Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - Ảnh: Việt Dũng |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay 29-9, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết thông tin tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội người dân phải “bôi trơn” 8 triệu đồng để được làm sổ đỏ.
“Đòi tiền quá cao”
“Ngoài việc cấp sổ đỏ cho người chết mà vừa rồi dư luận nêu thì tôi còn nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án chung cư ở Hà Nội” - ông Cương nêu vấn đề.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, thực tế có rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm rồi nhưng không thấy nói gì đến việc cấp sổ đỏ.
“Theo người dân, nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm quản lý của Bộ TNMT trong vấn đề này như thế nào?” - ông Cương chất vấn.
Ông Cương thông tin: “Việc cấp sổ đỏ tại các dự án bấy lâu nay không làm riêng lẻ từng trường hợp đối với các dự án chung cư mà phải làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư. Lợi dụng việc này, chủ đầu tư tại cuộc họp với các cư dân tại chung cư đã phổ biến phải nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ”.
“Vì họ đòi tiền quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện, người ta xót xa không nộp và kết quả là những người nộp phí bôi trơn thì đã được cấp sổ đỏ còn những người khác thì không biết đến bao giờ. Điều đáng nói là phí bôi trơn này chỉ nói miệng và thu tiền không có biên nhận. Việc này xảy ra ở rất nhiều các dự án chung cư ở Hà Nội, điển hình là dự án Mễ Trì Thượng, Hapulico”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Việt Dũng |
Phúc đáp câu hỏi của đại biểu Cương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận tình trạng chậm trễ, kéo dài trong việc cấp sổ đỏ và tình trạng nhũng nhiễu là có thật.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì trách nhiệm thuộc về các địa phương và cụ thể là các Văn phòng đăng ký bất động sản.
Cấp phép khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đặt vấn đề: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép rất phức tạp, đặc biệt là nạn khai thác cát trên sông Hậu gây hậu quả nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, đe dọa đến đời sống của người dân. Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá?
Đáp lại, Bộ trưởng Quang nói rằng “việc này chúng tôi cũng đã biết và đang tham mưu cho Chính phủ ra chỉ thị để lập lại trật tự khai thác khoáng sản”.
Ông Quang cho rằng tình trạng này có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra.
“Còn việc xử lý thì nó liên quan đến thẩm quyền của các địa phương, tức là lực lượng công an của địa phương. Công an phải kiểm tra thường xuyên, phối hợp các lực lượng chuyên ngành để theo dõi, xử lý, vì hoạt động trên sông rất phức tạp, họ có thể hút cát rồi đi ngay nên rất khó bắt quả tang” - ông Quang giải thích.
Thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - khẳng định lĩnh vực khai thác khoáng sản, đặc biệt là trên các tuyến sông rất phức tạp. Hàng ngàn vụ vi phạm đã bị phát hiện và xử lý, nhưng vấn đề lớn lại nằm ở công tác quản lý, đặc biệt là khâu cấp phép.
“Các địa phương cấp phép quá nhiều” - ông Vương nói.
Qua đánh giá gần 1.000 giấy phép thì phát hiện tỷ lệ rất lớn giấy phép cấp không đúng thẩm quyền, cấp phép không qua đấu giá, cấp phép khi chưa có quy hoạch, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường…
“Hậu quả nghiêm trọng nhất của tình trạng trên là hủy hoại môi trường, lãng phí tài nguyên, gây mất trật tự an ninh xã hội” - ông Vương khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận