11/03/2018 12:01 GMT+7

Chàng trai can đảm từ bỏ giảng đường

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Dám từ bỏ đại học, tự đi tìm giấc mơ, chàng trai trẻ Đào Xuân Lộc (22 tuổi, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đưa cuộc đời đến với thành công mà không cần qua cánh cửa đại học.

Chàng trai can đảm từ bỏ giảng đường - Ảnh 1.

Lộc (bìa trái) cùng với những người bạn nước ngoài và học viên tiếng Anh do anh giảng dạy tại làng Hama - Ảnh: NVCC

Lộc vừa trở thành một trong hai người Việt Nam giành được học bổng toàn phần từ Trường đại học Griffith (Úc). Đó là thành quả tự học, tự tìm kiếm cơ hội của chàng trai Quảng Trị.

Từ bỏ đại học

Cuộc trò chuyện với Lộc như trò rượt đuổi của tuổi trẻ. Từ bỏ, theo đuổi đam mê và cảm hứng bám lấy câu chuyện. 

Bốn năm trước, Lộc trở thành tân sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM với số điểm 27/30. Đó là kết quả của những tháng ngày ròng rã học tập để vượt ra khỏi tấm lưới nhỏ bé và chiếc thuyền nan mỗi ngày cha mẹ Lộc bám lấy sông Thạch Hãn tìm nguồn sống.

Ngày Lộc nhận giấy báo, từ trong nghèo khó, ánh mắt của cha mẹ em tràn đầy niềm hi vọng. Nhưng rồi khoảng vui ngắn ngủi xếp lại khi Lộc tuyên bố không đến giảng đường. 

Nguồn cơn quyết định ấy đến với Lộc đơn giản vì "tôi cảm thấy mình không phù hợp với việc học ở trường đại học. Tại sao ở nước ta quá nhiều người học đại học để rồi thất nghiệp? Tôi không đủ hứng thú ngồi giảng đường đến tận 5 năm. Tôi thích nấu ăn và bán hàng. Tôi nghĩ cái gì không đam mê thì đừng cố ép mình theo đuổi. Vậy nên tôi từ bỏ".

Với cha mẹ Lộc, quyết định ấy là không thể chấp nhận được. Đó là hành động ngu xuẩn, là suy nghĩ nông cạn của tuổi mới lớn, chẳng khác nào tự đóng cửa tương lai của mình. 

Để an lòng bậc sinh thành, Lộc nhập học và ngay sau đó bảo lưu kết quả, bắt đầu đi tìm cuộc sống cho riêng mình. "Đi bán mắm ruốc là quyết định của tôi" - Lộc chia sẻ. Những tháng ngày rong ruổi mang sản phẩm của làng mình làm ra thuyết phục người dân ở TP.HCM tiêu thụ không đơn giản như Lộc từng nghĩ.

Giọng nói nhà quê là trở ngại đầu tiên. "Khi mình giới thiệu sản phẩm và thuyết phục người khác một hồi, họ vẫn không hiểu. Nhiều khi cũng nản, nhưng rồi cố gắng từng ngày thành ra mình có thêm kinh nghiệm thuyết phục khách hàng" - Lộc kể. 

Ba năm gắn đời mình với hũ mắm ruốc, Lộc làm nhiều công việc khác nhau: giao hàng, bán hàng, nghe điện thoại, trả lời email của khách hàng và đại lý, marketing, làm người giới thiệu mắm tại siêu thị và các buổi chợ thương mại... 

Nhờ đó, Lộc đã trưởng thành nhanh chóng, cậu học sinh mọt sách ngày nào biến thành chàng trai hoàn toàn khác.

Thời cuộc bắt buộc phải giỏi tiếng Anh để tự mở ra cơ hội phát triển, nên Lộc vừa bán mắm vừa mày mò tự học tiếng Anh, cái gì khó quá thì nhờ đến chị gái giúp. Lúc đó, Lộc hi vọng rồi đây hũ mắm sẽ "vượt biên" ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tìm cho mình cơ hội du học nước ngoài với ngành đầu bếp. 

Gordon James Ramsay, đầu bếp nổi tiếng thế giới người Scotland, đã khiến Lộc mê mẩn. Lộc nói: "Tôi xem rất nhiều clip do ông ấy làm. Nó giúp một người không yêu thích tiếng Anh như tôi trở nên đam mê với tiếng Anh. Tiếng Anh sẽ giúp mình tiệm cận với nhiều điều hay ho của thế giới".

Sau những năm tháng mày mò tự học tiếng Anh, Lộc đã đạt được 7.0 IELTS vào tháng 10-2017. Lộc cũng hoàn thành chương trình TEFL và được cấp bằng dạy tiếng Anh quốc tế do Đại học Cambridge cấp.

Chàng trai can đảm từ bỏ giảng đường - Ảnh 2.

Đào Xuân Lộc - Ảnh: NVCC

“Ngày đó nếu không từ bỏ giảng đường đại học, có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành một thầy giáo có chứng chỉ quốc tế, không bao giờ tiếp cận được với các học bổng và có khả năng giao tiếp, thuyết phục đối tác quốc tế như bây giờ. Đó là quyết định đúng đắn nhất của tôi

Đào Xuân Lộc

Tiếp tục rẽ hướng

Lộc thần tượng Gordon James Ramsay và muốn trở thành đầu bếp khi từ bỏ đại học. Thế nhưng bây giờ Lộc đóng cánh cửa ấy lại. Lộc bảo muốn truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ như mình, muốn giúp mọi người trở nên yêu quý tiếng Anh, sẽ có thêm nhiều người Việt tìm kiếm cơ hội ở những chân trời mới. 

Thay vì làm đầu bếp, Lộc muốn dạy tiếng Anh bởi những clip Lộc làm đã giúp nhiều người cải thiện nói, viết bằng tiếng Anh và mở ra cơ hội việc làm cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Lộc cùng chị gái là cô giáo Đào Thị Hằng chuyên luyện chuẩn phát âm và luyện thi IELTS ở làng Hama (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông).

Khi trở thành một trong hai người Việt Nam nhận được học bổng từ Đại học Griffith, điều khiến chàng trai trẻ vui nhất là cậu đã chứng minh sai lầm của chính bản thân mình. 

"Ngày xưa, tôi từng nghĩ học bổng du học chỉ đến với những người có điều kiện ở các thành phố lớn. Nhưng không, học bổng là cơ hội cho tất cả, chỉ cần mình chuẩn bị đầy đủ hành trang, đủ sức thuyết phục người tiếp nhận hồ sơ của mình" - Lộc nói.

Hôm Lộc gửi hồ sơ dự tuyển đã quá muộn, ứng viên cho khóa học đã được chốt xong danh sách. Thế nhưng khi hồ sơ gửi đi được nửa ngày đã nhận được thư trả lời. "Trường nói rằng rất ấn tượng với hồ sơ của tôi. Dù đã đủ học viên rồi, nhưng tôi vẫn có cơ hội để nhận học bổng. Đúng một ngày sau đó, tôi nhận được mail mình được học bổng toàn phần" - Lộc chia sẻ.

Muốn truyền cảm hứng

Cuốn tự truyện về quá trình từ một người không yêu thích tiếng Anh trở thành thầy giáo tiếng Anh chuẩn quốc tế của Lộc sắp hoàn thành. Đó sẽ là dấu mốc đầu tiên trong cuộc đời của chàng trai 22 tuổi. Trong cuốn sách ấy có cả kinh nghiệm săn học bổng, cách để trở thành công dân toàn cầu, tiếp cận với đối tác nước ngoài thông qua online để đưa những sản phẩm Việt Nam ra thế giới...

Tháng 3 này, Lộc sẽ đến với đất nước chuột túi, sẽ học những điều hay nhất về một doanh nghiệp xã hội và marketing online phục vụ trong việc quảng bá sản phẩm. Lộc mong muốn sẽ có được những kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trẻ Đông Nam Á tham gia khóa học, chia sẻ cách làm và chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội của họ. 

Các giáo sư của trường là những chuyên gia quản lý marketing online của các doanh nghiệp xã hội nổi tiếng tại Úc sẽ cho Lộc kinh nghiệm của mình. "Tôi hi vọng sẽ có được bài học lớn về quản lý để mang về Việt Nam áp dụng cho thương hiệu "mắm Thuyền Nan" phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn".

Học bổng dành cho những khóa học ngắn hạn ở các trường đại học nổi tiếng thế giới là mục tiêu của Lộc trong nhiều năm nữa. Chàng trai trẻ muốn mình đến với nhiều chân trời. Sau mỗi chuyến đi sẽ trở về Việt Nam, mang những gì mình học được truyền tải đến mọi người. 

"Một thế giới phẳng và có trợ thủ đắc lực là công nghệ. Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội việc làm và phát triển bản thân trên toàn thế giới. Như cách tôi đang dạy tiếng Anh online cũng giúp rất nhiều người lấy được chứng chỉ quốc tế" - Lộc tâm sự.

Mắm Thuyền Nan

Mắm Thuyền Nan là sản phẩm khởi nghiệp năm 2013 của chị gái Lộc là Đào Thị Hằng. Hằng từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, từng sang nước Úc học thạc sĩ bằng học bổng toàn phần của Chính phủ Úc (ALA).

Từ tình yêu mạnh mẽ với mắm và những người phụ nữ đơn thân vùng biển, Hằng đã từ chối cơ hội nhận học bổng học tiếp tiến sĩ để trở về Việt Nam thực hiện giấc mơ mắm của mình. Sau năm năm, thương hiệu mắm Thuyền Nan được phân phối rộng rãi trong các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.

Cơ sở sản xuất mắm Thuyền Nan được đặt tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp