10/01/2017 08:51 GMT+7

Chàng trai tinh thể rời giảng đường mở cửa hàng làm ăn

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO -“Mình chỉ mơ ước làm nhà khoa học, có khi mình chả quan tâm đến tiền tài, danh vọng. Nhưng có khi cũng phải quan tâm! Bây giờ phải cân bằng mọi thứ bằng cách bán, nuôi tinh thể để có tiền nuôi đam mê”.

Chàng trai tinh thể Nguyễn Bá Tuyên (trái) cùng cộng sự trong “xưởng chế tạo” tinh thể ở căn gác xép - Ảnh: TƯỜNG HÂN

  Trên căn gác xép, Bá Tuyên bày ra hàng chục mẫu vật lấp lánh do chính tay anh nuôi. 

Tinh thể kim loại Bismuth bảy màu hình mê cung, tinh thể đồng sunfat dạng hoa, tinh thể cầu bông điều chế từ nhóm phân bón kali, tinh thể phèn chua trong suốt, phèn sắt ánh đỏ, vàng chanh lưu huỳnh...

Để có “cơ ngơi” đó, từ lớp 11 Bá Tuyên đã mày mò chế tạo tinh thể. Cậu bị cuốn hút bởi khả năng tạo ra vật chất lấp lánh như đường ăn, muối ăn, pha lê, thạch anh chỉ bằng vài hóa chất quen thuộc.

Lang bạt theo đuổi đam mê

“Chàng trai tinh thể” là cách gọi yêu quý mà thầy cô và bạn bè tại bộ môn vật lý chất rắn ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) dành cho Nguyễn Bá Tuyên, chàng trai cá tính, ham học hỏi.

Tháng 8-2016, Bá Tuyên và ba người bạn chung đam mê hóa học lập ra nhóm nghiên cứu và chế tạo tinh thể, nhằm giới thiệu bộ môn tinh thể học cho nhiều người biết đến.

Mê khoáng vật, từ nhỏ Tuyên thường lên núi ngắm thiên văn và lượm đá, sưu tầm tinh thể thạch anh, vàng găm, quặng chì, khổng tước thạch...

Sở thích đó lớn dần theo năm tháng. Tuyên từng đăng ký thi vào khoa hóa ĐH Khoa học tự nhiên nhưng trượt. Chuyển qua ĐH Công nghiệp TP.HCM, sau hai học kỳ học về máy móc, Tuyên bỏ chạy. Lại thi vào ĐH Nông lâm TP.HCM.

Rồi Tuyên lang bạt qua khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Mê đá và những tinh thể rắn, chàng trai trà trộn vào bộ môn vật lý chất rắn học... chui.

Một ngày, Tuyên bị thầy cô phát hiện. Anh chàng trình bày hoàn cảnh. Hiểu được đam mê của anh chàng, các thầy cô đặc cách cho phép Tuyên ở lại học nghề.

Tại bộ môn và phòng thí nghiệm vật liệu, Tuyên tích lũy kiến thức hóa học, tinh thể: “Vô lớp học thích lắm! Được mở mang nhiều điều. Chương trình chỉ có hai môn về tinh thể nhưng mình cố gắng vào trường trao đổi ý tưởng với thầy Trung, cô Minh, cô Giang, cô Hòa, thầy Nghĩa, anh Nhân. Các giảng viên, bạn bè học khóa K12 ủng hộ và giúp đỡ Tuyên rất nhiều”.

Học lóm không áp lực chuyện điểm, Tuyên học hành thoải mái, thường xuyên kiểm tra giữa kỳ với lớp, xem giảng viên sửa bài để coi năng lực mình đến đâu. “Học vậy hứng thú hơn nhiều!” - Tuyên chia sẻ.

PGS.TS Trần Quang Trung, trưởng bộ môn vật lý chất rắn, kể lại: “Tôi vẫn nhớ đó là anh chàng cao 1,8m, đẹp trai, dáng vẻ công tử lấp ló học chui tại bộ môn. Một bạn trẻ có năng lực tốt, chịu khó tìm hiểu, đọc và thực nghiệm, thỉnh thoảng chỗ nào thắc mắc, cần bàn luận em mới nhờ thầy cô. Chủ yếu là cậu tự thân vận động”.

Biết Tuyên gần ba năm, thầy Trung cho rằng: “Tuyên là người đam mê, có đam mê mới làm ra tinh thể đẹp. Nuôi tinh thể rất tốn công, đòi hỏi tỉ mỉ như chăm con mọn. Phải kiên trì và hiểu biết. Từ cá tính đến năng lực, Tuyên có thể xem là dạng hiếm trong lứa thanh niên hiện nay tôi được tiếp xúc”.

“Dạng tinh thể Tuyên đang làm mang tính chất trang trí, phổ biến và đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Tinh thể trong khoa học còn có ứng dụng quan trọng hơn là trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn. Đáng tiếc là hiện nay chưa được ai quan tâm đúng mức" - PGS.TS Trần Quang Trung nói thêm.

Cái đẹp thường đi với... cái độc

Mỗi thành viên trong nhóm đều có “phòng thí nghiệm” tinh thể tại nhà. Riêng Bá Tuyên đi thuê một căn gác xép làm “tổng hành dinh”, vì cha mẹ không thích anh chơi với hóa chất.

Cái đẹp thường đi với... cái độc. Mê cái đẹp nhưng với Tuyên, an toàn vẫn là nguyên tắc cao nhất. “Có một số bạn thấy hóa chất nuôi tinh thể đẹp là thử làm ngay mà không tìm hiểu phản ứng có gây độc gì không, ảnh hưởng sức khỏe - môi trường như thế nào.

Khi dung dịch nuôi tinh thể bị dư, nhóm giữ lại. Tinh thể hư thì giã nhuyễn tái sử dụng. Nước thải sau khi nuôi nếu có độc tính (như đồng sunfat, niken sunfat) thì không đổ trực tiếp ra môi trường hay thùng rác công cộng” - Tuyên nói.

Một số loại tinh thể cơ bản có thể làm trong điều kiện tại nhà trên nguyên tắc hiểu biết về an toàn hóa chất. Với những tinh thể cần đun nóng ở nhiệt độ cao và công đoạn thực hiện phức tạp, Tuyên và cộng sự nuôi tại nhà máy nơi hai người làm việc để có đủ máy móc và trang phục bảo hộ.

Sau nhiều năm theo đuổi tinh thể, học lóm từ trường chính thống đến trường đời, Tuyên cùng nhóm bạn thành lập trang cộng đồng trên Facebook để mọi người trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nuôi tinh thể. Tuyên và nhóm ấp ủ mở lớp học dạy thực nghiệm cho học sinh, sinh viên.

Để đam mê nuôi sống mình

Nhóm nghiên cứu và chế tạo của Tuyên vừa thể nghiệm nhiều loại tinh thể mới, vừa nhận nuôi tinh thể theo yêu cầu: làm trang sức, quà tặng, nguyên liệu cho tranh đá quý và dùng trong phong thủy.

Nhóm còn nuôi cấy tinh thể bám trên đá núi lửa để bắt chước sự hình thành khoáng vật trong tự nhiên - một thú chơi được nhiều người ưa chuộng.

Tuyên tâm sự: “Mình chỉ mơ ước làm nhà khoa học, có khi mình chả quan tâm đến tiền tài, danh vọng. Nhưng có khi cũng phải quan tâm! Bây giờ phải cân bằng mọi thứ bằng cách bán, nuôi tinh thể để có tiền nuôi đam mê”.

Bốn chàng trai 9X trong nhóm nghiên cứu và chế tạo khẳng định quan điểm khoa học không phải là trò ảo thuật làm chơi cho vui. Khoa học là đam mê và có thể trở thành một nghề đàng hoàng đủ nuôi sống những ai hết lòng vì nó.

Sau hai năm theo học tại bộ môn vật lý chất rắn, Tuyên tạm rời giảng đường bước ra đời mở cửa hàng làm ăn.

Tuyên nói: “Bằng cấp cần nhưng chưa phải bây giờ. Sau này quay lại học không muộn. Cái đó chờ được. Còn tuổi trẻ, đam mê và cơ hội là thứ không chờ ai bao giờ”.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp