Tại Tây Nguyên, những năm qua xu hướng bỏ phố về quê đang diễn ra âm thầm nhưng rất đáng chú ý.
Rời TP.HCM về quê mua đất làm trang trại
Sau hơn 10 năm bon chen theo công việc từ Hà Nội, Đà Nẵng rồi TP.HCM, cách đây 2 năm anh Trương Đức Thắng quyết định về quê tại tỉnh Gia Lai lập nghiệp.
Là quản lý cho một quỹ đầu tư, số thu nhập tích lũy của anh đủ điều kiện mua nhà và ổn định cuộc sống tại TP.HCM.
Nhưng ngược với số đông, anh trở về mua 10ha đất bazan tươi tốt trên ngọn đồi xã Hải Yang, huyện Đak Đoa (Gia Lai) để làm nông trại mang tên Green Beli Farm.
Không bỏ hẳn công việc chính nhưng Thắng chuyển sang làm qua mạng, mỗi tháng có khoảng một tuần đi công tác Hà Nội hoặc TP.HCM. Thời gian còn lại anh chăm vườn, trồng cây, tận hưởng cuộc sống trong lành và khí hậu mát mẻ miền cao nguyên.
Thắng định hướng phát triển nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái. Trên 10ha đất đỏ, anh dành một phần trồng thông, phần còn lại trồng bơ và sầu riêng để cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội. Sản phẩm làm ra được bán trực tiếp tới bàn ăn nên có giá tốt và nhu cầu cũng rất cao.
Lập hội nhóm giúp đỡ người trở về
Câu chuyện những người trẻ rời bỏ các đô thị lớn quay về cao nguyên như Thắng không phải cá biệt. Tại TP Pleiku, một cộng đồng được lập nên để hỗ trợ những người trẻ trở về mang tên Pleiku Returnees (Người trở về Pleiku).
Anh Nguyễn Hiếu, admin trang, cho hay nhóm mới lập khoảng một năm nhưng đã có hơn 3.000 thành viên tham gia tương tác. Trong đó có nhiều người đã thực sự rời bỏ đô thị lớn để quay về Pleiku lập nghiệp.
Hằng tháng cộng đồng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, trò chuyện để gắn kết và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm ổn định cuộc sống khi trở về.
Những người khác dù chưa thực sự trở về cũng tìm hiểu và tham gia nhóm để chuẩn bị tinh thần cho ngày hồi hương. Bản thân là một người trở về, Hiếu cho biết đã rời TP.HCM khoảng 6 năm trước về quê lập nghiệp.
Trước đây anh làm quản lý lưu trú, từng làm việc nhiều năm tại TP.HCM nhưng qua thời gian nhận thấy không phù hợp môi trường nên quyết định về quê.
Theo anh, những người lựa chọn trở về chủ yếu là tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, hoặc được giới thiệu công việc ổn định ở quê. Đặc biệt là những người có công việc linh hoạt, có thể làm việc trực tuyến, không phụ thuộc công sở, nhà máy.
Anh cho rằng điều kiện chính để lao động quay về và gắn bó với quê hương là có công việc và thu nhập ổn định.
Theo Hiếu, đa số người lựa chọn trở về quê vì mức sống vừa phải, môi trường trong lành, gần gũi gia đình và không phải căng thẳng, áp lực nhiều như sống ở các đô thị lớn. Đặc biệt là áp lực về nhà ở, chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái.
“Đa phần mọi người đều hiểu rằng làm việc ở các đô thị lớn mức thu nhập cao hơn ở quê nhưng đi kèm với đó là chi phí cũng nhiều hơn đáng kể, chưa nói tới các vấn đề đô thị như ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe…
Và quan trọng với những lao động bình thường, mức thu nhập không thực sự vượt trội thì cơ hội tiếp cận nhà đất tại các đô thị như TP.HCM, Hà Nội… là rất xa vời!” - Hiếu chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho hay gần đây làn sóng người trẻ quay về đang diễn ra mạnh mẽ. Theo lãnh đạo địa phương, chiến lược phát triển của tỉnh là nông nghiệp bền vững gắn với du lịch. Do đó rất cần những người trẻ năng động, có tri thức trở về đóng góp vào sự phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho hay đặc biệt quan tâm và lắng nghe đề xuất của người trẻ qua các chương trình đối thoại với thanh niên, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Ngoài ra, chính quyền còn tạo kênh hỗ trợ những bạn gặp vướng mắc trong khởi nghiệp để hướng dẫn về thủ tục chính sách và lắng nghe hiến kế xây dựng địa phương.
Làn sóng trở về mạnh mẽ từ khi xuất hiện COVID-19
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, tỉnh này có khoảng 950.000 người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động dồi dào nhưng số lượng việc làm tại địa phương không đáp ứng hết, dẫn tới nhiều lao động đến các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương tìm việc làm.
Từ khi xảy ra dịch COVID-19, làn sóng lao động hồi hương khá mạnh mẽ, có thời điểm ghi nhận trên 50.000 lao động trở về. Dù vậy, khi dịch bệnh qua đi, một bộ phận lớn lao động vẫn quay lại miền Nam tìm việc. Số khác đến các thành phố làm lao động thời vụ sau khi kết thúc mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Còn một số quyết định quay về định cư, làm việc tại chỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận