17/07/2024 10:52 GMT+7

Chắp cánh ước mơ: Chắp cánh tin yêu vào đời

Sau hơn hai tháng, chương trình học bổng 'Chắp cánh ước mơ' do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến phối hợp thực hiện đã nhận được hơn 300 bài viết giới thiệu ứng viên nhận học bổng này.

Bài giới thiệu nhiều tấm gương học trò vượt khó học tốt do chính thầy cô, bạn bè viết gửi về chương trình học bổng đã đăng tải trên mặt báo

Bài giới thiệu nhiều tấm gương học trò vượt khó học tốt do chính thầy cô, bạn bè viết gửi về chương trình học bổng đã đăng tải trên mặt báo

Hôm nay 17-7, tại Đồng Tháp sẽ diễn ra lễ trao học bổng cho 100 học sinh của 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dịp này cũng trao thưởng cho các tác giả là thầy cô giáo, bạn bè, bà con lối xóm của chính nhân vật được giới thiệu trong bài viết có chất lượng tốt nhất.

Những mầm xanh giữa sa mạc

Em Nguyễn Thị Kim Thảo (Bạc Liêu), nhân vật trong bài "Mơ về một mái ấm đủ đầy" - Ảnh: NGỌC HÂN

Em Nguyễn Thị Kim Thảo (Bạc Liêu), nhân vật trong bài "Mơ về một mái ấm đủ đầy" - Ảnh: NGỌC HÂN

Có thể tạm so sánh vậy khi nói về những học sinh được chọn trao học bổng "Chắp cánh ước mơ" trong năm đầu tiên. Nếu sức sống của những mầm xanh giữa điều kiện khắc nghiệt của sa mạc thế nào, những cô cậu học trò của chúng ta cũng cho thấy một sức sống mãnh liệt như thế.

Từng bước qua cơn thập tử nhất sinh, cậu bé mang trong mình bệnh máu khó đông Lê Phước Lộc (Tiền Giang) vẫn tranh thủ bất cứ khi nào sức khỏe tạm ổn là học ngay. Bạn có sức học tốt, là học sinh giỏi nhiều năm liền dẫu việc đi lại hiện tại luôn phải có mẹ dìu đỡ vì sức khỏe quá yếu.

Hay giữa căn nhà xác xơ, siêu vẹo, Phạm Bảo Quốc (Kiên Giang) chưa một lần trách đời bất công với mình, chỉ lầm lũi theo mẹ đi mần mướn, cắt cỏ, làm vườn thuê, bán vé số để có thêm chút ít trang trải cuộc sống. 

Như Châu Thị Kim Thảo (An Giang) đã khóc không biết bao nhiêu lần khi phải dừng học, rời quê lên Bình Dương phụ quán nước cùng mẹ kiếm sống. Để rồi sau rất nhiều nỗ lực, Thảo quay lại trường dù phía trước đầy trắc trở nhưng càng quyết tâm phải học để thay đổi cuộc đời.

Bạn đọc thổn thức với câu chuyện của cậu bé Trương Hoàng Trung (An Giang) mà cả bốn anh em đều bị cha mẹ bỏ rơi. May thay, một người phụ nữ tốt bụng đã "nhặt" cả bốn đứa bé về nuôi, lo cho ăn học trong cảnh thiếu trước hụt sau. 

Trong gia đình thật kỳ lạ ấy, cả anh con trai của người phụ nữ tốt bụng này cũng được bà đem về nuôi từ bé chứ không biết cha mẹ ruột là ai. Vậy mà sáu con người gọi nhau mẹ - con - bà - cháu đã đùm bọc, che chở cho nhau giữa cảnh khó dù chẳng có chút máu mủ ruột rà gì!

Nhiều hoàn cảnh khiến bạn đọc thảng thốt vì thương cảm. Nhiều bạn mồ côi nhưng cũng không ít bạn dù đủ đầy cha mẹ nhưng không khác gì trẻ mồ côi khi bị bỏ rơi, trơ trọi như cái cây tự sinh tự dưỡng giữa đời. 

Hầu như bạn nào cũng nghèo hơn chữ nghèo. Nhưng không bạn nào than vãn. Các bạn ấy vẫn lạc quan với niềm tin rồi mai đây đời mình sẽ khá lên, sẽ lo được cho bản thân và gia đình, bắt đầu từ chính nỗ lực học hành hôm nay.

Tôi đã gặp biết bao học trò dù nặng gánh lo toan nhưng ý chí học tập không lúc nào chùn bước. Một trong những học trò khiến tôi trăn trở ấy là Phạm Bảo Quốc. Có khi chính các em đang dạy tôi nhiều bài học khác trong cuộc sống.
Cô giáo NGUYỄN NGỌC THẮM

Để ước mơ bay cao

Điều khiến những người tổ chức chương trình học bổng này thấy ấm lòng chính là đồng hành cùng những số phận vượt khó luôn có bóng dáng của bạn bè, thầy cô, hàng xóm láng giềng. Minh chứng trong mỗi bài viết gửi về giới thiệu với chương trình, hầu như bài nào cũng có cùng câu "ước mong bạn sẽ được nhận học bổng".

Lý do chính khiến thầy cô giáo cùng trường, bạn học cùng lớp hay chỉ là người hàng xóm quen biết quyết định chia sẻ câu chuyện về các bạn với chương trình không gì khác ngoài sự cảm phục trước nghị lực vươn lên không mệt mỏi của những học trò vượt khó học tốt ấy. Nhiều người đã tự hỏi không hiểu nội lực, sức mạnh nào khiến những cô cậu học trò ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới này vẫn kiên cường trụ vững giữa bao khó khăn bủa vây như vậy.

Nên với niềm tin người mình giới thiệu xứng đáng nhận học bổng, mỗi tác giả nói suất học bổng không chỉ là sự động viên vật chất mà còn là động lực tinh thần to lớn đưa ước mơ của những bạn nhỏ khó khăn được bay cao, bay xa, sớm thành hiện thực.

Chia sẻ mong ước này, mỗi năm chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" sẽ trao 100 suất học bổng cho học sinh THCS và THPT (4 triệu đồng/suất). Trong đó, năm 2024 trao học bổng cho học sinh 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Các năm tiếp theo dự kiến dành cho khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.

Đồng thời, mỗi năm tặng 120 suất học bổng cho sinh viên vào Trường ĐH Văn Hiến và Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn (5,6 tỉ đồng), theo các mức giảm 30%, 50% hoặc 100% học phí. Chương trình thực hiện trong ba năm, có tổng trị giá 19,3 tỉ đồng.

Kết quả chung cuộc bài viết Chắp cánh ước mơ năm 2024

* Giải nhất: Nguyễn Ngọc Thắm, bài Nuôi ước mơ giữa bộn bề cuộc sống/ Học bổng chắp cánh ước mơ: Cậu học trò quyết tâm học giữa mái nhà xơ xác, cột kèo ngả nghiêng

* Giải nhì (2 giải):

- Lương Ngọc Hân, bài Mơ về một mái ấm đủ đầy

- Lê Văn Thuận, bài Con phải là chiến binh

* Giải ba (3 giải):

- Nguyễn Văn Hai, bài Đóa Trà My giữa rừng đước Cà Mau

- Lư Thế Nhã, bài Cuộc đời không nhiều phước như cái tên/ Học bổng chắp cánh ước mơ: Mong cuộc đời nhiều phước như cái tên

- Nguyễn Hoàng Đăng Khôi, bài Chiến đấu với bệnh để thay đổi cuộc đời

* Giải khuyến khích (5 giải đồng tác giả):

- Nguyễn Lam Nguyên và Thạch Thị Ngọc Huynh, bài Vươn lên giữa cơ cực

- Phan Hoài Diễm và nhóm bạn: Trịnh Gia Bảo, Dương Thị Lý Thương, Trần Trung Tính, bài Khó khăn chưa bao giờ là rào cản

- Đỗ Thị Minh Nguyệt và Phạm Thị Thúy Hằng, bài Những nụ hoa vươn mình trong dông bão

- Đồng Thị Hồng Ni và Huỳnh Thị Giàu, bài Chỉ mong đường học bớt chông chênh

- Trần Quốc Dự và Nguyễn Thị Minh Tâm, bài Lớn lên giữa nghịch cảnh

Bao trùm lòng yêu thương qua mỗi câu chuyện Chắp cánh ước mơ

Đọc tất cả những bài viết giới thiệu, điều đầu tiên tôi gặp là tấm lòng của người viết bao trùm lên đối tượng của mình. Đó là những em học trò nghèo khổ, khốn khó, cảnh sống quá đỗi bi thương.

Tác giả hiểu rất rõ hoàn cảnh, ước mơ, ý chí, nghị lực của người mình chọn viết. Có lẽ đó là điều đương nhiên bởi vì tác giả, có ai khác đâu chính là những người thầy, người cô, người bạn, người hàng xóm láng giềng, người thân quen… của các bạn ấy. Nhưng hiểu rõ chưa đủ để hình thành một bài viết gây sự xúc cảm nơi người đọc. Lồng trong đó, bàng bạc trong đó là lòng yêu thương, cảm mến, sự nể phục đối với nhân vật.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Thắm trong bài viết của mình đã thốt lên: "Có khi chính các em đang dạy tôi nhiều bài học khác trong cuộc sống". Tác giả Đăng Khôi bày tỏ suy nghĩ của mình: "Cảm phục sự chuyên cần, kiên cường chiến đấu với bệnh tật, nỗ lực hết sức vượt qua thử thách của bản thân là lý do lớn nhất khiến tôi muốn chia sẻ câu chuyện của Ngô Thị Yến Nhi với chương trình".

Tất nhiên, còn chỗ nọ chỗ kia người viết chưa chăm chút câu từ, chọn hình ảnh, chọn cách diễn đạt có hình ảnh! Nhưng hầu hết các bài viết đều mang đến cho người đọc những tấm gương về nghị lực sống để vươn lên, không hề có những lời thở than, thương xót, bi ai. Và đó là điều mà cuộc thi đã mang lại.

Nhưng với các tác giả, tôi tin rằng niềm vui, niềm hạnh phúc là từ bài viết của mình đã mang đến cho người mình viết một suất học bổng nghĩa tình. Đó chính là kết quả cao nhất mà người viết mong ước đạt được.

Nhà báo HÀNG CHỨC NGUYÊN

Chắp cánh ước mơ: Chắp cánh tin yêu vào đời- Ảnh 3.

Học bổng Học bổng 'Chắp cánh ước mơ': Con phải là chiến binh

Mang trong mình bệnh máu khó đông, Lê Phước Lộc vẫn đang từng ngày vừa học vừa chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo cứ bào mòn dần sức khỏe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp