17/10/2012 06:43 GMT+7

Chất liệu vô giá từ ca "hiến gan cứu mẹ"

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Tôi cầm tờ báo Tuổi Trẻ ra ngày chủ nhật có bài vedette “Chuyện người con hiến gan cứu mẹ” đưa cho học trò mình xem và hỏi: “Các em nghĩ gì về câu chuyện anh Diệp Hữu Lộc hiến gan cứu mẹ?”.

vJalHXd8.jpgPhóng to
Ca ghép gan của người con hiến gan cứu mẹ được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngày 12-10 - Ảnh: MINH ĐỨC chụp qua màn hình của bệnh viện

Có không ít em trả lời là chuyện bình thường. Hỏi tại sao là bình thường, các em bảo: hiến gan cứu người ngoài mới đáng nể chứ ở đây cứu mẹ mình thì có gì đáng nói.

Không đâu, nói nghe thì dễ lắm. Nhưng cứ thử vào Google gõ mấy cụm từ như “con hại cha mẹ”, “con kiện cha mẹ” đi mà xem. Cả chục triệu kết quả với vô vàn câu chuyện làm nhói lòng người. Nào là vì một miếng đất con đưa cha mẹ ra tòa. Nào là con cái khá giả nhưng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi bỏ đó mà đi mất dạng. Nào là đổ xăng đốt cha mẹ, đốt cả người thân vì thừa kế...

Từ ngàn xưa ông bà đã có câu “Nước mắt chảy xuôi”, ý bảo cha mẹ lo cho con thì nhiều chứ mong gì con lo ngược cho cha mẹ. Cái cảnh “cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” chẳng phải chuyện hiếm.

Kể với các học trò như thế rồi tôi hỏi tiếp: Những em bảo rằng việc anh Diệp Hữu Lộc hiến gan cứu mẹ là bình thường, thì cho cô hỏi ở nhà có bao giờ các em quan tâm đến sức khỏe cha mẹ không? Có bao giờ tìm hiểu tiền nuôi mình ăn học hôm nay là do cha mẹ vất vả như thế nào? Có biết được thu nhập cha mẹ là bao nhiêu không? Có bao giờ tự giác rót một ly nước, mang một chiếc khăn lạnh đến cho cha mẹ khi đi làm về không? Nhiều em đã sượng sùng lắc đầu bảo không biết!

Tôi có một người bạn thân, đêm hôm khuya khoắt chị gọi điện giọng như reo, kể rằng: Sau bữa cơm tối, ông xã đi công tác nên chị với con trai đang học đại học ngồi chuyện trò tâm sự. Chị như muốn bay bổng khi nghe con trai kể lại kỷ niệm thời còn học lớp 9, lúc chuẩn bị cho đợt thi lớp 10, cứ mỗi sáng ba chở đi học đều cho con trai ăn một tô phở có quả trứng gà. Con hỏi vì sao ba không ăn thì được nghe là ba không đói. Nhưng bây giờ lớn rồi, con trai mới biết ba chỉ đủ tiền cho con ăn phở thôi. Và cậu con trai bây giờ là sinh viên đã tự trách mình sao hồi ấy vô tư đến thế.

Chị bạn tôi nói: “Khi nghe con nói được điều đó, mình thấy hạnh phúc là con đã thành nhân”. Vâng, làm cha mẹ không phải ai cũng biết giá trị “thành nhân” với “thành tài” hoàn toàn khác nhau. Không ít người cứ chăm bẳm mong con “thành tài”, mà quên mất rằng mục tiêu giáo dục con người là “thành nhân” lớn hơn “thành tài”. Trong xã hội, không ít người đã “thành tài”, đã là ông nọ bà kia, nhưng chưa hẳn đã “thành nhân”. Và đó là một bi kịch của xã hội.

Kể từ hôm chủ nhật đến nay, cứ cầm tờ báo trên tay là tôi tìm xem diễn biến của ca ghép gan như thế nào. Và sáng thứ ba khi đọc thấy bản tin “Ca ghép gan thành công hơn mong đợi”, cùng bức ảnh chụp hai mẹ con Diệp Hữu Lộc đã nhìn thấy nhau qua cánh cửa, hạnh phúc trong tôi như vỡ òa: một cái kết thật có hậu cho một tấm gương sống động của câu chuyện hiếu thảo ngày nay.

Cảm ơn Tuổi Trẻ, bởi “Chuyện người con hiến gan cứu mẹ” là chất liệu vô giá cho chúng tôi - còn hơn cả “nhị thập tứ hiếu” - khi giảng bài học về đạo làm người, đạo làm con cho học sinh, vốn đang ngả nghiêng trong xã hội có nhiều điều phức tạp.

Tỏa sáng lòng yêu thương

Ca ghép gan người lớn thành công, Lộc và mẹ đã phục hồi sức khỏe. Bạn đọc chúng tôi thật sự vui mừng trước tin này. Sau khi ghép gan, mẹ Lộc phải điều trị thêm và tôi tin rằng tình

cảm gia đình ấm áp sẽ giúp chị sớm lành bệnh và sống hạnh phúc bên người thân, đặc biệt là người con hiếu thảo của chị. Lộc hiến tặng một phần gan cho người mẹ thân yêu nhất của mình mà không một chút đắn đo, khi tỉnh dậy em lại hỏi thăm sức khỏe mẹ đầu tiên... Thật cảm động biết bao!

Việc làm của Lộc đã làm tỏa sáng thêm truyền thống của người Việt: yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, một bệnh nhân bị bác sĩ sơ ý cắt đi cả hai quả thận. Tin này lan ra và không ít người sẵn sàng hiến một quả thận của mình cho chị. Qua những câu chuyện cảm động như thế này, tôi thấy ngành y học nước ta cần lắm những “ngân hàng” nội tạng để cứu người.

Theo tôi, cần có những cuộc tuyên truyền sâu rộng hơn trong mọi người để thành lập “ngân hàng” này. Và chắc chắn sẽ có những người sẵn sàng hiến nội tạng, cơ thể mình sau khi mất để có thêm sự sống cho người khác và góp phần giúp nền y học nước nhà phát triển.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp