26/08/2013 10:59 GMT+7

Chặt cổ thụ, lấp bến nước làng cổ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Không gian làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - làng cổ thứ hai sau Đường Lâm (Hà Nội) được xếp hạng di tích cấp quốc gia - đang bị biến dạng bởi một dự án “bêtông hóa” bờ sông từ đầu đến cuối làng.

X22kqVtb.jpgPhóng to
Cây xanh ven bờ sông cùng với các bến nước đã bị phá bỏ. Thay vào đó là bờ kè bêtông chạy từ đầu đến cuối làng - Ảnh: Thái Lộc

Ngay từ cầu Phước Tích nhìn xuống, một bờ kè lát tấm bêtông đã được xây dựng ven sông Ô Lâu, ngăn cách hẳn dòng sông với xóm làng phía trên, trái ngược cảnh xanh tươi nhuần nhị như ngày nào. Con đường vào làng chang chang nắng vì cây cối ven sông đã bị chặt.

Ông L.V.T, một người dân làng, cho biết việc xây kè đã ủi đi gần trọn lũy tre và nhiều cây cổ thụ ven sông đoạn từ bến Đình đến bến Cây Bàng. “Nhiều cây cổ thụ không nằm trên kè nhưng vướng việc thi công nên người ta cũng chặt bỏ không thương tiếc. May mà nhiều người làng đấu tranh họ mới để lại một cây bồ đề và cây cừa ở xóm Hội, nếu không cũng chẳng còn cây mô. Đường làng nắng không chịu nổi!” - ông L.V.T. xót xa nói.

Dân “đòi” trả lại bến nước

Không chỉ chặt cây, đơn vị thi công còn lấp cả ba bến nước gắn liền với cộng đồng xưa nay khiến nhiều người dân tiếc ngẩn ngơ. Theo trưởng thôn Hoàng Tấn Minh, người xưa đã để lại cho Phước Tích 12 bến nước, bố trí trên bờ sông từ đầu đến cuối làng. Thế nhưng trong lúc thi công, người dân phát hoảng vì các bến Lò, bến Miếu Vua và bến Cầu đã bị bờ kè xây lấp lên.

Theo một người dân, bến Lò có vai trò đặc biệt quan trọng với làng vì nằm sát lò gốm, là nơi thuyền bè cập bến đưa đất nguyên liệu về lò, đồng thời chuyển gốm đi bán ở khắp nơi... Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh cho hay nhiều người trong làng đang kiến nghị hoàn trả ba bến nước đã bị lấp đi.

Ông Hoàng Ngọc Hòa - phó ban quản lý dự án kè Phước Tích - cho rằng bờ sông đoạn qua làng Phước Tích rất nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng nên phải xây toàn tuyến, nếu không sẽ tiếp tục xói lở. Vì đây là di tích quốc gia nên trước khi xây huyện đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL và Bộ VH-TT&DL. Tháng 11-2011, bộ có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ, ban đã đáp ứng đầy đủ song chưa thấy bộ trả lời. Theo ông Hòa, vì bờ sông ngập lụt chính vụ nên không làm mái trồng cỏ mà phải xây kè. Mặt khác, khi khảo sát thì ba bến nước nói trên đã bị xói lở hoặc bồi lấp nên không biết để đưa vào thiết kế. Còn việc đốn cây, ông Hòa cho hay làm kè phải bạt mái nên cây nằm trên kè thì phải đốn.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, rất nhiều cây ở xa bờ kè vẫn bị đốn hạ; bờ sông chỉ sạt lở một vài điểm chứ không phải toàn tuyến, không nhất thiết phải xây kè từ đầu đến cuối làng.

VrFpRVQQ.jpgPhóng to
Ngôi nhà cổ của ông Lương Thanh Phong đang mục ruỗng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào - Ảnh: TIẾN LONG

Nhà cổ chờ sụp!

Cư dân làng cổ Phước Tích không chỉ đang lo lắng với dự án làm kè phá vỡ không gian xanh, mà còn “ngổn ngang trăm mối” với hàng loạt ngôi nhà rường cổ đang chờ sập nhưng không có tiền để tu sửa.

Đầu năm 2013, một chiếc đòn tay ngôi nhà cổ của ông Lê Trọng Nam ở xóm Lò bất ngờ rơi xuống nền nhà. Vài ngày sau, một đòn tay và một chiếc cột nhà cũng bung ra rơi xuống. Rất may lúc ấy trong nhà không có người. Qua kiểm tra, ngôi nhà được phát hiện hầu hết cấu kiện gỗ đều bị mối mọt ăn rỗng ruột, cho dù bên ngoài gỗ có vẻ trơn láng. Nhà cổ hơn 100 năm của ông Lê Trọng Phú ở gần miếu Cây Thị cũng bị rơi đòn tay. Ngôi nhà rường ba gian hai chái chạm trổ, khảm xà cừ tuyệt đẹp này sau khi kiểm tra thì phát hiện mục ruỗng phần mái, rầm thượng và rất nhiều kèo, cột. Với nhà cụ Trương Công Thị Thú đã hơn 120 năm tồn tại, tất cả cấu kiện đều bị mối mọt làm hỏng. Nghiêm trọng nhất là ngôi nhà tuyệt đẹp của ông Lương Thanh Phong. Toàn bộ mái ngói liệt và tường gạch phía sau bị sụp đổ từ năm 2009, ông thuê lợp tạm bằng ngói ximăng và xây một hàng bờ lô phía sau để chống trộm. Hầu hết các cấu kiện gỗ trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Bất lực vì tiền sửa nhà quá lớn, ông Phong cho biết đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan quản lý làng cổ và UBND huyện Phong Điền từ nhiều tháng nay nhưng chưa thấy trả lời chính thức.

Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh cho biết trong số 24 ngôi nhà cổ của làng, hiện sáu cái đang có nguy cơ đổ sụp. Phần lớn nhà cổ còn lại đều bị mối ăn, đang hư hỏng nghiêm trọng. Vì số tiền sửa nhà quá lớn, mất từ 400-500 triệu đồng trở lên nên người dân không có cách gì đầu tư sửa chữa.

Lại chờ quy hoạch

Ông Nguyễn Hồng Thắng - giám đốc Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích - cho hay kể từ ngày được công nhận di tích quốc gia (tháng 3-2009) đến nay, chỉ có một nhà của ông Trương Duy Thanh được đầu tư trùng tu theo chương trình hợp tác giữa Viện Di sản Bỉ và Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế vào cuối năm 2011. Huyện đang chuẩn bị đầu tư 400 triệu đồng để trùng tu ngôi nhà bà Trương Thị Hén từ nguồn vốn của Bộ VH-TT&DL. “Chúng tôi đang chờ có quy hoạch tổng thể được duyệt, sau đó mới đi vào lập từng dự án đơn nguyên các ngôi nhà xuống cấp!” - ông Thắng cho biết. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể làng Phước Tích vẫn chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt nhiệm vụ thực hiện cho một đơn vị nào.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp