12/02/2025 08:25 GMT+7

Chật vật đăng ký dạy thêm trước 'giờ G'

Đăng ký với trung tâm dạy thêm thì trung tâm quá tải, tự mình mở lớp lại không được... nhiều thầy cô đang chật vật tìm cách dạy thêm sao cho đúng quy định.

Muôn nẻo dạy thêm trước giờ G - Ảnh 1.

Học sinh tại một điểm dạy thêm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực từ ngày 14-2. Trước giờ G, nhiều giáo viên tạm ngưng dạy hoặc dạy online để tìm cách thích ứng.

Tạm ngưng hoặc dạy thêm online

Cô Thảo, một giáo viên bậc THCS hệ công lập tại TP.HCM, cho biết những ngày qua cô và các đồng nghiệp trong trường đã tạm thời ngưng dạy thêm với các học sinh đã theo học với mình từ thời điểm trong hè đến nay.

Là giáo viên bộ môn toán với kinh nghiệm dạy học mười mấy năm, lại có tiếng và được nhiều phụ huynh, học sinh tin tưởng, cô Thảo có rất nhiều học sinh theo học các lớp dạy thêm do cô mở ở nhà.

Những học sinh này không chỉ là học sinh trường của cô đang dạy mà còn có những học sinh từ nhiều trường khác được phụ huynh đăng ký cho học với mục đích để con có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Do nhà chật và cũng đề cao chất lượng, cô Thảo cũng chỉ mở hai lớp trong tuần với khoảng 50 học sinh. Cô Thảo không thể nhận hết học sinh muốn đăng ký theo học vì đi dạy ở trường cả ngày cũng mệt, về nhà thì chỉ có thứ bảy, chủ nhật và một ngày trong tuần để dạy nữa nên hạn chế nhận học sinh. Và cô cũng chỉ nhận học sinh từ thời điểm hè để chắc chắn có một khoảng thời gian dài cùng học sinh tiến bộ và đạt hiệu quả.

Nhưng sau Tết, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm với yêu cầu mới phải đăng ký kinh doanh, cô Thảo đành tính đến phương án ngưng dạy thêm cho những học sinh này.

"Tôi đã hỏi nhiều chỗ ở các trung tâm dạy thêm và đang nhờ để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh nhưng thời gian quá gấp, tôi vẫn chưa có phương án khả thi nào nên đang tính khi thông tư có hiệu lực sẽ ngưng dạy các lớp này. Phụ huynh và học sinh họ buồn rầu và lo lắng, mong tôi tìm ra giải pháp sớm, nhưng thực sự thời điểm này vì học sinh thì mình lại thành người làm sai quy định", cô Thảo chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cũng cho thấy một số giáo viên tiểu học thường nhận giữ học sinh sau giờ học và có kèm cặp thêm cho các học sinh trong khi chờ cha mẹ đón cũng ngưng nhận giữ học sinh sau giờ học như trước đây.

"Lớp của tôi có khoảng 10 học sinh cha mẹ thường đón trễ. Ngày trước phụ huynh thường gửi ở nhà tôi sau giờ học, giờ thì tôi không dám nhận vì lỡ như ai đó nghĩ rằng tôi dạy thêm học sinh của mình, lại là học sinh tiểu học nữa, thì tình ngay lý gian", cô Hoa nói.

Không phải tất cả giáo viên có dạy thêm ngoài nhà trường đều ngưng khi chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định mà có không ít thầy cô chuyển sang dạy online. Thầy Hiệp, một giáo viên bậc THPT, đang ôn cho học sinh lớp 12 nên không thể ngưng dạy.

"Tôi thấy thương học sinh quá, các em sắp bước vào những kỳ thi quan trọng nhưng lại bị xáo trộn nên từ sau Tết tôi đã chuyển sang dạy online. Nhưng quả là dạy online thì học trò không thể tiếp thu như dạy trực tiếp được nên đây chỉ là giải pháp tình thế", thầy Hiệp cho biết.

Đôn đáo tìm hướng ra

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên cho biết việc họ ngưng dạy thêm hoặc chuyển sang dạy online chỉ là giải pháp tạm thời. Vì thực sự không ít học sinh có nhu cầu học và giáo viên cũng mong muốn có thu nhập tốt hơn từ chính ngành nghề mà họ được đào tạo và gắn bó.

Cô Bình, giáo viên lớp 9 của một trường THCS công lập tại TP.HCM, kể rằng sau khi có thông tư 29, để không làm lỡ dở việc học của các học sinh đã học thêm, cô đã tìm đến một số trung tâm để đăng ký dạy thêm ở đó.

"Tôi có lẽ là trường hợp may mắn vì người mở trung tâm dạy thêm này là phụ huynh cũ của tôi nên bên đó sẵn sàng nhận tôi làm giáo viên của trung tâm này và không làm lỡ dở việc học của các học sinh mà tôi đang dạy sau ngày 14-2", cô Bình chia sẻ.

Nhưng số những giáo viên đến trung tâm đăng ký dạy thêm và được nhận như cô Bình không nhiều. "Tôi phải nói thật, từ trước Tết và sau Tết, số lượng các giáo viên ở gần trung tâm tôi đến đăng ký dạy thêm tại trung tâm và thuê phòng tại trung tâm tôi nhiều vô kể nhưng tôi phải từ chối vì trung tâm tôi chỉ có tám phòng học và đã sắp xếp hết thời gian và giáo viên dạy nên không thể nhận thêm", cô Hạnh - chủ một trung tâm dạy thêm, học thêm tại TP.HCM - tiết lộ.

Trên thực tế, các giáo viên đang dạy thêm ở nhà hiện nay có thể tìm một trung tâm để "gửi thân" cho đúng với quy định của thông tư 29. Họ sẽ "bốc" học sinh đang dạy tại nhà tới học ở trung tâm rồi "chia tiền" với trung tâm, thường là mức 70/30, trong đó giáo viên giữ 70% và trung tâm được trả phí khoảng 30% trên tiền học phí của học sinh.

Dẫu vậy, việc "trao thân gửi phận" của giáo viên công lập dạy thêm với các trung tâm theo kiểu này cũng rất khó khăn vì cầu vượt cung. Vì thế, một số thầy cô đã tìm đến giải pháp khác là đăng ký kinh doanh theo quy định của thông tư 29.

"Tôi cũng tìm hiểu quy định về việc đăng ký kinh doanh theo quy định của thông tư 29 nhưng khá rối rắm. Với lại, thật sự hai vợ chồng tôi đều là giáo viên trong trường công lập, gia đình đều ở quê nên đang không biết làm sao đăng ký kinh doanh để dạy thêm mà không làm sai quy định" - thầy Hoàng, một giáo viên bậc THCS tại TP.HCM, bối rối.

Sớm đăng ký để đỡ áy náy với học sinh

Một số giáo viên công lập chia sẻ họ "không có chuyên môn nào ngoài dạy học" nên họ cũng muốn được đăng ký kinh doanh để dạy thêm đúng quy định.

"Tôi dự kiến nhờ bên đơn vị nào đó giúp tôi làm thủ tục để đăng ký kinh doanh về dạy thêm, học thêm. Hy vọng thủ tục này xong sớm thì chúng tôi mới đỡ áy náy với học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, vì thời gian này các em bị gián đoạn việc học thêm nên rất lo lắng" - một giáo viên bậc THPT tại TP.HCM bộc bạch.

Thiệt thòi cho người học

Nhiều giáo viên cho rằng thông tư 29 quy định về việc giáo viên không được dạy học sinh của chính họ ở trường sẽ gây thiệt thòi cho người học. Bởi vì có những học sinh rất muốn theo học thêm với giáo viên đang dạy ở trường (giáo viên có uy tín) nhưng lại vi phạm quy định khiến học sinh mất cơ hội.

Muôn nẻo dạy thêm trước giờ G - Ảnh 2.Bộ GD-ĐT nói gì trước phản hồi trái chiều về quy định dạy thêm?

Còn vài ngày nữa thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực trong khi nhiều thầy, cô và phụ huynh vẫn ngổn ngang tâm tư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp