Nhà sản xuất Charlie Nguyễn trải lòng với khán giả TP.HCM chiều 10-1 tại Xinehouse- Ảnh: MI LY
Sau 15 ngày công chiếu, Người cần quên phải nhớ thu về gần 1,9 tỉ đồng và đã rời rạp. Đây là mức doanh thu đáng thất vọng và đáng buồn với êkip nổi tiếng của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh.
Charlie Nguyễn - người đứng đầu dự án - cho biết phim lỗ hơn 1 triệu USD (23 tỉ đồng).
Chiều 10-1, anh trải lòng trước khán giả TP.HCM tại buổi Sunday Talk của không gian điện ảnh Xinê House về thất bại cay đắng này.
Thất bại do chưa chạm đến trái tim khán giả
Khi được hỏi về thất bại phòng vé của Người cần quên phải nhớ, Charlie Nguyễn bộc bạch:
"Không một nhà làm phim lớn nào trên thế giới không từng thất bại. Tôi luôn nói với cộng sự là mình sẽ làm hết sức với dự án, còn kết quả là ông trời tính. Tôi không quá vui khi thành công, không quá buồn khi thất bại. Mỗi thất bại đều là một bài học.
Không ai muốn sản xuất một phim thất bại. Không ai có thể nói tôi làm phim chưa từng thất bại. Những người làm nhiều là những người thất bại nhiều nhất. Khi phim thất bại, tôi nhìn lại mình.
'Người cần quên phải nhớ' gặp bất lợi vì nội dung không xuất sắc và hiệu ứng truyền miệng quá tiêu cực - Ảnh: ĐPCC
Tôi không nghĩ Người cần quên phải nhớ là bộ phim tồi tệ. Nhưng tôi chắc chắn nó không phù hợp với nhu cầu thị trường này, không đáp ứng nhu cầu của khán giả bây giờ. Nhu cầu ấy thay đổi hàng ngày chứ không phải hàng năm. Khi làm phim, mình theo "trend" (xu hướng) này thì đến khi phim ra, "trend" đã thay đổi rồi.
Nếu Người cần quên phải nhớ ra rạp vào mấy năm trước, sẽ có nhiều bạn trẻ hưởng ứng".
Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn tất cả, theo Charlie Nguyễn, đó là phim chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim của khán giả, chưa khiến khán giả vỡ òa về cảm xúc. Đó là lý do lớn nhất.
"Mà để chạm đến trái tim khán giả thì phải qua nhân vật. Điều này do mình chưa đồng hành với nhân vật hết mức. Nếu khán giả khóc khi xem phim, đó là do họ đồng cảm và thương nhân vật. Họ đau vì nỗi đau của nhân vật. Vì sao họ phải thương một anh chàng giang hồ? Vì sao họ phải thương một cô nhà báo muốn dùng cái chết của cha mình để lên trang nhất?
Đó là cái chúng tôi chưa làm được. Không thương hai nhân vật nên khi họ được - mất, khán giả cũng không quan tâm" - nhà sản xuất Charlie Nguyễn nói.
Sau buổi ra mắt phim ở Hà Nội, tôi kéo Đức Thịnh ra một góc và nói: "Anh ước gì mình có thể trở lại và quay lại vài cảnh nữa. Anh nhận ra vấn đề rồi. Anh biết mình phải làm gì với bộ phim này rồi". Giây phút đó vô cùng quan trọng, nhưng mọi thứ không còn kịp nữa.
Sau khi ra mắt Hồn papa da con gái, tôi từng cùng êkip ngồi lại nhiều tiếng đồng hồ, chúng tôi giống như moi trái tim ra khỏi lồng ngực và phân tích cặn kẽ từng li từng tí".
Chỉnh sửa quá nhiều, thay đổi cả thể loại phim
Trailer phim Người cần quên phải nhớ
Ban đầu, ý tưởng Người cần quên phải nhớ là phim điều tra, trinh thám, hình sự (thriller). Cấu trúc là hai nhân vật chính tìm mọi cách lừa gạt nhau để đạt được mục đích. Đây là ý tưởng thú vị nhưng rất khó kể và khác những phim trước đây của Đức Thịnh.
Đáng ra, chuyện tình cảm chỉ là B-story (cốt truyện phụ) của phim, nhưng cuối cùng phim đẩy chuyện tình lên làm tuyến chính vì phù hợp với sở trường của đạo diễn.
Charlie Nguyễn muốn pha trộn nhiều thể loại vào phim: lãng mạn, trinh thám, hình sự. Trong khi đó, đạo diễn Đức Thịnh tự nhận chỉ có thể làm rom-com. Do đó, êkip phải viết đi viết lại kịch bản nhiều lần mới ra được kịch bản rom-com mà Đức Thịnh muốn.
Khi chỉ còn vài tháng nữa là bấm máy, đọc lại kịch bản, Charlie Nguyễn nhận ra kịch bản chưa được hài hòa, vẫn còn gây khó chịu. Đến khi đã quay phim, kịch bản vẫn còn phải sửa.
Charlie Nguyễn thừa nhận quá trình sửa kịch bản quá phức tạp là do anh. Sau khi dựng phim và xem các bản phim nháp, anh nhiều lần yêu cầu êkip viết thêm cảnh, quay tiếp rồi dựng vào.
"Bộ phim này có đủ thứ vấn đề" - anh tổng kết.
'Người cần quên phải nhớ' bị chỉnh sửa và quay thêm quá nhiều lần trong quá trình sản xuất - Ảnh: ĐPCC
Charlie Nguyễn yêu cầu quay thêm "take" vì muốn diễn viên có cơ hội hóa thân trọn vẹn hơn, người dựng phim có lựa chọn hoàn hảo hơn.
Về câu hỏi liệu Charlie có lấn sang vai trò của đạo diễn hay không khi yêu cầu như vậy, hai biên kịch Michael Thai và George Ding cho rằng: "Dù có vấn đề gì, biên kịch và nhà sản xuất đều phải đặt niềm tin vào tầm nhìn riêng của đạo diễn".
Charlie Nguyễn kết luận bộ phim khi hoàn thành là "một con virus đã biến thể, không còn là ý tưởng ban đầu". "Có những ý tưởng tôi hình dung trong đầu nếu đưa vào phim sẽ rất cảm động, nhưng ngày càng thấy không thể gắn vào phim, không thể phát triển được. Tôi phải bỏ chúng vào thùng rác, cảm thấy rất tiếc" - anh thừa nhận.
Charlie Nguyễn trên phim trường 'Người cần quên phải nhớ' - Ảnh: ĐPCC
'Không bao giờ có công bằng trong nghề làm phim'
Charlie Nguyễn nhận định về tranh cãi xoay quanh doanh thu Võ sinh đại chiến: "Từ ý kiến cá nhân của tôi, không bao giờ có công bằng trong nghề làm phim. Ai cũng có khó khăn: nhà sản xuất, nhà phát hành, nhà rạp. Ai cũng gian nan, stress, áp lực lớn. Tất cả mọi người. Đòi hỏi công bằng là đòi hỏi không thực tế.
Khi phim thành công, các rạp đều sắp xếp cứ 15 phút một suất, thì liệu có ai giơ tay nói: "Không công bằng nha, tôi muốn phim tôi chiếu ít thôi để nhường suất cho các phim khác"? Không ai nói vậy, nên khi thất bại cũng đừng giơ tay đòi công bằng. Người khác cũng thất bại bao nhiêu lần rồi mới thành công, nên hãy mừng cho họ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận