27/01/2016 04:47 GMT+7

Chàng trai Mông trên sàn đấu vovinam

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG ([email protected])

TT - Nếu không đến với vovinam, có lẽ giờ này chàng trai Chảo A Củ (dân tộc Mông) ở bản Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện miền núi Văn Chấn, Yên Bái đã vác khèn đi tìm “bạn tình” để cưới làm vợ. Vovinam đã giúp A Củ nuôi dưỡng ước mơ thay đổi số phận.

Chảo A Củ tập luyện vovinam     - Ảnh: H.Đ.
Chảo A Củ tập luyện vovinam - Ảnh: H.Đ.

Năm nay 17 tuổi, Chảo A Củ là một chàng trai Mông với gương mặt trong sáng và nụ cười hồn hậu. Sau hai năm tập vovinam, năm 2016 là một năm hứa hẹn của Củ khi anh được giao chỉ tiêu giành 2 huy chương tại Giải vô địch trẻ toàn quốc.

Gian nan thuyết phục gia đình

Nhắc đến Củ, cả Trường trung cấp TDTT Yên Bái ai cũng biết bởi hoàn cảnh nghèo khó của gia đình anh. Để đến được với vovinam, Củ đã trải qua quãng đường rất xa, khó khăn nhất là vượt qua những hủ tục của đồng bào dân tộc nơi anh sinh sống.

HLV Trần Văn Lục, người trực tiếp tuyển chọn và huấn luyện Củ, chia sẻ: “Hai năm trước, tôi đến Trường THCS Cát Thịnh để tuyển VĐV thì phát hiện năng khiếu võ thuật của Củ. Nhưng để thuyết phục được gia đình cho Củ từ trên núi xuống TP Yên Bái tập luyện là cả quá trình vất vả bởi bố mẹ em không biết chữ, không biết tiếng Kinh, cũng không hiểu đi tập thể thao là thế nào. Giữa nơi núi cao vực sâu, tôi phải dùng mọi kênh từ tác động đến nhà trường, họ hàng, cha mẹ... để đưa Củ về thành phố tập vovinam”.

HLV Lục cho biết đường vào nhà Củ chỉ cần mưa phùn thì đi bộ cũng không vào được nhà vì đường núi trơn trượt, khi mưa tạnh cả tuần mới đi được. Nếu muốn gặp bố mẹ Củ, HLV Lục nói phải đến nhà chờ ít nhất nửa ngày, bố mẹ mới đi bộ từ nương rẫy về nhà. Nơi gia đình Củ ở hiện vẫn chưa có điện, để có nước ăn phải lấy từ trên núi đưa về. Khi nói chuyện, bố mẹ Củ cũng phải có người phiên dịch giúp để hiểu tiếng Kinh, hiểu việc cho Củ đi tập thể thao không những giúp em khỏe hơn mà vẫn được học văn hóa, trao cho em cơ hội mới.

“Học với tôi là kỳ tích”

Bố mẹ Củ năm nay 38 tuổi và có đến năm đứa con, bốn trai, một gái, Củ là con cả. Củ nói không biết từ lúc nào anh đã biết cày bừa, gặt lúa, cấy lúa thoăn thoắt, là lao động chủ lực của cả nhà. Ngoài làm lúa, lên nương trồng ngô, sắn, lúc rảnh Củ còn tranh thủ lên rừng kiếm măng, kiếm củi, các loại thảo dược về bán lấy tiền mua gạo. Nhà có bảy miệng ăn, đất canh tác ít nên nhà Củ quanh năm đói ăn, phải ăn ngô, ăn sắn thay cơm. Từ ngày lên Trường trung cấp TDTT tập vovinam Củ mới được ăn no cơm với thịt nên anh lớn lên trông thấy.

Kể về hành trình đến với con chữ và thể thao, Củ nói: “Việc tôi và các em được đi học cũng là kỳ tích bởi người dân nơi tôi sống ít biết chữ. Bản của tôi là thung lũng giữa bốn bề và núi cao, đi học và đi chợ phải đi bộ 10km đường núi mới đến nơi. Vì thế khi tôi đi học, cứ đầu tuần phải gùi lương thực, củi, rau về trường ở nội trú, thứ sáu lại về nhà. Từ khi Nhà nước cấp gạo cho con em hộ nghèo dân tộc thiểu số đi học, tôi có gạo để ăn chứ trước toàn ăn ngô, ăn sắn. Em gái út của tôi khi lên 6 tuổi, mẹ cũng nhất định không cho đi học vì bảo con gái thì ở nhà lấy chồng chứ học chữ làm gì. May mà tôi được đi học nên sau đó được chọn đi tập vovinam, nếu không giờ ở nhà như các bạn cùng lứa với tôi đã cưới vợ rồi. Các bạn nữ chỉ 15 - 16 tuổi đã lấy chồng sinh con”.

Mơ được thi đấu nhiều nơi

Nói về vovinam, Củ bảo cả bản Làng Ca của em ai cũng hỏi vovinam là gì vì chẳng ai biết. Vì thế khi được về bản, Củ lại giới thiệu và hướng dẫn trai bản tập vovinam - môn võ cổ truyền của VN. Vì con trai Mông chỉ biết chơi quay, thổi khèn để tìm vợ thôi - Củ tâm sự. Sắp đến tết, đồng bào người Mông ăn tết từ 28 tháng chạp đến mùng 9 tháng giêng. Củ bảo dịp tết anh cũng biết làm các món ăn truyền thống của người Mông, nhất là làm cơm lam, giã bánh giầy. Nói về mơ ước của mình, Củ cười bảo: “Tôi sẽ phấn đấu tập luyện để có thành tích tốt, được đi thi đấu nhiều nơi mở mang kiến thức cho tôi và cho đồng bào Mông. Mơ ước của tôi là sẽ tập vovinam giỏi, sau này có một công việc tốt để không vất vả như bố mẹ”.

Gia cảnh khó khăn của VĐV “nhí” Mai Thu

Ông Phạm Văn Dương, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Yên Bái, cho biết khó khăn của thể thao miền núi không chỉ là kinh phí eo hẹp, cái khó hơn chính là việc tìm, thuyết phục được đồng bào cho con em theo thể thao. Với những người như Chảo A Củ, để tìm được một VĐV, các HLV của ngành thể thao đã phải lội núi băng rừng, thuyết phục gia đình rất nhiều để họ hiểu và cho con đi theo thể thao thay vì đi học, hay ở nhà dựng vợ gả chồng.

Ngoài Chảo A Củ, VĐV điền kinh Lương Thị Mai Thu (13 tuổi, dân tộc Tày) của tỉnh Yên Bái cũng có gia cảnh vô cùng khó khăn. Vốn đã nghèo, gia đình Mai Thu lại càng khó khăn hơn khi cách đây vài năm mẹ cô bị gãy tay, mất luôn khả năng lao động sau một tai nạn. Bố của Mai Thu phải đi bốc vác ở Lào Cai kiếm miếng ăn cho cả nhà. Vì vậy tuy mới 13 tuổi, Mai Thu đã sớm đặt mục tiêu phải vươn mình trên con đường thể thao để kiếm tiền, đỡ đần cho gia đình.

Võng xếp Duy Lợi ủng hộ A Củ và Mai Thu 5 triệu đồng mỗi người

Để động viên, giúp đỡ võ sĩ vovinam Chảo A Củ và VĐV điền kinh Lương Thị Mai Thu vượt qua khó khăn và đón Tết Bính Thân 2016 ấm áp hơn, Công ty võng xếp Duy Lợi ủng hộ mỗi VĐV 5 triệu đồng. Báo Tuổi Trẻ sẽ chuyển số tiền này cho A Củ và Mai Thu.

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp