi phương thức phát triển, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, giải quyết mâu thuẫn trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển, từ đó nâng cao đời sống người dân để đảm bảo sự bình ổn kinh tế của khu vực.
Phóng to |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ ba từ phải) cùng lãnh đạo và đại diện các nước tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao - Ảnh: Reuters |
Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, ông Justin Lâm Nghị Phu, nhận định lợi thế giá lao động rẻ của châu Á đang bị xói mòn và mất dần tính cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và một số nước châu Á cũng không cân xứng, gây ảnh hưởng đến cấu trúc phát triển kinh tế.
Còn ông Frank Ingrisello, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Quỹ phát triển năng lượng Thái Bình Dương, cho rằng các nước châu Á phụ thuộc nhau rất lớn và có cùng mối quan tâm chung là chống chế độ bảo hộ thương mại và cùng đẩy mạnh tự do hóa trên thị trường thế giới. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế khu vực đã ít nhiều bị tổn thương khi các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhằm giảm áp lực thất nghiệp. Trước thách thức này, yêu cầu “hợp tác cùng phát triển” giữa các nước châu Á càng phải được chú trọng.
Báo Le Monde ghi nhận có rất nhiều tiếng nói ủng hộ tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc khi nhấn mạnh Trung Quốc cần một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước để đối phó với những thách thức và cho phép một sự cạnh tranh lành mạnh.
Vẫn theo báo này, 50% tăng trưởng của thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính là từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể phát triển một mình. Thách thức lớn nhất hiện nay của châu Á là sự phát triển và an ninh ở khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận