Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: LÊ KIÊN
Có thể nói thực chất của hòa giải của tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành không chỉ có hiểu biết pháp luật, chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm
Chánh án TAND tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH
Ngày 13-7, Hội nghị công tác dân vận trong hòa giải đã được Ban Dân vận trung ương phối hợp Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự đảng TAND Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức.
Báo cáo của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về công tác dân vận trong hòa giải tại tòa án cho biết Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự.
Theo đó, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Thống kê cho thấy tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm: năm 2016 hòa giải thành 157.916 vụ (chiếm 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết); năm 2017 173.958 vụ (đạt tỷ lệ 50,6%); năm 2018 184.143 vụ (đạt tỷ lệ 53,2%); năm 2019 201.995 vụ (đạt tỷ lệ 52,1%).
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có thể nói trong rất nhiều thành tựu của nhiệm kỳ như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng.
Chánh án nhấn mạnh mỗi một câu chuyện hòa giải đều là những kỷ niệm ấn tượng, xúc động và khó quên trong cuộc đời làm hòa giải viên.
Hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp, thậm chí các xung đột chính trị thì hòa giải cũng như là một thiết chế giải quyết mọi tranh chấp.
Với kết quả rất tính cực của thiết chế hòa giải, tòa án đã xây dựng Luật hòa giải và được Quốc hội ủng hộ thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao hơn 90%. Luật có hiệu lực từ 1-1-2021. Với sự ra đời của luật này, chúng ta có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến tòa án. Chỉ khi không hòa giải thì phải mở phiên tòa xét xử.
Đánh giá cao kết qủa đạt được trong quá trình thí điểm công tác hòa giải, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng thời lưu ý số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn gần 20%. Để việc hòa giải được hiệu quả, kết quả tốt hơn, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.
"Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên" - ông Mẫn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận