Dù thi đậu công chức, hiện Kim Thái vẫn đi bán vé số dạo - Ảnh: KHẮC TÂM
Những ngày qua, chuyện Kim Thái hằng ngày rong ruổi bán vé số kiếm sống nhưng đậu công chức làm xôn xao cả vùng quê.
Ý chí vượt khó
Kim Thái sinh ra trong một gia đình 7 anh em. Hồi học cấp 3, Thái thần tượng thầy chủ nhiệm nên mơ ước trở thành một thầy giáo giỏi. Năm 1998, anh tốt nghiệp lớp 12, sau đó nộp hồ sơ thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng.
Học được 2 năm, chuẩn bị đi kiến tập thì Thái nhận được tin cha bệnh, ruộng vuờn không ai lo. Sau nhiều đêm trăn trở, Thái quyết định nghỉ học về nhà chăm sóc cha già, đành bỏ dở giấc mơ đứng trên bục giảng.
"Lúc đó, tôi còn 2 đứa em đang học cấp 3. Nếu tôi không nghỉ học, một trong hai đứa em phải nghỉ. Làm anh phải nhường em thôi", Thái cho hay.
Năm 2001, trong một lần theo bạn ra TP Sóc Trăng chơi, Thái quen chị Ung Thị Thu Hằng. Như duyên tiền định, một năm sau hai người nên nghĩa vợ chồng.
Cũng như những anh em trong nhà, sau khi lập gia đình, Thái được cha mẹ cho ra ở riêng, cho nền cất nhà, 3 công ruộng và 1 công rẫy.
Để chăm lo gia đình nhỏ của mình, Thái chí thú làm ăn. Ngoài công việc đồng áng, anh làm đủ nghề, từ chạy xe ôm, phụ hồ đến khuân vác mướn. Đêm đến, Thái còn đi soi ếch, soi cá. Tranh thủ thời gian, Thái còn đi bán vé ở chợ Long Phú.
"Thâm niên bán vé số của tôi đến nay được 13 năm. Tuy là nghề tay trái, mỗi ngày tôi cũng kiếm được trên 100.000 đồng. Tôi không có gì phải mắc cỡ, miễn sao đồng tiền kiếm được từ mồ hôi và công sức của mình", Thái chia sẻ.
Năm 2009, khi cô con gái vào mẫu giáo, Thái động viên vợ sắp xếp việc nhà, đăng ký học lớp sơ cấp dược Trường trung cấp Y tế Sóc Trăng. Một năm sau, cô được ký hợp đồng với công việc y tế học đường tại Trường THPT Lương Định Của (Long Phú).
Thái cho biết câu chuyện của vợ là nguồn cảm hứng giúp anh khơi gợi lại ước mơ chinh phục tri thức đã ấp ủ.
"Qua bạn thân, tôi biết Trường đại học Cần Thơ mở lớp đại học từ xa. Bàn đi tính lại, tôi chọn ngành luật", Thái kể lại.
Theo Thái, sở dĩ anh chọn học ngành này vì thực tế quê anh thường xảy ra mâu thuẫn xóm giềng do những chuyện không đâu. "Bà con đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều. Hầu như trong xóm, ai cũng mua vé số giúp tôi. Để tri ân, tôi phải làm một việc gì đó thiết thực cho bà con", Thái trải lòng.
Vừa làm vừa học, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, năm 2015 anh lấy bằng cử nhân luật loại khá.
Tấm gương vượt khó của Thái làm lay động nhiều tấm lòng. Lãnh đạo thị trấn Long Phú mời Thái tham gia ban bảo vệ dân phố thị trấn, cho anh giữ chức phó ban.
Thi đậu công chức
Thái cho biết được lãnh đạo thị trấn tin tưởng và động viên, cuối năm 2017 anh đăng ký thi tuyển công chức vị trí chuyên viên hành chính tổng hợp văn phòng HĐND, UBND huyện.
Một ngày đầu tháng 2-2018, khi hay tin Sở Nội vụ Sóc Trăng thông báo kết quả thi, do nhà chưa đăng ký mạng nên Thái chạy xe ra một tiệm bách hóa để xem ké. Kết quả điểm thi 213 (chưa tính điểm ưu tiên, trong khi 200 điểm là đậu) chưa làm Thái an lòng.
Đợi khi Sở Nội vụ niêm yết kết quả, tận mắt đi xem, Thái mới vui nhảy cẫng lên, thông báo cho lãnh đạo thị trấn, người thân, bạn bè hay.
"Những ngày trước khi thi, có đêm tôi thức trắng để học bài, đọc tài liệu. 3h sáng còn phải đi bán vé số nữa. Tôi rất mừng", Thái nói.
Thái cho biết khi trở thành công chức, anh sẽ tận tâm làm việc, phục vụ nhân dân như người thân của mình. "Nếu có điều kiện, được lãnh đạo thương yêu, tôi sẽ học cao hơn", Thái nói.
Trong thời gian chờ bố trí công việc, Thái vẫn làm tốt phận sự ở ban bảo vệ dân phố, lo đồng áng và tiếp tục bán vé số dạo.
"Mấy ngày qua, bà con ủng hộ mua vé số nhiều hơn. Có ngày tôi kiếm được trên 150.000 đồng", Thái thiệt tình nói.
Ông Thạch Huôl, hàng xóm của Thái, cho biết khi biết Thái thi đậu công chức, cả xóm vui như mở hội. "Chúng tôi rất hãnh diện về Thái. Mong anh đem kiến thức, tài năng giúp người dân. Chuyện của Thái là tấm gương để mọi người noi theo, nhất là giới trẻ Khmer", ông Huôl gửi gắm.
Trong hai năm làm phó ban bảo vệ dân phố thị trấn, anh Thái đã tham gia hòa giải thành công rất nhiều vụ xích mích. "Bất cứ giờ nào, hễ nhận được tin báo, tôi và anh em có mặt ngay. Tuy cực, tôi vui vì đã giúp ích cho bà con", Thái nói.
Thái kể cách đây không lâu, hai nhà hàng xóm "tố" nhau vì tiếng ồn hát karaoke. Khi anh đến nơi, ai cũng hùng hổ tranh cãi, không ai nhường nhịn ai. Biết 2 gia đình này là bà con cô cậu, Thái ân cần giải thích, động viên bên hát nên mở âm thanh vừa phải, không ca hát quá khuya, ảnh hưởng đến nọi người. Còn gia đình kia có gì cũng nhẹ nhàng góp ý.
Nghe mát lòng, hai bên vui vẻ bắt tay làm hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận