02/11/2019 17:28 GMT+7

'Chào mừng thành viên 'đầu vàng rất dễ thương' thứ 70'

VŨ TUẤN - TIẾN THẮNG
VŨ TUẤN - TIẾN THẮNG

TTO - "Chào mừng thành viên thứ 70" - lời vui của anh Nguyễn Huy Cầm, phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm Cát Bà (Hải Phòng). Hôm đó là ngày sinh một chú voọc đầu vàng Cát Bà, loài linh trưởng "đầu vàng rất dễ thương" nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới.

Chào mừng thành viên đầu vàng rất dễ thương thứ 70 - Ảnh 1.

Loài linh trưởng này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên thế giới. Trong ảnh: đàn voọc đầu vàng xinh đẹp ở Cát Bà - Ảnh: HUY CẦM

Voọc đầu vàng rất đẹp, dễ thương. Hôm nào không gặp vì chúng đi sớm, vào khe núi hoặc tránh rét là tôi thấy nhớ, thấy lo và tìm bằng được.

Anh NGUYỄN HUY CẦM

Nghe chúng tôi gọi "vú nuôi" đàn voọc, anh Nguyễn Huy Cầm cười hiền: "Mình chỉ gắn bó với chúng nhiều năm, bảo vệ cho chúng sinh trưởng tự nhiên thôi". Nhưng chúng tôi thấy anh Cầm mến đàn voọc như những đứa trẻ.

Ngày ngày bên đàn voọc

Chiếc xuồng nhẹ lướt qua làng bè trên vịnh Lan Hạ, rồi lách vào khe vịnh bao quanh toàn núi đá. Muốn thấy voọc chỉ có hai thời điểm sáng sớm và sẩm tối. Hừng đông, đám voọc bắt đầu rời hang, chuyền thoăn thoắt qua các cành cây trên vách đá cheo leo để kiếm ăn. Buổi chiều, chúng trở về nơi trú ẩn.

"Nếu may mắn sẽ gặp voọc chiều nay, không thì sớm mai mình đi tiếp", anh Cầm nói.

25 năm gắn bó với Vườn quốc gia Cát Bà, từ lúc ra trường anh Cầm đã được giao nhiệm vụ bảo vệ đàn voọc. Thời điểm ấy, voọc Cát Bà chỉ còn không đến 50 cá thể. "Đàn đầu tiên tôi theo dõi có 5 con. Giờ chúng sinh sôi được 28 con, đàn đông nhất Cát Bà".

Chỉ 3 năm trở lại đây, voọc Cát Bà mới phát triển. Những năm trước, chúng chỉ quanh quẩn khoảng 50 cá thể. Năm ngoái, anh Cầm ghi nhận được 12 con voọc ra đời. "Hi vọng năm nay chúng sẽ sinh được 16 bé", anh Cầm mỉm cười nhìn lên vách núi.

Khu vực này có đàn 13 con, đến giờ chúng về hang. Anh Cầm thả neo cùng chúng tôi chờ đợi. Chiều buông vịnh Lan Hạ, mặt trời ngả dần sau núi. Voọc về. Con đầu đàn ngồi trên mỏm đá cao nhất đỉnh núi cảnh giác. Đàn voọc 13 con líu ríu vừa chuyền cành vừa tỏm tẻm nhai lá cây.

Một con voọc xám to đen vừa ăn vừa bế một bé màu vàng cam trong lòng. "Con non mới đẻ là voọc cái. Bé sinh ngày 17-8-2019. Đàn có 13 cá thể. Đầu năm 2015, đàn voọc này mới tách đàn, chúng chiếm khu này làm lãnh thổ riêng", anh Cầm kể.

Chuyện tách đàn của loài linh trưởng đặc biệt này rất khốc liệt. Cả đàn chỉ một con đực trưởng thành. Nếu con đực lớn, con đầu đàn sẽ cắn, đuổi nó đi.

Anh "vú nuôi" pha trò: "Ý là mày phải đi tìm vợ". Con đực trưởng thành đi tìm những con cái khác. Nếu gặp đàn đã có con đực cai quản, nó sẽ chiến đấu "cướp đàn". Trận chiến kết thúc khi một con chết hoặc bỏ chạy. Vũ khí của chúng là hàm răng sắc nhọn. Những người bảo vệ chứng kiến cũng không can thiệp vì tôn trọng tự nhiên.

Chào mừng thành viên đầu vàng rất dễ thương thứ 70 - Ảnh 3.

Ngày nào anh Cầm cũng phải đi theo dõi, bảo vệ đàn voọc quý hiếm - Ảnh: NAM TRẦN

Quy luật rừng xanh

Có lần, anh Cầm chứng kiến một trận đánh giành đàn khốc liệt. Con bại trận rơi xuống khe đá sâu 10m. Anh gọi điện báo cơ quan, xin ý kiến làm tiêu bản nghiên cứu. Nhưng con voọc đang thoi thóp bỗng tỉnh lại, nhe răng dọa cắn.

"Kẻ thua trận" cố gượng vặt lá cây nhai, rồi nhè ra và lại lê lết tìm lá cây khác. Loài voọc đặc biệt này ăn được rất nhiều loại lá trên đảo. Ngay cả cực độc như lá ngón hay mã tiền, chúng vẫn ăn ngon lành. Kinh nghiệm người kiểm lâm phán đoán chú voọc bị thương tìm lá thuốc. Anh giữ khoảng cách, theo dõi đến trời tối.

Sáng hôm sau, anh trở lại khe núi tìm nó nhưng không được. Anh hi vọng nó không bị rắn cắn hoặc diều hâu tha mất. Ba tháng sau, anh Cầm vui mừng gặp lại chú voọc đó. "Khắp người nó nham nhở, vết thương đã lành, nhưng lông chưa mọc lại. Nhìn tội lắm!" - anh kể.

Cát Bà là quần đảo, ngoài đảo lớn Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc), quần đảo này có tới 1.969 hòn đảo. Địa hình chia cắt khiến đàn voọc bị cô lập. Nếu con đực trưởng thành không vượt qua được eo biển để tìm đàn khác, nó sẽ quay lại cướp chính đàn đã sinh ra mình.

Suốt 25 năm lặng lẽ theo đàn voọc, anh Cầm ghi nhận nhiều trường hợp con đực trưởng thành không tìm được đàn mới, phải quay về đánh nhau với chính bố đẻ để cướp đàn, khiến nòi giống một số đàn suy giảm vì giao phối cận huyết.

Vài năm trước, trạm kiểm lâm Cát Bà phải di chuyển một con đực trưởng thành sang khu vực khác để chúng cướp đàn mới. Đó cũng là lần duy nhất con người can thiệp vào cuộc sống tự nhiên của voọc. Nếu không di chuyển, con đực đó có thể giết bố đẻ và giao phối cận huyết, đàn sẽ bị suy giảm.

Mến voọc như con mình

Tâm sự với chúng tôi, người kiểm lâm này cho rằng vẫn còn quá ít công trình nghiên cứu về voọc đầu vàng. Trước đây, giới khoa học nhầm lẫn voọc đầu vàng Cát Bà với voọc đầu trắng ở Trung Quốc. Theo anh Cầm, đặc điểm ngoại hình chúng giống hệt nhau, chỉ khác là voọc Trung Quốc khi về già thì chỏm "tóc" đầu màu vàng sẽ bị "bạc", còn voọc Cát Bà "tóc" vẫn vàng đến lúc chết.

Vài năm trước, công trình nghiên cứu của một giáo sư người nước ngoài chứng minh voọc Cát Bà và voọc ở Trung Quốc là hai loài khác nhau. Rất nhiều tư liệu ghi chép và hình ảnh, clip của công trình ấy được anh Cầm cung cấp.

Trời nắng hay mưa gió, ngày nào người kiểm lâm này cũng dậy trước bình minh, lên xuồng đến nơi có voọc để kịp ghi lại mọi thay đổi dù là nhỏ nhất của đàn. Thời gian anh ở bên voọc nhiều hơn bên gia đình. Chiếc xuồng nhỏ của anh Cầm lúc nào cũng có vài gói mì, can nước, bạt che mưa, hộp nhựa đựng máy ảnh, ống nhòm, sổ sách, thẻ nhớ...

"Nếu có lật xuồng, người ướt nhưng chiếc hộp này sẽ nổi, tài liệu, thiết bị nghiên cứu không thể ướt" - anh chia sẻ.

Ngày mới đi làm, anh và cán bộ khác trong trạm phải bỏ tiền thưởng cho người báo tin khu vực có voọc. Hồi đó vì chưa nắm được thói quen của chúng, cán bộ kiểm lâm thường cuốc bộ, xuyên rừng tìm voọc. Vài năm theo dõi, bảo vệ, các anh biết chỉ dùng xuồng mới tiếp cận được đàn voọc dễ nhất.

Tuy nhiên, nguyên tắc bảo vệ không cho phép tiếp cận gần quá 50m. Những người bảo vệ voọc lo lắng là khách du lịch đến gần chúng, lâu ngày chúng "dạn người", mất bản năng tự nhiên.

Những kiểm lâm viên ở Cát Bà luôn giữ bí mật vị trí đàn voọc. Nhiều người có quan niệm con nào càng hiếm thì càng "cường dương". Và những chú voọc hiền lành luôn có nguy cơ bị... ngâm rượu!

Muốn gắn bó với voọc mãi

Hai công trình anh Cầm nhớ nhất là nghiên cứu về đặc tính sinh trưởng và nghiên cứu về dinh dưỡng của loài này. Họ là những nghiên cứu sinh nước ngoài, trong thời gian cùng làm việc, anh Cầm tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phương pháp.

Còn dự định tương lai? Người kiểm lâm này thổ lộ sẽ viết sách về loài voọc Cát Bà. Nếu còn công tác, anh vẫn muốn gắn bó với chúng. "Trừ khi ốm đau, bệnh tật phải nghỉ giữa chừng, chứ còn làm việc là tôi còn muốn gắn bó với chúng", anh chia sẻ.

Khám phá bí ẩn của Cát Bà Khám phá bí ẩn của Cát Bà

TTO - Hàng trăm bãi tắm lấp lánh mảnh sò, san hô, hàng trăm hòn đảo lô nhô trên biển, hàng chục hang động và những tuyến trekking xuyên khu dự trữ sinh quyển thế giới đang chờ du khách khám phá.

VŨ TUẤN - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp