Phóng to |
Ngày nhỏ ở Hải Phòng, tuổi thơ Tiến thường trốn nhà đi chơi với trẻ đánh giày. Sợ con mình tiếp xúc với “đối tượng phức tạp”, trước khi đi làm bố mẹ thường... nhốt hai anh em Tiến trong nhà.
Ở nơi Tiến sinh sống, người ta hình thành một lằn ranh trong ký ức của những đứa trẻ: xóm nhà giàu và xóm nhà nghèo. Xóm nhà giàu thì không bao giờ chơi với xóm nhà nghèo. Lớn lên một chút, Tiến xốn xang vì điều đó. Điều đó thôi thúc Tiến tìm con đường của riêng mình...
Con đường nhân ái
Vào học khoa triết học (chuyên ngành chính trị học) Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2008, Tiến vẫn giữ thói quen lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm giữa đêm khuya để tìm hiểu về cuộc sống của người nghèo. Hành trình của Tiến bắt đầu từ 22g, rong ruổi trên những con phố có nhiều người vô gia cư, chỉ để quan sát hay đôi khi là một lời thăm hỏi ân cần trước khi kịp trở về nhà lúc 1g sáng. Còn ban ngày Tiến xin đi phụ giúp không lương ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè, TP.HCM.
Tự nhủ phải chuẩn bị kỹ về kiến thức thì mới mong làm thiện nguyện ngon lành, ban đêm Tiến cặm cụi lên giảng đường học thêm chuyên ngành xã hội học. Chưa hết, các khóa luật từ xa Tiến cũng kịp tích lũy cho mình.
Ngay khi hết năm thứ nhất, mùa hè năm 2008 ý tưởng thành lập một CLB làm công tác xã hội nhen nhóm trong Tiến. Cái tên Nhân Ái đã định hình từ đó. Nhưng trước mắt Tiến, nhiều CLB thiện nguyện khác từng ra đời và lụi dần làm bạn lo lắng. “Chỉ có sự quyết tâm và khát khao được giúp đỡ người khác tiếp cho mình sức mạnh” - Tiến nhớ lại.
Tiến lân la gặp các hội từ thiện lớn học hỏi kinh nghiệm. Nhưng nhìn một cậu sinh viên với hoạt động tự phát, ai cũng thấy ái ngại. Đặt bút viết kế hoạch thành lập CLB, Tiến không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Dò dẫm mãi Tiến mới viết được vài dòng, đặt lưng xuống giường lại thấy chưa đúng với ý mình, choàng dậy sửa lại. Bao nhiêu tâm huyết Tiến đều dồn cho Nhân Ái, khi ngồi học, lúc ăn cơm, cả trong những giấc ngủ chập chờn. Trăn trở không biết bao nhiêu lần như vậy, cuối cùng kế hoạch cũng dần thành hình. Và CLB Nhân Ái ra đời vào tháng 11-2009 (http://clbctxhnhanai.org).
Ấp ủ khao khát lớn
Từ ngày đầu hoạt động, Tiến xác định chương trình thực hiện có thể nhỏ thôi nhưng phải thiết thực, hiệu quả và hướng đến người thật sự khó khăn. “Những hành động rất nhỏ thôi đôi khi lại thay đổi cả cuộc đời một con người” - Tiến đúc kết.
Khi muốn tiếp cận một nhóm trẻ nào đó, Tiến dành nhiều thời gian để quan sát và thuộc tên từng em một. “Ngay lần đầu tiên nói chuyện mà gọi được tên người đối diện sẽ tạo được cảm giác thân thuộc. Hãy nói chuyện như những người bạn bình đẳng với nhau thay vì biểu lộ tội nghiệp hay đáng thương dành cho các em” - Tiến nói.
Thời gian biểu của Tiến luôn trong tình trạng kín mít. Đôi khi Tiến tham lam: “Phải chi không ngủ được thì có lẽ có nhiều thời gian hơn lo cho công việc”. Hiện “thương hiệu” CLB công tác xã hội Nhân Ái đã có mặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và mới đây nhất là Đồng Tháp (tháng 10-2011) ngoài trụ sở chính ở TP.HCM.
Hỏi Tiến sẽ còn thực hiện “phi vụ” gì tiếp theo cho Nhân Ái, chàng trai cho biết sẽ biến CLB thành một tổ chức phi lợi nhuận, vươn ra ngoài phạm vi của một lãnh thổ. “Bởi nhân ái là tình người, mà tình người thì có bao giờ phân biệt màu da hay lãnh thổ đâu” - Tiến khẳng khái.
Trích nhật ký Thứ bảy Nhân Ái Sau bao háo hức, mong chờ, buổi chiều ra quân Thứ bảy Nhân Ái cũng đến. Buổi chiều ngồi học lâu lâu lại nhìn đồng hồ. May quá cô cho về sớm, bay ra khỏi lớp chạy ngay lên quán cơm chay phụ anh em. 6g, chúng tôi rời “trụ sở” ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM, mang trên tay 200 suất cơm nhắm hướng công viên 23-9, chợ Bến Thành thẳng tiến, nơi có hơn 40 bạn tình nguyện viên đang nóng lòng chờ đợi. Từ công viên, đoàn quân áo xanh chia ra bốn hướng chở những thùng cơm có dòng chữ Thứ bảy Nhân Ái đi về các khu vực cầu Khánh Hội, bến phà Thủ Thiêm, khu chợ Bến Thành, rong ruổi trên các con đường Đề Thám, Lê Lợi, khu Cầu Muối... Đã gần 20g. Vậy mà khi ghé vào đâu đó, nắm tay các cụ già hỏi thăm: “Cụ ăn cơm chưa cụ?” đều nhận được cái lắc đầu. Mang cơm, canh đến cho các cụ, nghe tiếng cảm ơn rối rít và nhìn các cụ mở ngay hộp cơm ra ăn giữa phố xá mà thấy nghẹn lòng. Góc đường Lê Lợi, đưa hộp cơm cho một bác bán vé số không còn đôi tay, bác ngần ngừ rồi mở lời xin thêm một hộp nữa cho một bác bán bong bóng lớn tuổi gần đó mà chúng tôi không nhìn thấy. Sài Gòn tối cuối tuần dòng người càng tấp nập đổ về các khu mua sắm, vui chơi giải trí, những cửa hàng ăn sang trọng. Nhưng trong những góc khuất hè phố vẫn còn đó bao nhiêu mảnh đời cơ cực. (Chương trình phát cơm từ thiện của CLB CTXH Nhân Ái thực hiện vào thứ bảy hằng tuần) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận