Người dân không đủ kiên nhẫn bám trụ với loại cây trồng này nữa.
Phóng to |
Anh Mã Văn Quang (huyện Đồng Phú) cưa bỏ vườn điều để lấy đất trồng cao su - Ảnh: T.Mạnh |
Hết kiên nhẫn với cây điều
Vượt qua cánh rừng cao su xanh ngát, trước mắt chúng tôi hiện ra một bãi đất trống bị máy ủi xới tung, chỉ còn trơ lại những gốc điều cháy đen nham nhở. Cạnh đó, những đống gỗ điều đang được công nhân đưa lên xe để chuyển đi. Phía cuối vườn điều, một người đàn ông đang cầm chiếc cưa máy bổ thẳng vào một cây điều sum sê lá. Tiếng máy cưa gầm lên. Chỉ mấy phút sau cả cây điều đã nằm vật ra đất chỉ chừa lại cái gốc chỏng chơ.
Diện tích giảm dần Theo Hội Điều Bình Phước, năm 2005 Bình Phước có 180.000ha điều, nhưng đến năm 2009 diện tích điều còn 167.000ha và đến năm 2011 con số này chỉ còn 148.000ha. Hiện toàn tỉnh có 195 doanh nghiệp và 119 cơ sở sản xuất chế biến điều, trong đó có 31 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. |
Cách đó không xa, gia đình anh Trần Ngọc Tuấn cũng đang hì hục cưa điều trong vườn. Anh Tuấn cho biết nhà có gần 6ha điều nhưng đã cưa hết 4ha. “Thu nhập từ trồng điều còn thấp hơn cả khoai mì, đừng nói đến trồng cao su nên gia đình tôi quyết định chặt bỏ, dù đã gắn bó với cây điều trên 10 năm nay” - anh Tuấn nói.
Hiện tượng chặt điều tại Bình Phước không diễn ra lẻ tẻ ở những vùng điều già cỗi, mà hiện đang trở thành phong trào lan rộng nhiều nơi. Dọc con đường từ thị xã Đồng Xoài lên Phước Long, những bãi gỗ điều cao hơn 3m nằm san sát hai bên đường như những bức tường thành bằng gỗ. Len lỏi giữa những con đường đất đỏ vào sâu trong khu trồng điều, đâu đâu chúng tôi cũng thấy cảnh những vườn điều bị chặt bỏ. Nhiều vườn chưa chặt nhưng đã có những chiếc máy khoan lỗ để trồng cao su, đợi cao su sống thì người ta mới chặt điều.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao, một chủ vựa mua gom gỗ điều tại Bù Gia Mập, cho hay chưa có năm nào thấy người ta chặt điều nhiều như năm nay. Mỗi mẫu giá 15-20 triệu đồng tùy cây điều to hay nhỏ. Sau khi thỏa thuận, người mua đưa máy cưa và xe vào rẫy cắt điều thành từng đoạn khoảng 1m rồi đưa lên xe chuyển ra chất hai bên đường lớn để bán củi. “Cứ cái đà chặt như thế này chỉ mấy năm nữa vùng này hết điều” - chị Giao nói.
Nông dân không thể tự bơi
Ông Trần Ngọc Kinh, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, cho biết chuyện nông dân chặt điều chuyển sang trồng cây khác, chủ yếu là cao su, đã trở thành chuyện thời sự ở Bình Phước.
Theo ông Kinh, nông dân không còn mặn mà với cây điều do năm nay thất mùa nặng và giá điều chỉ còn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái giá hạt điều thô 37.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 45.000 đồng/kg. Nhưng năm năm nay giá điều thô đầu vụ cao nhất chỉ đạt 23.000 đồng/kg, rồi giảm dần và hiện chỉ 26.000-27.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Kinh, việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trồng điều cũng được xem là một nguyên nhân.
“Là tỉnh có diện tích điều lớn nhất nước nhưng không có một doanh nghiệp nào liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Người dân cứ cắm cúi sản xuất, còn doanh nghiệp đợi đến mùa mới đi mua. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không thèm mua hạt điều thô trong nước mà qua...châu Phi nhập về chế biến” - ông Kinh nói.
Ông Phan Văn Đon, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, cho rằng điều là cây kinh tế đa mục đích, phù hợp với bà con nông dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, để hạn chế tình trạng chặt điều, thời gian qua ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân trồng xen cây ca cao trong vườn điều.
Theo ông Đon, việc trồng xen cây ca cao dưới tán điều trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao hơn trồng thuần và tiết kiệm được diện tích đất canh tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận