Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và tiện nghi nhưng đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo yêu cầu theo qui định - Ảnh: Đ.H
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo đó là số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên. Khi mở ngành, các trường 'khai' khá đầy đủ nhưng từ từ teo tóp dần cùng với việc hậu kiểm còn nhiều hạn chế.
Theo thông tư 22-2017 của Bộ GD-ĐT quy định điều kiện về giảng viên khi mở ngành thì hiện nay còn rất nhiều ngành ở các trường không đảm bảo số giảng viên cơ hữu tối thiểu theo quy định, thậm chí có ngành chỉ có 1 giảng viên.
Lượng đã thiếu, chất cũng không đủ. Không ít ngành trắng tiến sĩ, chỉ có thạc sĩ và cử nhân.
Chỉ có 1 giảng viên cơ hữu!
Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội được nâng cấp lên ĐH cách đây 4 năm. Theo đề án tuyển sinh 2019 của trường này công khai trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, rất nhiều ngành chỉ có 1 giảng viên cơ hữu như quản lý công, toán ứng dụng, tâm lý học, chính trị học.
Những ngành khác nhiều hơn nhưng cũng chỉ có 2-3 giảng viên cơ hữu. Có ngành như CNTT không có tiến sĩ.
Nhiều trường ĐH công lập khác như ĐH Thủ Dầu Một, Bạc Liêu, Phú Yên, Quảng Bình, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tây Nguyên... đều có tình trạng này. Trong đó, ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Tây Nguyên chỉ có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ nhưng tuyển đến 60 chỉ tiêu. Ngành sinh học có 2 thạc sĩ và 2 tiến sĩ tuyển 50 chỉ tiêu. Ngành khoa học môi trường ĐH Bạc Liêu chỉ có 4 thạc sĩ...
Ngay cả những trường thành viên thuộc các ĐH cũng không đảm bảo lượng và chất giảng viên theo quy định. Ví dụ một số ngành của Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) không đủ số lượng và chất lượng giảng viên.
Nhiều ngành ở các trường ĐH ngoài công lập như Hồng Bàng, Hoa Sen, Phan Châu Trinh, Cửu Long, Công nghệ Đồng Nai, Bình Dương... cũng có tình trạng tương tự. Trong đó, phổ biến nhất là việc chỉ có vài giảng viên cơ hữu cho một ngành đào tạo.
Hậu kiểm nhỏ giọt
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, thông tư 22-2017 quy định đội ngũ giảng viên cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ ĐH ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác đang đào tạo.
Đáng chú ý là điều 7 của thông tư này nêu rõ: cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại điều 2 của thông tư này, trong đó có điều kiện về giảng viên như đã nêu ở trên.
Đối chiếu với quy định này, hàng loạt ngành ở các trường đáng ra phải bị đình chỉ tuyển sinh vì không đảm bảo điều kiện giảng viên tối thiểu. Thế nhưng trong những năm qua, hầu như không có ngành nào bị thu hồi quyết định mở ngành, đình chỉ tuyển sinh.
Phải chăng Bộ GD-ĐT đang buông lỏng quản lý ngay cả với những quy định do chính mình đưa ra?
Lý giải về số lượng giảng viên theo ngành không đủ, PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - cho biết đúng là có tình trạng một số ngành chỉ có 2, 3 giảng viên, không đủ theo quy định.
Thời gian qua có một số giảng viên chuyển nơi làm việc nên trường đã tiến hành tuyển thêm khoảng 70 người để bổ sung lượng giảng viên thiếu hụt nhưng chưa kịp bổ sung vào đề án tuyển sinh.
"Chúng tôi khai thật số giảng viên và tiến hành tuyển dụng chứ không khai bừa" - ông Phong khẳng định. Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho rằng những ngành có ít giảng viên là những ngành khó tuyển của trường, chỉ tiêu ít. Do đó, giảng viên những ngành này được điều chuyển qua ngành khác trong cùng khối ngành.
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM, có một số ngành rất khó tìm được tiến sĩ. Khi mở ngành, các trường phải làm đủ các cách để tìm cho đủ người nhằm mở được ngành. Vì khó nên việc giữ chân người có học hàm học vị ở lại trường không phải đơn giản, khi mở ngành thì tiến sĩ, thạc sĩ đủ cả nhưng chỉ sau vài năm không còn được bao nhiêu.
Ngay cả việc xác định chỉ tiêu theo khối ngành cũng bất hợp lý bởi có nhiều ngành trong cùng một khối ngành chẳng liên quan đến nhau, nhất là nhóm ngành đào tạo giáo viên, công nghệ kỹ thuật.
Hai năm qua, các trường ĐH được bộ giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở các điều kiện do bộ đưa ra. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra định kỳ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh của các trường.
Một cán bộ Bộ GD-ĐT thừa nhận đây là mắt xích yếu nhất trong tự chủ tuyển sinh.
Tự chủ khi văn hóa chất lượng ở mức thấp và điều kiện, trình độ kỹ thuật kém đã và đang rất khó khăn. Thực tế hằng năm bộ có tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng ở các trường nhưng số lượng rất hạn chế.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, chúng tôi đã đặt vấn đề hậu kiểm các trường, đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận hiện nay nhân lực của bộ không đủ để hậu kiểm tất cả các trường, mỗi năm chỉ có thể kiểm tra khoảng 20/400 cơ sở đào tạo. Thực tế có trường bị điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đúng với năng lực thực tế nhưng số lượng trường kiểm tra như thế quá ít.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với tăng cường kiểm tra
Ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết việc mở ngành và xác định chỉ tiêu hiện nay chưa đồng nhất. Việc xác định chỉ tiêu tính giảng viên cơ hữu theo khối ngành (bao gồm rất nhiều ngành khác nhau) trong khi mở ngành lại quy định số giảng viên cơ hữu theo từng ngành.
"Mặc dù vậy, các trường phải duy trì điều kiện mở ngành, trong đó có số lượng giảng viên quy định cho từng ngành. Đây là điều kiện bắt buộc để duy trì tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng. Việc kiểm tra giảng viên theo từng ngành thuộc công tác hậu kiểm" - ông Nghệ nói thêm.
Cũng theo ông Nghệ, Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai thực hiện đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2030, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019 để nối tiếp các chương trình, đề án trước đã thực hiện nhằm mục tiêu chung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Cùng với việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của Luật giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm theo quy định, trong đó có nội dung thực hiện các quy định liên quan về giảng viên ĐH.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận