24/11/2018 13:41 GMT+7

Chắt chiu niềm đam mê khoa học

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã từng bước chắt chiu, nuôi lớn niềm đam mê khoa học của hàng chục ngàn bạn trẻ theo thời gian.

Chắt chiu niềm đam mê khoa học - Ảnh 1.

Euréka góp phần kích thích sự sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong ảnh: sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô - Ảnh: Q.L.

Hôm nay 24-11, Thành đoàn TP.HCM kỷ niệm 20 năm hình thành, phát triển của sân chơi Euréka, đồng thời trao thưởng cuộc thi năm 2018. 

Cuộc hội ngộ với nhiều chuyên gia, thí sinh và nhà khoa học trẻ trưởng thành từ cuộc thi này mới đây cùng chia sẻ ưu tư về con đường nghiên cứu khoa học của người trẻ.

Chưa giải thưởng nào của Đoàn có sức quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành đến vậy. Và Euréka có phát triển thế nào cũng không ngoài ưu tiên phục vụ và vì sự phát triển của TP.HCM.

Anh NGUYỄN VIỆT QUẾ SƠN (phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM)

Lan tỏa tình yêu khoa học

Nhiều năm gắn bó với cuộc thi, PGS.TS Chế Đình Lý (Viện Tài nguyên & môi trường) đánh giá Euréka đã thúc đẩy người trẻ quan tâm hơn đến các vấn đề của cuộc sống, biểu hiện qua nhiều đề tài nghiên cứu ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi.

"Một trong những cái được lớn là kích thích sinh viên sáng tạo, hình thành phương pháp tư duy khoa học, tư duy hệ thống, không chỉ học những gì thầy dạy mà còn biết tự tìm tòi, nghiên cứu" - ông Lý nói.

Chia sẻ, TS Phạm Văn Chắt (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng ông cùng nhiều nhà khoa học khác lạc quan khi chấm các đề tài sinh viên dự thi hằng năm. 

Bởi nhiều đề tài là tình hình, thực trạng của đất nước, phản ánh khả năng cập nhật thông tin rất tốt của các bạn. Và cũng bởi các bạn đã dám "đụng" đến khoa học, theo TS Chắt, là điều không dễ nhưng góp phần nâng tầm trí tuệ nếu sinh viên nào dám bước vào.

Nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) Nguyễn Công Tĩnh nói có hai sản phẩm quý mà sân chơi này cung cấp ra xã hội. 

Một là những sinh viên khi tham gia được nâng cao kiến thức chuyên môn, khả năng nghiên cứu mà nhiều nhà khoa học đã trưởng thành từ đây. 

Hai là kết quả các đề tài, công trình nghiên cứu trở thành tư liệu tham khảo và không ít công trình, sản phẩm ứng dụng vào thực tế cuộc sống từ chính các kết quả nghiên cứu này.

Nâng tầm chuyên nghiệp

Nhưng cũng từ 20 năm vừa qua, có không ít trăn trở cho chặng đường sắp tới. Có ý kiến đề xuất tăng "đặt hàng" nghiên cứu các vấn đề TP.HCM đang cần hiện nay. 

Đoàn Trường ĐH Sài Gòn mong muốn ngay cả khi đề tài không đoạt giải nên có phản hồi, cũng là cách giúp sinh viên hiểu rõ còn thiếu gì trong quá trình nghiên cứu của mình chứ đừng im lặng cho qua.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi (ĐH Y dược TP.HCM) nói cần nghĩ đến quỹ hỗ trợ các bạn trẻ làm nghiên cứu ngay từ đầu chứ không đợi đã ra kết quả tốt rồi mới thưởng. 

Ngoài ra, cùng với giải thưởng cho sinh viên, TS Tươi cho rằng Euréka nên tính đến việc vinh danh các thầy cô hướng dẫn sinh viên nghiên cứu hiệu quả bởi sinh viên khó lòng đạt kết quả tốt nếu không có sự hướng dẫn sát sao.

Góc nhìn khác, TS Đinh Minh Hiệp (Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) chỉ ra rằng nếu muốn hái quả ngọt cần đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nòng cốt. 

Lý giải, TS Hiệp nói khi có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh và không dừng lại ở suy nghĩ nghiên cứu khoa học sinh viên, chúng ta có thể chọn lọc, đầu tư những nghiên cứu khả thi để phát triển thành đề tài lớn, tính ứng dụng cao hơn. 

"Nên có hội nghị chuyên ngành để giá trị nghiên cứu chuyên sâu hơn. Chưa kể phải kết nối tốt giữa các ngành vì nhiều nghiên cứu hôm nay mang tính liên ngành, ít khi đứng độc lập" - ông Hiệp đề đạt.

PGS.TS Từ Diệp Công Thành (phó ban khoa học công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói đã đến lúc nên chia giải thưởng này thành hai nhóm: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

"Chúng ta nên tính toán mời sinh viên quốc tế thi cùng, mời doanh nghiệp tham gia chấm và có giải thưởng của doanh nghiệp các năm sau, cũng là cách nâng tầm chất lượng sân chơi khoa học này" - TS Thành chia sẻ.

Cảm hứng từ "Vì ngày mai phát triển" của Tuổi Trẻ

Ông Ngô Bách Phong, nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, nhớ rằng chính cảm hứng từ chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ, với chương trình 7 tài trợ cho nhà nghiên cứu trẻ mà sau đó Thành đoàn TP.HCM cho ra đời "Chương trình Euréka tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ".

Đây cũng là tiền thân của "Giải thưởng khoa học sinh viên Euréka" mà nay là "Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka".

Tìm ý tưởng nghiên cứu, khơi gợi tinh thần khoa học cho sinh viên là mục tiêu ngay từ đầu hình thành giải thưởng này tính đến.

"Chúng ta có thể kể tên nhiều nhà khoa học hiện nay trưởng thành từ Euréka và họ vẫn gắn bó với khoa học, rồi hàng chục ngàn sinh viên đã gửi đề tài dự thi 20 năm qua chứng tỏ sức lan tỏa, thái độ làm khoa học nghiêm túc của các bạn trẻ" - ông Bách Phong phát biểu.

Sân chơi Euréka ươm quả ngọt khoa học trẻ

TTO - Từ sân chơi Euréka, nhiều gương mặt trẻ đã định hình cho mình hướng nghiên cứu và tiếp tục gắn bó với con đường làm khoa học.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp