Tiến sĩ Đỗ Anh Đức (hàng trước, thứ năm từ trái) tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - Ảnh: Đ.ĐỨC
Anh là một trong những "người anh" chuyên môn ở Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (do Trung ương Đoàn tổ chức).
Luôn tràn đầy năng lượng sống
Một trong những điểm nhấn không lẫn vào đâu được ở Anh Đức là nụ cười tươi luôn nở trên môi. "Lần đầu tôi có dịp gặp và làm việc với Anh Đức là thông qua Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất tổ chức tại Đà Nẵng. Trong vai trò chủ trì nhóm thảo luận, anh đã gây ấn tượng mạnh với mọi người về khả năng tổ chức công việc hiệu quả, kết nối và đặc biệt là khả năng truyền lửa, năng lượng sống tích cực" - thạc sĩ Chu Tiến Anh (kỹ sư dự án cao cấp về ôtô và hàng không tại một tập đoàn ở Pháp) cho biết.
Nụ cười và năng lượng sống tích cực đó không đến từ một tuổi thơ trải hoa hồng. Xuất thân gia đình căn bản, Anh Đức lớn lên ở một con ngõ "có tiếng" tại Bắc Ninh, nơi cờ bạc và thuốc phiện rất phổ biến.
"Lúc tôi còn nhỏ, từ đầu đến cuối con ngõ đó có 5 người chết vì thuốc phiện. Có lẽ dân anh chị nơi khác cũng không dám vào", Anh Đức bật cười, nhớ lại.
Và Anh Đức biết học là con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời. Và hành trình đó có một điểm sáng là từ ông ngoại của anh, người đi theo lĩnh vực giáo dục và cũng được nhiều người biết đến với biệt danh "một trong những người đầu tiên mang ánh sáng tri thức lên Việt Bắc".
Những bài toán đầu tiên được chỉ dẫn từ ông khiến tình yêu môn học trên ở Anh Đức được hun đúc thêm mãnh liệt. Dẫu vậy, do có khả năng học nhanh, từ lớp 5 Anh Đức đã chuyển từ "học viên" sang vị trí "trợ lý", hỗ trợ ông mình dạy những người anh chị, bạn bè theo học ông.
Anh Đức bắt đầu vào học hệ chuyên toán, rồi được chọn đi thi cấp tỉnh và quốc gia. Dẫu luôn có ý thức học tập cao, anh vẫn chơi thể thao, đá bóng đều đặn, hiếm khi vắng mặt ở các hoạt động hội hè...
Đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia, Anh Đức sau đó được tuyển thẳng vào lớp chất lượng cao Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Thành tích quốc gia môn hóa của anh có thể đã tốt hơn nếu anh không chọn hướng đi "lập dị" gắn với thương hiệu bản thân: tập trung giải những bài khó trước!
Quyết định "ngược đời"
Vào giảng đường, Anh Đức được chọn làm lớp phó học tập và nhiều lần được chọn đi thi Olympic toán học sinh viên toàn quốc.
"Thời điểm trước khi tôi dự kỳ thi trên, trường tôi tổ chức buổi giao lưu với một doanh nghiệp lớn. Lúc đó ông có hỏi ở đây có ai nghĩ mình đặc biệt không? Và tôi đã giơ tay. Khi tôi nói mình chuẩn bị thi Olympic toàn quốc, ông đã móc túi thưởng ngay cho tôi 1 triệu đồng, số tiền đủ dùng cả hai tháng ăn ở trọ", anh nhớ lại. Và ngày đoạt giải trở về, Anh Đức cũng được ông mời làm việc chính thức khi bạn chỉ mới là sinh viên năm ba.
Và Anh Đức thăng tiến dần. Ở hầu hết các môi trường như cơ quan nhà nước, công ty liên doanh rồi tư nhân, anh đều tiến lên vị trí top đầu với thu nhập ở mức nhiều người trầm trồ. Anh từng là phó tổng giám đốc phụ trách tài chính ở một công ty thủy điện lớn, là người được chọn đàm phán với Chính phủ Lào.
Một kỷ niệm mà Anh Đức nhớ mãi là ngày đầu tiên trở thành tổng giám đốc một công ty và được cấp ôtô riêng, anh đã chạy thẳng về quán cơm bụi gắn với thời sinh viên để hồi tưởng những tham vọng, mong ước ngày nào.
Song song với làm việc, Anh Đức cũng lấy tấm bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 2015.
Anh Đức biết đau đáu trong mình luôn là hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng. "Ông bà ngoại theo nghề giáo, nên ông bà luôn mong một ai đó đi theo nghề của mình", Anh Đức nói về một trong những lý do chính khiến anh chọn con đường mới để theo đuổi cũng như hoàn thành bằng tiến sĩ.
Và con đường mới của Anh Đức càng thêm vững chãi khi nhận được sự hỗ trợ của vợ, dù cả hai đều biết mức thu nhập sẽ khó được như cũ. Anh Đức sau đó trở thành phó viện trưởng phụ trách Viện Giáo dục kỹ năng và trí tuệ sáng tạo (ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội). Gần đây anh chuyển về Trường ĐH Kinh tế quốc dân và hiện là giảng viên tại Viện Thương mại và kinh tế quốc tế.
Mong muốn của Anh Đức ở thời điểm hiện tại là bằng những nỗ lực của bản thân, anh sẽ thay đổi góc nhìn của mọi người về mình từ "doanh nhân" sang "giảng viên", góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học ngày càng mạnh mẽ trong sinh viên. Và một ước mơ khác là kéo được nhiều người tài gốc Việt quay về phụng sự cho quê hương.
Hỏi Anh Đức có lo lắng về việc chuyển hướng từ con đường đang thành công là kinh doanh sang học thuật, anh cười to: "Trước giờ tôi vẫn chọn những bài toán khó nhất để giải trước nên rủi ro chưa bao giờ khiến tôi lo sợ. Ngược lại, tôi coi đó là động lực để buộc mình phải cố gắng hơn".
"Do Anh Đức đã có thời gian dài đi làm nên các bài giảng chắc chắn sẽ đậm nét thực tiễn, góp phần tạo hứng thú và truyền cảm hứng cho sinh viên. Các kiến thức thực tiễn cũng sẽ giúp Anh Đức cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, đề xuất các nghiên cứu mới gần với yêu cầu xã hội hơn. Đây là vốn kinh nghiệm mà không nhiều giảng viên có được" - TS Trương Ngọc Kiểm (bí thư Đoàn ĐHQG Hà Nội).
"Trong một xã hội mở và cạnh tranh như hiện nay, giáo dục và con người là chìa khóa cho mọi bứt phá, đó là điều tôi đúc kết được sau thời gian dài học tập, làm việc cả trong nước lẫn nước ngoài. Sự chọn lựa của anh càng ý nghĩa hơn khi hiện nay mức thu nhập nói chung của những người làm trong ngành sư phạm còn khá khiêm tốn" - thạc sĩ Chu Tiến Anh, một trong những người tài được Anh Đức truyền cảm hứng và quyết định về nước cống hiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận