Hà Ngọc Châm say sưa nói về các loại trà, trong đó có những sản phẩm mới, ép thành phên, đóng logo lên tới cả chục triệu đồng/sản phẩm - Ảnh: NGỌC QUANG
"Châm tiên phong đi đầu trong việc vận động thanh niên trong vùng vào hợp tác xã, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất trà truyền thống, tạo việc làm cho cả trăm người dân, thanh niên.
Chị NGUYỄN THỊ LIÊN (bí thư đoàn xã Việt Lâm)
Từ nhỏ, Châm đã được người già trong bản kể về nguồn gốc của rừng trà dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh cao cả ngàn mét này. Loại trà đặc trưng của vùng núi đá có lá to, búp và lá non có lông trắng như tuyết, có sức sống mãnh liệt nơi mảnh đất cằn cỗi, giá lạnh.
"Có loại trà ngon, quý hiếm nhưng trà shan tuyết ở Vị Xuyên vẫn chỉ sản xuất tự cung, tự cấp và bán một lượng rất nhỏ, chưa thể làm giàu cho quê hương, chưa thể quảng bá trà đặc sản của mình ra bên ngoài.
Chính vì thế, sau này vào học tại Học viện Nông nghiệp, tôi luôn nghĩ về cây trà của địa phương.
Năm 2013, tôi cùng nhóm bạn đã cùng lên ý tưởng nghiên cứu đề án phát triển thương hiệu chè shan tuyết Bó Đướt (tên bản có nhiều trà cổ thụ nhất nằm ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên) và may mắn được giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2014", Châm kể.
Bà Hoàng Thị Thanh Huyền, chủ tịch MTTQ huyện Vị Xuyên, cho biết khi còn làm bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên (2016), bà đã nghe Châm tâm sự bày tỏ mong muốn tìm hướng đi mới cho trà cổ thụ.
Thấy quyết tâm của Châm, bí thư huyện đoàn đã hỗ trợ tổ chức các buổi nói chuyện với thanh niên, người dân vùng trà để Châm trình bày ý tưởng sản xuất, chế biến trà shan tuyết mang thương hiệu Phong Vân với công nghệ mới kết hợp phương pháp truyền thống.
Châm tham gia hoạt động đoàn xã, và tranh thủ trong các hoạt động lại "thuyết trình" về trà, vận động thanh niên có khả năng tham gia hợp tác xã (HTX) thanh niên Việt Lâm.
19 đoàn viên xã Thượng Sơn và Việt Lâm đã đồng ý gia nhập HTX do Châm làm giám đốc. Châm đã huy động trên 1,2 tỉ đồng để dựng nhà xưởng, mua máy móc.
Để làm ra một sản phẩm trà shan tuyết Phong Vân, việc đầu tiên cần có vùng trà và HTX của Châm đã vận động dân để có vùng nguyên liệu trà trên 200ha trải dài từ xã Việt Lâm, Quảng Ngần đến xã Thượng Sơn.
Châm hướng dẫn mọi người cách thu hoạch trà sao hiệu quả, chất lượng. Để có chất lượng trà tuyệt hảo, người dân chỉ hái loại trà "1 tôm 1 lá", "1 tôm 2 lá" ("tôm" là búp non của trà) tùy từng thời vụ.
Trà được hái thủ công và phải đựng trong quẩy tấu (gùi làm bằng tre, nứa đeo phía sau lưng) hoặc túi lưới để tránh bị giập nát, ủ hơi, mất vị ngon...
Sau khi thu mua, Châm đã mày mò chế biến ra những sản phẩm trà đặc trưng chất lượng cao, những loại trà mới có thêm hương liệu khiến hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Tiền được trả cho dân sòng phẳng, thanh niên tham gia HTX cũng có thu nhập "tiền tươi thóc thật" nên mọi người càng tin tưởng vào cách làm của Châm.
"Tạo nên trà Phong Vân, mỗi công đoạn đều quan trọng và phải tuân thủ kỹ thuật, trong đó công đoạn lên hương cho trà đòi hỏi cao nhất về kỹ thuật, kinh nghiệm. Giờ không chỉ có trà truyền thống, còn rất nhiều dòng trà và có những dòng trà khi ra sản phẩm phải mất quy trình từ 6 tháng đến cả năm", Châm cho biết.
Hiện HTX thanh niên đã cho ra thị trường 12 loại sản phẩm trà khác nhau, trong đó có những loại trà "thượng hạng" giá cả chục triệu đồng/kg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận