Bà Suu Kyi trong lần gặp tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, hồi đầu tháng 12-2015. Chính phủ mới buộc phải có những thương thảo với bên quân đội - Ảnh: Reuters |
“Vẫn còn quá nhiều thứ mơ hồ như vai trò thật sự của bà Suu Kyi là gì? Nếu quân đội gây khó khăn cho việc hòa giải xung đột sắc tộc thì điều gì sẽ xảy ra kế tiếp? Nếu Myanmar không có hòa bình thì làm sao phát triển kinh tế? |
Ông ZIN AYE (một trong những lãnh đạo của phong trào nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên vào năm 1988) |
Trước mắt chính phủ mới là những thử thách khổng lồ liên quan cải cách kinh tế, hòa giải xung đột sắc tộc, đói nghèo...
Tổng thống đắc cử Htin Kyaw hôm qua đã đề cử bà Aung San Suu Kyi tham gia nội các. Trước toàn thể các nghị sĩ, tên bà Suu Kyi được người phát ngôn quốc hội Mann Win Khaing Than xướng lên đầu tiên trong danh sách các bộ trưởng.
Tuy nhiên, người phát ngôn chưa nêu rõ bà Suu Kyi và những người khác giữ chức vụ cụ thể nào. Giới quan sát cho rằng rất có thể bà Suu Kyi sẽ nắm cương vị bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Như vậy bà Suu Kyi sẽ không chỉ “điều hành” chính phủ từ vai trò lãnh đạo phe đa số trong quốc hội như đã thông báo công khai trước đó chỉ... một ngày.
Ưu tiên phát triển kinh tế
Trao đổi với người viết, ông Maung Maung Soe, chuyên gia kinh tế và là lãnh đạo Ủy ban kinh tế của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới chính là thúc đẩy phát triển kinh tế bởi Myanmar được xem là quốc gia nghèo thứ hai trong các nước ASEAN.
Dù vị trí địa lý thuận lợi và dân số trẻ nhưng mức thu nhập của người Myanmar vẫn còn rất thấp. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người của Myanmar đứng thứ 150/185 quốc gia.
GDP bình quân đầu người/năm của Myanmar là 1.711 USD (năm 2015, theo Asia Ranking), thấp thứ hai ở Đông Nam Á.
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế năm tài khóa 2014-2015 của Myanmar đạt 8,5%. Còn Ủy ban đầu tư Myanmar cho biết trong nhiệm kỳ năm năm của tổng thống Thein Sein, đầu tư nước ngoài vào nước này đạt 23 tỉ USD.
Tuy nhiên, người dân bình thường chưa bao giờ cảm nhận được lợi ích mà các con số tăng trưởng kinh tế và đầu tư mang lại. Tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên đều nằm trong tay các quan chức tham nhũng, các nhóm có sự hậu thuẫn của quân đội và những nhóm doanh nhân bắt tay ngầm với quân đội.
“Tôi tin ông Htin Kyaw sẽ tạo ra một lộ trình phát triển kinh tế tốt hơn cho Myanmar, điều mà ông Thein Sein đã thất bại trong nhiệm kỳ năm năm của mình” - ông Tin Maung Than, một chuyên gia luật và kinh tế nổi tiếng ở Myanmar, nhận định với người viết.
Thực tế trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11 năm ngoái, Đảng NLD đã trình bày các kế hoạch giảm những hạn chế của Ngân hàng trung ương, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và ổn định tỉ giá ngoại tệ. Bà Aung San Suu Kyi cũng cam kết một trong những ưu tiên của chính phủ mới sẽ là thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các chuyên gia tin tưởng chính phủ mới sẽ thực hiện nhiều chương trình hành động thu hút đầu tư mới từ ngoài nước. Tuy nhiên, họ cũng khuyến cáo chính phủ được xem là thân Mỹ của bà Suu Kyi cần phải cân bằng mối quan hệ giữa các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc.
Ông Win Myint, cố vấn kinh tế của Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) của ông Thein Sein, tin tưởng tân Tổng thống Htin Kyaw, người có bằng thạc sĩ về kinh tế, sẽ đưa nền kinh tế của Myanmar phát triển đúng hướng. Các chuyên gia cho biết để cách kinh tế toàn diện, tân Tổng thống Htin Kyaw có thể đề xuất một bộ luật mới đệ trình lên quốc hội.
Thách thức từ xung đột sắc tộc
Các chuyên gia chính trị trong nước hi vọng ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của ông Htin Kyaw sẽ là thúc đẩy một giải pháp hòa bình lâu dài cho các khu vực xung đột sắc tộc trong hơn năm thập niên qua.
“Chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ để ý đến các khu vực dân tộc thiểu số giàu tài nguyên thiên nhiên ở Myanmar. Tuy nhiên vẫn còn những xung đột sắc tộc đẫm máu ở đó. Nếu không có giải pháp hòa bình cho các khu vực này thì không thể thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Hòa bình chính là nhân tố quan trọng để đảm bảo phát triển kinh tế” - chuyên gia Tin Maung Than nhận định.
Còn ông Zin Aye, một trong những lãnh đạo của phong trào nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên vào năm 1988, nhận định việc bà Suu Kyi chọn ông Van Thio (người dân tộc Chin) là phó tổng thống cho thấy chính phủ mới đang nỗ lực muốn thúc đẩy hòa giải dân tộc.
Dù ông Htin Kyaw được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong hơn nửa thế kỷ, nhưng điều đó không có nghĩa là con đường tiến tới dân chủ của Myanmar gặp nhiều suôn sẻ khi trên thực tế quân đội Myanmar vẫn duy trì nhiều quyền lực trong chính quyền, bởi họ nghiễm nhiên được sở hữu 25% số ghế quốc hội và đang nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong nội các.
Hiến pháp hiện tại ở Myanmar do quân đội soạn ra và tất nhiên có nhiều quy định “thiên vị” phe quân đội. Nếu muốn thay đổi hiến pháp phải có sự đồng ý của bên quân đội vì cần phải có sự ủng hộ của hơn 75% nghị sĩ mới có thể thay đổi hiến pháp, nên bên quân đội rõ ràng có quyền phủ quyết.
Đó là chưa kể phó tổng thống thứ hai, do bên quân đội đề cử, là ông Myint Swe - nhân vật mà Mỹ cho rằng đã dính líu đến các phi vụ tham nhũng khổng lồ.
Ngoài ra, ông Myint Swe cũng bị cáo buộc là người ra lệnh bắn hạ các nhà sư và những người biểu tình trong cuộc nổi dậy năm 2007. “Vẫn còn những mặt tối trong nền chính trị Myanmar. Quân đội có thể đóng vai trò trong hòa giải sắc tộc và các lĩnh vực pháp quyền để chống lại chính phủ mới” - ông Zin Aye phân tích.
Nữ nhà báo Nan Lwin, biên tập viên ban chính trị của tờ The Modern News Journal, cho biết một thử thách khác của tân Tổng thống Htin Kyaw và Đảng NLD chính là việc họ sẽ đàm phán như thế nào với phe quân đội về việc phân chia quyền lực.
“Chúng tôi đang đợi “cuộc chơi” của bà Suu Kyi. Những thông tin nội bộ mà chúng tôi thu thập được cho thấy quân đội có bí mật mời bà Suu Kyi ăn tối vào tuần trước nhưng bà ấy từ chối” - cô Nan Lwin tiết lộ.
Một câu chuyện nhỏ khác cũng cho thấy mọi chuyện không hề dễ dàng. Bà Suu Kyi từng mời các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) đến huấn luyện cho cảnh sát nước này trong thời gian một năm nhưng cảnh sát không bao giờ nghe theo lời hướng dẫn của các chuyên gia này.
Các số liệu cho thấy các nhóm doanh nghiệp “bắt tay” với quan chức quân đội sở hữu đến 88% tài sản ở Myanmar. Ngoài ra, quân đội kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực dân tộc thiểu số. “Chúng tôi có các mỏ ngọc bích ở bang Kachin. Kể từ năm 2010, quân đội đã chiếm tất cả các khu vực có các mỏ này. Họ kết hợp với các nhóm doanh nghiệp trốn thuế. Trong năm 2015, theo các báo cáo của tổ chức quốc tế, họ thu lợi 50 tỉ USD từ việc khai thác ngọc bích” - nữ nhà báo Nan Lwin, biên tập viên ban chính trị của tờ The Modern News Journal ở Myanmar, cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận