Một bể lọc cùng hệ thống ống dẫn nước xuống hồ treo Sà Phìn đã khô, không có nước để phục vụ việc cải tạo hồ treo này - Ảnh: NAM TRẦN |
Suốt cả tháng 3, tháng 4, nơi cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang hầu như không có cơn mưa rào nào. Bể nước ở nhà cạn dần, cứ chiều đến các bà, các chị, các em lại rủ nhau mang gùi, mang xe đến các khu vực hồ treo chở từng can nước về nhà sử dụng.
Từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm, Hà Giang bước vào mùa khô hạn. Nơi cao nguyên đá vốn chỉ thấy những mỏm đá tai mèo sừng sững nay lại càng khô khốc giữa cái nắng cháy.
Vì vậy, với bà con nơi đây có được giọt nước từ mảnh đất khô cằn này quý như vàng.
Với 225 thôn bản nhưng chỉ có 37 hồ treo. Và nhiều hồ đã cạn nước vào mùa khô. Những thôn bản nằm sâu trên tận những đỉnh núi cao từ 1.200 - 1.500m khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô.
Nhiều gia đình người Mông phải lặn lội quãng đường dài hàng chục cây số để tới các khu vực có hồ treo còn nước để tắm giặt sau một tuần hoặc lấy được một vài can nước về nhà để dùng.
Khoảng 16h, các chị, các em nhỏ đến hồ treo gùi nước về nhà. Đàn ông khỏe hơn, phóng xe máy đến chở từng thùng phuy nước to.
Hai em Giàng Thị Mai và Giàng Thị Giâm ở xã Sà Phìn chiều nào cũng đến gùi can nước 30 lít mang về cách đó chừng vài cây số. Từng gương mặt thấm đẫm mệt mỏi, những đứa trẻ thở hổn hển vì mang vác nặng. Thế nhưng khi được hỏi: “Có mệt không?”, ai cũng lắc đầu nở nụ cười tươi: “Quen rồi, không thấy mệt, có nước dùng không mệt đâu”.
Càng vào cuối mùa khô, nước với bà con trên cao nguyên đá còn quý hơn vàng. Quý đến mức suốt cả một tuần, bà con mới đến các hồ nước, bể nước giặt giũ một lần.
Vợ chồng em Hầu Mí Na (20 tuổi) cùng hai hộ khác cứ cuối tuần là đến giặt giũ tại bể nước của xã Tả Phìn.
“Nhà có bể chứa nước mưa nhưng chỉ đủ ăn uống thôi, mùa này cạn dần nên đến đây giặt giũ. Nước cần chứ, quý chứ”, Na tâm sự.
Một tuần chỉ tắm... một lần là lẽ thường nơi cao nguyên đá này. Cũng bởi họ phải chắt chiu từng giọt nước quý như “giọt vàng” đem lại sự sống nơi cao nguyên đá cằn cỗi.
Một phụ nữ Mông cõng bao phân lên thửa ruộng khô cằn chờ trời mưa để tra ngô tại thôn Sà Lủng A, xã Phố Cáo - Ảnh: NAM TRẦN |
Một bể treo thủy lợi tại xóm Há Hơn, Sà Phìn cũng khô cạn không còn nước chứa - Ảnh: NAM TRẦN |
Hằng ngày cứ tới chập tối, Giàng Thị Mai (19 tuổi), Giàng Thị Giâm (16 tuổi) lại tới hồ treo cách nhà 3km gùi can 30 lít nước để gia đình dùng trong một ngày - Ảnh: NAM TRẦN |
Gia đình anh Pố, gần nhà Mai và Giâm, cũng một tuần dùng xe máy chở đồ tới hồ giặt giũ - Ảnh: NAM TRẦN |
Vợ chồng em Hầu Mí Na (20 tuổi) cùng hai hộ khác cứ cuối tuần là đến đến giặt giũ tại bể nước khoảng 3 khối của xã Tả Phìn - Ảnh: NAM TRẦN |
Một số hồ treo cỡ lớn còn nhiều nước nhưng chủ yếu ở trung tâm huyện hoặc xã, việc dẫn nước về các thôn bản còn rất khó khăn - Ảnh: NAM TRẦN |
Trên địa bàn huyện Đồng Văn hiện có hai hồ treo cỡ lớn đang được tiến hành xây dựng để phục vụ nhu cầu nước nơi đây. Trong ảnh: hồ treo tại Lũng Cẩm, xã Sủng Là đang được xây dựng - Ảnh: NAM TRẦN |
Những chiếc bể treo tự chế chênh vênh trên các vách núi của người dân tại đỉnh đèo Mã Pí Lèng cũng sắp cạn nước - Ảnh: NAM TRẦN |
Một hệ thống ngăn cặn và lọc nước trên núi dẫn về hồ treo mùa này khan nước - Ảnh: NAM TRẦN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận