13/08/2020 14:36 GMT+7

Chàng trai Hàn đi tìm công lý cho Việt Nam

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
THÁI BÁ DŨNG thực hiện

TTO - Suốt 12 năm qua, có một chàng trai Hàn Quốc đã dành thời gian tìm gặp các nhân chứng và gia đình bị binh lính Hàn thảm sát trong chiến tranh Việt Nam để hàn gắn những vết thương, thúc đẩy công lý.

Chàng trai Hàn đi tìm công lý cho Việt Nam - Ảnh 1.

Kwon Hyun Woo (đeo kính, áo đen đứng hàng sau) tại sân chơi do Quỹ hòa bình Hàn - Việt tài trợ cho học sinh Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) - Ảnh: T.B.D.

Tuổi Trẻ đã trò chuyện với KWON HYUN WOO (sinh 1983) khi anh dự lễ bàn giao 4 sân chơi mà Quỹ hòa bình Hàn - Việt tặng cho học sinh cấp II tại Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) - nơi xảy ra nhiều vụ thảm sát do binh lính Hàn gây ra năm 1968.

Sự tha thứ cao thượng

* Anh biết đến sự việc lính Đại Hàn can dự các vụ thảm sát dân thường trong chiến tranh tại Việt Nam từ đâu?

- Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp đại học tại Hàn Quốc, tôi có tham gia một câu lạc bộ lịch sử, văn học. Chúng tôi đã nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của Hàn Quốc trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. 

Tôi may mắn tìm được một tài liệu nói rõ về sự can dự của lính Hàn Quốc trong các vụ thảm sát đau thương cho thường dân miền Trung Việt Nam.

* Như vậy nghĩa là ngay cả sinh viên Hàn Quốc cũng không hề được dạy về lịch sử mà sự liên quan của Hàn Quốc trong những năm chiến tranh Việt Nam?

- Không có ai ở Hàn Quốc kể cho chúng tôi về việc đó cả. Khi biết được sự thật, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm các tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc có làm việc về vấn đề chiến tranh Việt Nam và được biết tới một tổ chức có tên là "Tôi và chúng ta". Tôi đã đăng ký tham gia và đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa hè 2008. Những sự thật bắt đầu rõ hơn từ đó.

* Tôi được nghe nói gia đình anh ở Hàn Quốc cũng từng có một người đi lính trong chiến tranh tại Việt Nam?

- Đúng như vậy. Đó là bác ruột của tôi, tôi nghe bác nói rằng từng có mặt tại tỉnh Phú Yên. Ông ấy còn nói rằng nhờ vào việc đi lính ở Việt Nam mà gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống.

* Là người Hàn Quốc, khi lần đầu tiên anh đặt chân đến nơi đã xảy ra việc lính Hàn thảm sát thường dân, anh có cảm giác ra sao?

- Tôi đến nơi xảy ra vụ thảm sát Hà My và thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) để làm đường, làm bia tưởng niệm tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên). 

Lúc đầu tôi vô cùng sợ hãi vì nghĩ rằng sẽ bị người dân đuổi đánh. Lúc đó tôi 27 tuổi, đầu tôi cắt tóc ngắn - trông rất giống lính Hàn Quốc. 

Tôi sợ hình ảnh của tôi sẽ khơi lại giây phút sợ hãi trong quá khứ mà nạn nhân đã trải qua. Lúc đoàn vào thăm một gia đình, tôi không dám ngồi gần nhân chứng sống sót. Tôi cố tỏ ra thật dễ thương, từ tốn để nạn nhân ấy không sợ, không ám ảnh và không đánh tôi.

Tôi vẫn nhớ có lần đi vào nhà một người cụt hai chân là người may mắn sống sót trong một vụ thảm sát tại Quảng Nam. 

Lúc một sinh viên người Hàn Quốc hỏi người ấy rằng bà cảm thấy gì sau khi trải qua những giây phút đó thì bất chợt bà mở to mắt rồi hét lên giận dữ: "Tôi đã trả lời bao nhiêu lần rồi sao các người cứ hỏi đi hỏi lại miết như vậy?". 

Lúc đó chúng tôi rất sợ hãi và nghĩ rằng sẽ có chuyện. Nhưng đã không có ai đánh chúng tôi cả, một số người bà con của nhân chứng còn vào can ngăn để cho bà ấy bình tĩnh trở lại.

* Và sau đó?

- Tôi còn nhớ như in khi chúng tôi đến thăm một nạn nhân sống sót trong thảm sát bởi lính Hàn, người này đã gửi lại một bức thư rồi sau đó tắt thở. Bà ấy viết rằng "Tôi tha thứ". Đó là một sự tha thứ cao thượng, càng tha thứ thì chúng tôi càng thấy day dứt hơn.

Chàng trai Hàn đi tìm công lý cho Việt Nam - Ảnh 2.

Kwon Hyun Woo

Chúng tôi đấu tranh cho sự thật không phải nhằm khơi lại nỗi đau chiến tranh, mà là làm rõ trách nhiệm của Hàn Quốc. Nhắc lại quá khứ không phải là để khơi lại nỗi đau mà là nhắc nhở chúng ta không được phép quên, để sống hôm nay cho thật tốt, không để sai lầm lặp lại thêm một lần nào nữa.

KWON HYUN WOO

Không được dừng lại

* Công việc của anh cùng các tình nguyện viên tại Việt Nam trong phong trào "Xin lỗi Việt Nam" những năm qua là gì?

- Chúng tôi tổ chức các chuyến đi gặp gia đình thân nhân các vụ thảm sát để thăm hỏi, nói lời xin lỗi vì những gì mà lính Đại Hàn gây ra. 

Các thành viên trong Quỹ hòa bình Hàn - Việt khi tham gia vào quỹ phải đóng góp một khoản kinh phí để duy trì hoạt động, cùng với các nguồn vận động khác, chúng tôi tổ chức xây dựng nhà tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát; tặng học bổng, xây trường học, làm đường, xây nhà cho con em địa phương nơi xảy ra thảm sát.

Chúng tôi cũng tổ chức đưa các nhân chứng sống sót sau thảm sát qua Hàn Quốc để làm chứng, nói chuyện với người dân, các nhà báo, trí thức Hàn Quốc để đấu tranh cho công lý, yêu cầu cựu binh Hàn Quốc phải thừa nhận sự thật chiến tranh. 

Chúng tôi cũng thúc đẩy và yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải lên tiếng xin lỗi nhân dân Việt Nam, đền bù chiến tranh.

* Anh cảm nhận thấy vấn đề sự thật chiến tranh Việt Nam đang như thế nào tại Hàn Quốc?

- Các nỗ lực thúc đẩy thừa nhận sự thật đã lan tỏa rất mạnh mẽ. Thành viên của Quỹ hòa bình Hàn - Việt có sự tham gia rất đông của các trí thức, luật sư, nhà báo, sinh viên, đại biểu quốc hội... đã gây sự chú ý và tác động lớn tới chính phủ. 

Sự thật về chiến tranh Việt Nam được đa số công chúng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ở Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ.

Nhưng cũng rất buồn là việc này vấp phải sự tức giận từ các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Họ không muốn thừa nhận tội lỗi. Cũng có một số người trước khi qua đời đã nói ra sự thật, họ bày tỏ sự hối tiếc và xấu hổ. 

Những trường hợp như vậy ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ để thừa nhận sự thật thì quá trình đấu tranh sẽ còn dài và không được dừng lại.

* Anh sẽ vẫn tiếp tục con đường dài không dừng lại đó chứ?

- Đúng vậy, tôi đã quyết tâm như vậy. Tôi sang Việt Nam, đến năm 2012 thì đăng ký học thạc sĩ văn học Việt Nam tại một trường đại học. Tôi có quen một nghiên cứu sinh người Hàn Quốc, hơn tôi 5 tuổi, hiện chúng tôi sống tại TP.HCM và có với nhau một con nhỏ gần 1 tuổi. 

Chúng tôi vừa làm thêm, vợ tôi vừa dịch sách Việt Nam, dịch kịch bản phim điện ảnh để có tiền thuê nhà, sinh sống tại Việt Nam.

* Vì sao anh có tên Việt Nam là Vũ?

- Tên tôi là Hyun Woo, nhưng đọc tiếng Việt thì không ai nhớ. Lần đó tôi đang đi lên giảng đường thì có một bạn sinh viên chạy tới và reo lên "Vũ ơi, Vũ ơi!". Thế là tôi mang tên Vũ từ đó. Tôi rất thích cái tên này.

Một người Hàn Quốc hết lòng vì sự thật Việt Nam

ts tuyen  (1) 1(read-only)

* "Từ khi biết đến vấn đề lịch sử liên quan đến Việt Nam, Kwon Hyun Woo đã đọc nhiều những tài liệu liên quan.

Rồi anh quyết định sang Việt Nam để học tiếng Việt, học tiếp cao học về văn học Việt Nam với cùng một ý chí là để hiểu hơn về Việt Nam, từ đó góp phần vào các hoạt động xoa dịu đau thương quá khứ để xây dựng hòa bình cho hiện tại và tương lai. Ý chí đó, tình cảm đó của Hyun Woo chưa bao giờ thay đổi".

TS NGUYỄN NGỌC TUYỀN
(giảng viên tiếng Hàn Quốc - Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng)

co thanh1 (1) 1(read-only)

* "Ký ức và mất mát của tôi cùng gia đình trong chiến tranh vì lính Hàn Quốc là không thể quên được. Nhưng khi thấy các trí thức Hàn Quốc tìm tới tận nhà, họ cầm tay chúng tôi cúi đầu xin lỗi, xin được tha thứ, rồi làm tất cả những gì để bù đắp tội lỗi cho những người cựu binh Hàn Quốc thì chúng tôi thấy rất xúc động.

Trong số này tôi đặc biệt quý mến anh Kwon Hyun Woo - người mà chúng tôi đều gọi là Vũ. Vũ là người Hàn Quốc tử tế, thành tâm".

Bà NGUYỄN THỊ THANH
(nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị - Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)

Những chàng trai Hàn Quốc mê làm Vlog về văn hoá Việt Những chàng trai Hàn Quốc mê làm Vlog về văn hoá Việt

TTO - Xem phóng sự ngắn về những chàng trai Hàn Quốc mê làm Vlog về văn hoá Việt do chương trình Giải trí 24h của Phòng Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp