Châu Âu cảnh báo mì gói có chất cấm EO
Thông tin xác minh sơ bộ ban đầu cho hay mới có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Đức nghi có chứa ethylene oxide (EO). Đó là sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Bộ Công thương cho hay chưa nhận được báo cáo từ các doanh nghiệp liên quan.
EU tiếp tục cảnh báo
Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), lưu ý mỗi một quốc gia quy định về an toàn thực phẩm, trong đó có quy định về hàm lượng EO khác nhau. Ví dụ Mỹ, Canada với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7mg/kg, riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2mg/kg.
Đối với cảnh báo gần đây của EU, ông Nam cho biết theo thông báo của Malta, sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia đã bị cảnh báo vì mối nguy phở làm từ gạo biến đổi gene trái phép. Biện pháp thực hiện là giám sát và thu hồi sản phẩm.
Sản phẩm mì ăn liền của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng bị Ba Lan trả lại hàng. Mối nguy hiện chưa rõ nguyên nhân.
"Sau các thông báo, cảnh báo của EU, Văn phòng SPS Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ, truy tìm nguyên nhân vi phạm để có biện pháp khắc phục", ông Nam nói.
Theo Bộ Công thương, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm thực phẩm ăn liền được sản xuất tại Việt Nam phát hiện có chứa chất cấm. Trước thông tin các sản phẩm của Việt Nam tiếp tục bị cảnh báo, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của EO
Dù nhiều nước cảnh báo sản phẩm mì ăn liền từ Việt Nam vượt ngưỡng quy định, nhưng theo Bộ Công thương, tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đối với những hóa chất thế hệ mới, đa tính năng để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng quy định mức ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Vì sao lại có EO trong sản xuất mì?
Theo Bộ Công thương, dựa trên các báo cáo của doanh nghiệp, kết quả kiểm nghiệm cũng như phân tích, việc xuất hiện EO trong mì ăn liền xuất phát từ các nguồn nông sản được sử dụng làm nguyên liệu trong gia vị, rau củ sấy.
Sau khi xảy ra sự cố về EO nêu trên và thực hiện yêu cầu của công ty sản xuất mì ăn liền, các doanh nghiệp này đã cam kết không sử dụng EO để diệt khuẩn mà sử dụng phương pháp sấy nhiệt.
Tuy nhiên điều này không loại trừ một số doanh nghiệp khác vẫn sử dụng công nghệ sấy EO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận