26/07/2015 10:32 GMT+7

Cháo củ mài tôm bằm thơm ngon

 NGUYỄN THANH HẢI
NGUYỄN THANH HẢI

TT - Cây khoai mài (hay còn gọi củ mài) là loại cây dây leo mọc hoang ở các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung và có thể trồng được.

Cháo củ mài - Ảnh: N.T.Hải
Cháo củ mài - Ảnh: N.T.Hải

Từ củ mài sống, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, củ mài sau khi sấy khô còn là vị thuốc được dùng nhiều trong đông y với tên gọi là hoài sơn hay sơn dược.

Củ mài sấy khô thường dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, tiêu khát, ăn khó tiêu, thận suy, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm...

Theo tây y, các thí nghiệm trên chuột cho biết hoài sơn làm tăng đồng hóa và hướng sinh dục, tăng cường tác dụng của nội tiết tố sinh dục nam.

Hầu như các thành phần của cây củ mài đều dùng được nhưng hai món ăn hấp dẫn nhất có lẽ là chè và cháo củ mài.

Chè củ mài được xem như là một món đặc sản của vùng rừng núi. Cách đây hai năm, khi đến chơi nhà người bạn ở Lâm Đồng, được đãi món chè củ mài rất hấp dẫn. Món này được chế biến rất đơn giản: củ mài tươi sau khi sơ chế đem xát nhuyễn.

Lấy rá lọc bỏ những tạp chất, để nước bột lắng xuống, chắt nước trong có lẫn nhớt ở trên bỏ đi. Kế đến, bắc nồi cho ít nước, đun sôi rồi giảm lửa. Cuối cùng, đổ bột mài vào nồi nước, khuấy đều tay cùng lúc cho nước đường vừa phải tùy theo số lượng bột.

Khi chè chín sẽ tạo nên độ dẻo dai một cách đặc biệt, hòa quyện hương thơm tự nhiên lan tỏa làm ai cũng thấy thèm. Tuy vậy, chè củ mài ăn nguội mới ngon, khi thưởng thức cảm thấy vị ngọt mát rất thích thú tan ra nơi đầu lưỡi.

Còn cháo củ mài là món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng, nhất là khi được nấu kèm với thịt hay cá, nhưng ngon hơn hết khi được nấu với tôm bằm.

Củ mài sống sau khi sơ chế, đem xát nhuyễn cho đều tay. Tôm tươi lấy nạc đem bằm. Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo lượng nước dùng nấu từ xương heo hoặc gà sau khi đã lọc sạch xương vụn, canh lượng nước vừa với lượng khoai mài. Khi nước dùng đã sôi lên ùng ục thì giảm lửa nhỏ.

Kế tiếp, cho khoai mài và tôm vào cùng lúc, nhanh tay khuấy đều cháo theo chiều kim đồng hồ, có như thế khi cháo chín mới ngon và đẹp mắt. Chỉ cần nêm ít gia vị là ta có một nồi cháo thơm ngon, cháo sẽ ngào ngạt hơn khi cho thêm một ít nước mắm ngon nguyên chất, tiêu xay và hành ngò.

Cháo khoai mài tôm bằm có độ dinh dưỡng cao nên tốt cho người bệnh suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy... Chất mucin tạo nên độ nhớt của cháo nên dễ nuốt, hương thơm ngào ngạt và sự ngon ngọt tự nhiên của món ăn sẽ làm ta nhớ mãi.

Lẩu gà lá dít - Ảnh: Duy Thanh
Lẩu gà lá dít - Ảnh: Duy Thanh

Lá dít: vừa ngon vừa khỏe

Tại vòng sơ tuyển cuộc thi “Chiếc thìa vàng” lần thứ 3 năm 2015 khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên vừa diễn ra tại TP Nha Trang, có hai đội đầu bếp sử dụng lá dít làm nguyên liệu để nấu món dự thi. Đó là đội khách sạn Yasaka Hương Sen với món lẩu gà lá dít và đội nhà hàng Nam Nikko với món cà xóc muối mật rau rừng, đều đến từ tỉnh Phú Yên.

Đầu bếp Nguyễn Công Trứ, đội trưởng của đội khách sạn Yasaka Hương Sen, cho biết lá dít là một loại lá lớn hơn lá trà, chỉ có ở các vùng quê của huyện miền núi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên).

Lá dít vừa có vị chua thanh chứ không chua chát như lá giang, vừa ngòn ngọt đến mức nấu lẩu không cần phải nêm bột ngọt. “Người dân tộc Ê Đê, Chăm... coi loại lá cây này là chất kích thích tiêu hóa tốt, làm tan mỡ, săn cơ, giải cảm” - anh Trứ cho biết.

Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho hay lá dít cùng với một số loại lá khác như lá nàng nàng, rau rô... là những sự tìm tòi mới lạ của một số đội dự thi, giúp bản đồ gia vị Việt có thêm những điểm mới độc đáo.

DUY THANH

NGUYỄN THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp