12/11/2012 08:00 GMT+7

Chất vấn đến cùng

QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ông Lê Việt Trường - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh - nói với Tuổi Trẻ rằng phải đi đến cùng những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm.

x06YCefv.jpgPhóng to
Ông Lê Việt Trường - Ảnh: Võ Văn Thành
TT - Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ông Lê Việt Trường - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh - nói với Tuổi Trẻ rằng phải đi đến cùng những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm.

Ông Lê Việt Trường nói:

- Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những hoạt động được cử tri chờ đợi nhất tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Những năm qua, hoạt động này đã có những bước tiến tích cực hơn. Dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên, không phải cử tri đã hoàn toàn hài lòng và không còn băn khoăn về hoạt động chất vấn tại Quốc hội. Cá nhân tôi và nhiều đại biểu khác cũng mong muốn hoạt động chất vấn được cải tiến sao cho có thể đi đến cùng những vấn đề mà cử tri và xã hội quan tâm. Như chúng ta làm lâu nay, tuy ngày càng tích cực hơn nhưng vẫn chưa đạt được cái đích muốn đến.

* Vào đầu kỳ họp này, Thủ tướng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về tất cả yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Sắp tới, Thủ tướng cũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ông nói gì về điều này?

- Tôi hi vọng với thái độ nghiêm túc và thẳng thắn như vậy, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ sẽ tìm ra các giải pháp để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được nhận diện trong thời gian qua. Tôi cũng tâm đắc ý kiến nhiều người cho rằng hiện chúng ta cùng đi trên một con thuyền, càng lúc sóng gió càng phải đoàn kết.

"Trên diễn đàn Quốc hội, thống đốc đã nói: “Với tư cách là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu”. Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy không được, vì thống đốc là người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Một số cử tri cũng phản ảnh thống đốc nói không thể hứa được, vậy thì xin thống đốc khẳng định lại trong thời gian tới có thể điều hành được tiếp ngành ngân hàng hay không?"

Ông Lê Việt Trường (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh)

Riêng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tôi cho rằng cơ chế quản lý hiện nay chưa thật sự hữu hiệu. Chính phủ sắp ban hành nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Về phía Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát một cách trực tiếp hơn nữa, có thể giao cho Ủy ban Tài chính - ngân sách hoặc cần thiết thì lập ra một cơ quan độc lập trực thuộc để giám sát nguồn vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tôi cũng đồng ý với kiến nghị của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc nâng vị thế pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, sao cho công cụ này được phát huy tốt hơn. Muốn giám sát tốt phải có công cụ đủ mạnh, chứ giám sát mà chỉ nghe báo cáo thì rất khó.

* Vậy thưa ông, nếu có chất vấn người đứng đầu Chính phủ về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ông mong muốn làm rõ vấn đề gì?

- Lâu nay chúng ta nói trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhưng không thể nói chung chung. Với các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn, tài sản lớn của nhân dân thì phải xác định rõ tự chủ như thế nào. Không phải tự chủ rồi đi mua tàu cũ, mua ụ nổi hoen gỉ.

Tôi mong muốn qua chất vấn cần làm rõ cơ chế trách nhiệm, ví dụ như tới đây cần xác định rõ ai giao vốn thì người đó phải chịu trách nhiệm. Tuy thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo nhưng cá nhân phụ trách, nên cá nhân phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là những vấn đề lớn.

* Bên cạnh vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn những vấn đề gì mà ông chờ đợi được Thủ tướng làm rõ thêm?

- Tôi muốn Thủ tướng xác định rõ hơn trách nhiệm của mình và Chính phủ đối với một số vấn đề bức xúc. Trong đó, tôi quan tâm đến trách nhiệm của Chính phủ về việc tại sao để quá lâu mà vẫn chưa kết luận rõ hiện tượng cháy ôtô và xe máy. Một vấn đề khác như công trình thủy điện Sông Tranh 2 cũng cần được người đứng đầu Chính phủ phát ngôn chính thức trước nhân dân. Tôi cũng rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; những định hướng, giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ, khai thác các tài nguyên biển.

* Theo thống kê cho tới cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được 361 yêu cầu chất vấn của đại biểu. Đây là thành viên Chính phủ nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất,ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Đó là những vấn đề rất nóng. Đông đảo cử tri đề nghị phải làm rõ trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước, không những về nợ xấu, vàng... mà còn một số vụ việc tiêu cực khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tôi cũng rất chú ý đến vấn đề ổn định thị trường vàng, về khả năng kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý nhà nước. Vừa qua người dân xôn xao sau một số quyết định liên quan đến vàng của Ngân hàng Nhà nước, cá nhân tôi là đại biểu Quốc hội cũng thấy việc chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia có gì đó chưa ổn. Cho nên cần phải công khai, minh bạch hơn nữa để người dân có thông tin.

"Sau khi sửa thông tư về đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công, điều tôi muốn làm rõ là Bộ Y tế có quan tâm kiểm tra việc triển khai quy định này không. Trong đấu thầu thuốc, vì sao có sự chênh lệch giá thuốc ở các bệnh viện khác nhau đối với cùng một loại thuốc, có nơi chênh lệch 1-1,5 lần?

Cử tri nói may mắn vào bệnh viện đấu thầu giá thuốc thấp thì được nhờ, còn vào trúng bệnh viện giá thuốc cao thì phải chịu"

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG VĂN VỞ (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)

"Quốc hội khóa XII đã có cuộc giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi rất quan tâm làm rõ từ sau giám sát này đến nay, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã thực hiện chương trình hành động như thế nào và đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực này, thực trạng cải thiện đến đâu... Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm gì trước sự lo lắng về an toàn đối với mỗi bữa ăn của gia đình"

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN TẤN TUÂN (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa)

Bao giờ bệnh viện hết quá tải?

* Bà Trần Thị Minh Nguyệt (Q.1, TP.HCM):

Tôi từng đến thăm con một người bạn nằm điều trị tại khu chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Thật xót xa khi phải chứng kiến rất nhiều cháu bé chưa đầy một tháng tuổi phải nằm kín các hành lang. Ở đó, các cháu có thể được bác sĩ điều trị khỏi bệnh, nhưng nguy cơ bị nhiễm trùng bệnh viện là khá cao. Tình trạng quá tải bệnh nhi và ở nhiều bệnh viện khác trong TP đã có từ nhiều năm nay, ngành y tế không những không giải quyết được mà còn để diễn ra ngày càng nặng nề.

Không chỉ 5-6 bệnh nhi/giường bệnh, người dân đi khám bệnh bảo hiểm y tế cũng phải chờ đợi mỏi mòn. Chờ cả buổi sáng mới được bác sĩ khám từ 1-2 phút. Tôi cho rằng hiện nay ngành y tế cần có nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng việc đầu tiên mà bộ trưởng Bộ Y tế cần làm và trả lời rõ với cử tri là khi nào thì hết tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

* Bà Huỳnh Thị Kim Phấn (Q.6 TP.HCM):

Tôi bị hở van tim, có đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM nhưng từ tháng 6-2012 phải chuyển về khám tại Bệnh viện Q.6. Ở Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương bác sĩ kê cho tôi sáu loại thuốc, nhưng về bệnh viện quận tôi chỉ được ba loại thuốc. Tôi thắc mắc thì được bác sĩ trả lời rằng ở bệnh viện cấp ba nên có ít thuốc hơn. Không người bệnh nào muốn mình phải đi một đoạn đường xa mới được khám bệnh, mọi người rất mong được khám ở bệnh viện gần nhà. Vấn đề là Bộ Y tế phải làm thế nào để bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới cũng phải có trình độ gần bằng như tuyến trên, thuốc điều trị cũng đầy đủ như tuyến trên thì người bệnh mới chọn bệnh viện tuyến dưới để khám chữa bệnh. Bệnh viện tuyến dưới còn nhiều tồn tại thì các bệnh viện tuyến trên sẽ khó thoát khỏi tình trạng quá tải.

* Ông Cao Tiến Vị (nguyên chủ tịch Hội Doanh nhân TP.HCM):

Chưa bao giờ nền kinh tế lại đối diện với một thời kỳ lạm phát cao, lãi suất có lúc gần 25%; trong hai năm qua số doanh nghiệp “chết” lên đến xấp xỉ 100.000 và bằng một nửa số chết trong vòng 20 năm qua, thông tin của Phòng Thương mại và công nghiệp VN công bố như vậy. Trong khi đó nhiều ngân hàng (NH) nhỏ yếu kém, mất thanh khoản, cạnh tranh huy động không lành mạnh lại được duy trì, cứu sống, dẫn đến hàng loạt NH bị sức ép đua lãi suất, các doanh nghiệp phải chịu lãi suất vô lý.

Ở khoản này, tôi muốn hỏi NH Nhà nước, thống đốc có kiểm soát được dòng tiền cho các hoạt động thâu tóm nói trên hay không? Chính vì không kiểm soát được nguồn tiền này nên NH đang đối mặt với nợ xấu phải đẩy lãi suất vay lên cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hệ quả của quá trình cấp phép lập NH ồ ạt trước đây đã rõ, nhưng việc khắc phục lại chậm trễ, không dứt khoát. Giờ đây, chúng tôi lại muốn lắng nghe lời giải thích của thống đốc về hai vấn đề trên.

Tiền đâu thâu tóm ngân hàng?

* Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Q.3, TP.HCM):

Có quá nhiều thông tin không chính thức xung quanh việc các NH thâu tóm lẫn nhau. Rồi thông tin NH này góp vốn mua NH kia, NH kia mua cổ phần của NH nọ, đầu tư chéo lẫn nhau, quan hệ chằng chịt.

Là người gửi tiền, tôi muốn thống đốc giải thích rõ NH Nhà nước có kiểm soát được tình trạng đầu tư chéo giữa các NH, tiền dùng để thâu tóm NH là ở đâu, có phải là tiền vay từ NH, biện pháp xử lý thế nào... Tôi cũng mong thống đốc khoanh vùng cho người dân biết những NH nào thuộc diện tái cấu trúc và quá trình tái cấu trúc NH khi nào kết thúc. Người dân cũng muốn biết sự thật đằng sau câu chuyện thâu tóm các NH có diễn ra đúng luật và lành mạnh.

* Ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa (giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp TP.HCM):

Khi nào hết “trầy vi tróc vảy” với ngân hàng?

Hiện nay, sự thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng trong cơ chế “xin - cho” đang tạo ra một hệ lụy rất bất lợi cho doanh nghiệp. Ở đây, một thực tế đang xảy ra trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng là thủ tục rườm rà và cơ chế xin - cho. Mà cơ chế xin - cho thì đẻ ra các khoản “bôi trơn”, đặc biệt khi quyền hạn nằm trong tay một số người. Ở góc độ doanh nghiệp, điều mà chúng tôi cần nhất hiện nay là sự rõ ràng trong các chính sách. Ví dụ trong chính sách cho vay vốn thì doanh nghiệp loại nào được tiếp cận gói vốn nào, doanh nghiệp loại nào bị từ chối...

Thời điểm này, khi chúng tôi làm việc với các ngân hàng thì được thông báo lãi suất ngắn hạn (dưới một năm) là 17-18%, còn lãi suất dài hạn thấp nhất là 12%, nhưng để vay được cũng “trầy vi tróc vảy”. Công ty chúng tôi chỉ tiếp cận được vốn đầu tư, còn vốn sản xuất thì không vay được, trong tình hình này doanh nghiệp chỉ cầm cự chứ ai dám mở rộng đầu tư.

Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hỗ trợ, chúng tôi có đầu tư về chiều sâu nên có lợi thế về hiệu suất sản xuất nhưng đang rất nan giải bài toán tài chính, do không tiếp cận được vốn vay và hàng tồn kho ngày một gia tăng.

QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp