18/12/2024 19:34 GMT+7

Chắp cánh thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử

Sự tham gia tích cực của các nền tảng online trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, thương hiệu Việt thúc đẩy hoạt động kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho hàng Việt trên 'sân chơi' thương mại điện tử.

Chắp cánh thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Nhà bán hàng giới thiệu sản phẩm trong một phiên livestream của sàn Shopee - Ảnh: THƯ PHẠM

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam có quy mô tăng trưởng thương mại điện tử nằm trong top đầu thế giới và Đông Nam Á với 20,5 tỉ USD vào năm 2023. Quy mô kinh tế số đạt 30 tỉ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á và năm 2025 dự kiến đạt 45 tỉ USD.

Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức khi lên sàn

Trải qua hành trình gần 10 năm phát triển, thương mại điện tử đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Việt lên sàn thương mại điện tử vì tiềm năng của nền tảng này trong việc thúc đẩy doanh số. 

Tuy nhiên hành trình lên sàn không phải lúc nào cũng dễ dàng, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong thời gian lâu dài để có thể “tạo chỉ dấu mới cho hàng Việt” trên thương mại điện tử.

Ra mắt từ năm 2017, Erosska - một thương hiệu thời trang nội địa - đã tận dụng sức mạnh của sàn thương mại điện tử ngay từ những ngày đầu tiên để tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng Việt. Sau 7 năm gắn bó với sàn Shopee, Erosska đã đạt được tăng trưởng vượt bậc.

Tổng doanh số năm 2024 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, doanh nghiệp còn “hái quả ngọt” khi đạt được hơn 1,2 triệu người theo dõi trên Shopee và nằm trong top 5 ngành hàng giày dép trong các đợt chiến dịch lớn trong ba năm liên tiếp (2022, 2023, 2024).

Đúc kết kinh nghiệm của mình, tại hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và báo Tuổi Trẻ tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Bùi Đức Thiện (đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Erosska) cho rằng ba yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tận dụng tốt kênh phân phối thương mại điện tử gồm "thích nghi phù hợp", "nhanh và nhạy", "tăng trưởng bền vững". Đây không chỉ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp trẻ mà còn là bài học cho mọi thương hiệu muốn thành công trong môi trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, dù doanh nghiệp phần nào đã quen thuộc với thương mại điện tử, nhưng để hàng Việt thành công còn cần nhiều yếu tố. Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký VECOM, cho rằng: "Cần dựa vào nguồn thế mạnh bản địa, am hiểu khách hàng sâu sắc và chăm sóc hậu mãi, hàng Việt có thể tận dụng công nghệ để hỗ trợ, tăng cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử".

Chắp cánh thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Một phiên livestream trong chương trình "Tinh hoa hàng Việt" của Shopee - Ảnh: THƯ PHẠM

Từ góc độ một sàn thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết trong những cuộc khảo sát thị trường, Shopee nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách về tiếp cận thị trường thương mại điện tử, xu hướng thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng… Do đó, bản thân các doanh nghiệp và các sàn cũng phải nỗ lực nhiều trong hành trình này để vượt qua những rào cản và khó khăn.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, để tiếp sức hàng Việt, cần nhiều khâu từ quảng bá, cạnh tranh bình đẳng, thương mại điện tử tốt, bảo hộ... “Nhưng lấy đâu ra cái đó, ai sẽ làm cho chúng ta? Nếu chúng ta chờ ngon lành để chơi thì chỉ có trong mơ, phải tự cứu mình, tương lai do mình. Ra chơi thế giới đòi bình đẳng thì rất khó. Cách tốt nhất tìm cái gì dễ làm trước”.

Không ngừng chắp cánh thương hiệu Việt

Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt ngày càng được hỗ trợ mạnh mẽ để “lên sàn” và kinh doanh thành công với nhiều sáng kiến từ sàn. Trong đó năm 2024 là năm chứng kiến sự đột phá của những doanh nghiệp sản xuất địa phương, hay mang nông sản lên kênh phân phối thương mại điện tử. Điều này minh chứng cho những “nút thắt” lo ngại của doanh nghiệp Việt đã được phần nào tháo gỡ, đồng thời mang đến nhiều dấu hiệu tích cực cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử sau hành trình 1 thập kỷ.

Shopee là một trong những sàn thương mại điện tử có mặt sớm nhất tại Việt Nam, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt phát triển trên thương mại điện tử từ 9 năm trước, và tiến đến cột mốc thập kỷ vào năm 2025. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam, “trong thời gian qua, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee trở thành nơi tiêu thụ hàng Việt hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương…”.

Không chỉ vậy, năm 2024 là một năm đánh dấu những bước tiến quan trọng trong hành trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Shopee, giúp nhà bán hàng địa phương chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử và kinh doanh hiệu quả trên sàn, đồng thời mang đến đa dạng dải sản phẩm nội địa cho người dùng trong nước.

Chắp cánh thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Một chương trình đào tạo nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Shopee tại Việt Nam - Ảnh: THƯ PHẠM

Chẳng hạn, chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số qua thương mại điện tử” của Shopee kết nối hơn 1.000 hộ sản xuất trên khắp các tỉnh, thành. Hằng tháng, mỗi doanh nghiệp có thể bán đến 250.000 đơn vị sản phẩm trên sàn. Hay dự án “Shopee hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam” với mục tiêu thu hút 100.000 doanh nghiệp SME chuyển đổi số doanh nghiệp và đời sống kinh tế thông qua đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Gần đây nhất, sự kiện "12.12 Sale Sinh Nhật" vừa qua trên Shopee đã giúp nhà bán hàng địa phương tăng trưởng số lượng đơn hàng gấp 12 lần so với trung bình ngày thường. Đây cũng là dịp để nhà bán hàng Việt tận dụng các hỗ trợ từ sàn để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dùng.

Số liệu ghi nhận cũng cho thấy thương mại điện tử đã có độ phủ sóng rộng lớn và nhanh chóng tại khu vực ngoài các đô thị lớn khi hơn 24 triệu sản phẩm đã được bán ra tại khu vực này, trong đó 5 tỉnh thành có lượng đơn hàng bán ra nhiều nhất trong ngày 12-12 lần lượt là Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh và Hải Dương.

Các nền tảng khác cũng có những chương trình tiếp sức hàng Việt đem lại kết quả ấn tượng. Chẳng hạn như nền tảng TikTok Shop vừa có chương trình “Tự hào Hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu” đã thu hút hơn 800 nhà bán hàng đồng hành, tăng gấp rưỡi so với năm trước.

Hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã mang đến cho người tiêu dùng Việt trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị trong suốt một tuần lễ từ ngày 25-11 đến 1-12-2024, tạo ra số lượng đơn hàng tăng tới hơn 9 lần so với chiến dịch năm 2023, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của hàng Việt.

Hay sàn Lazada có chương trình LazMaster với các khóa đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ tận tình và sử dụng công cụ hiệu quả sẽ giúp người bán tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên sàn…

Các doanh nghiệp Việt đã biết tận dụng những thế mạnh và công cụ để tạo được thành công, tuy nhiên tiềm năng phát triển vẫn còn rất nhiều nếu sự hợp tác giữa sàn và doanh nghiệp chặt chẽ hơn, đồng thời được hỗ trợ từ các bộ, ban ngành trong hành trình tạo chỉ dấu cho hàng Việt trên thương mại điện tử.

Chắp cánh thương hiệu Việt trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.Nâng cao chuỗi giá trị Việt qua thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử trong nước và cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn tại Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao vị thế của thương hiệu Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp