Đây là chuyện đang được bàn luận đến ở tận thôn quê. Nhiều loại thuốc nguy hiểm cho sức khỏe vẫn mua bán dễ dàng.
Người trồng thanh long cho biết không dùng thuốc để vuốt râu trái (để râu luôn xanh) thì không được thu mua.
Nhiều loại trái cây hái sớm rồi xử lý bằng thuốc để chín đều hoặc tươi lâu theo ý thương lái. Những thuốc này trước kia thương lái dùng, giờ nhà nông cũng có thể mua và dùng thường xuyên.
Nhiều vụ phủ tạng bốc mùi hôi thối bị quản lý thị trường bắt giữ khi vận chuyển. Nếu không bị bắt, hàng ôi thiu ngâm hóa chất sẽ trở nên tươi, sạch, sẵn sàng phục vụ thực khách.
Những vụ việc như vậy xảy ra xung quanh chúng ta, đa số người tiêu dùng nửa tin nửa ngờ rồi cũng đành chặc lưỡi cho qua, tự an ủi: lâu lâu mới ăn, ngon là được, độc một chút chắc cũng không sao!
Xin đừng vội lên án người tiêu dùng thiếu cẩn trọng. Bởi vì họ đâu có cách nào để phòng tránh, trong khi hằng ngày vẫn rất cần ăn uống mà trái cây, thực phẩm chế biến sẵn không thể thiếu.
Người trồng cây trái, người chế biến thức ăn thì nhìn nhau, ai cũng có dùng hóa chất kiểu này kiểu khác để hàng của mình tươi, ngon, bắt mắt, vừa khẩu vị… để tiêu thụ được nhanh hơn.
Tại sao chúng ta mãi nhắm mắt làm ngơ để đưa những thứ độc hại vào miệng nhau như vậy?
Thuốc độc đến từ cọng giá, lá hành, trái ớt đến từng ly nước uống. Và việc mua bán hóa chất độc hại ngày càng dễ dàng hơn, ai bán ai mua cũng được và giao tận nhà.
Tiểu thương bán hóa chất có thể đóng sạp, không cần ra chợ vẫn có thể bán được hóa chất các loại thông qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử.
Thậm chí càng dễ bán hàng cấm khi không bị kiểm tra tại sạp chợ. Các trang thương mại điện tử cũng "sống khỏe" khi bán hóa chất các kiểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận