11/09/2020 10:21 GMT+7

Chàng thanh niên Mường và nông sản sạch

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - "Hiền như cục bột, hòa đồng nhưng rất kiệm lời" là suy nghĩ của nhiều đại biểu diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 (do Trung ương Đoàn tổ chức) về gương mặt 9X Nguyễn Trung Kiên...

Chàng thanh niên Mường và nông sản sạch - Ảnh 1.

Bạn Nguyễn Trung Kiên khi đi thực tế nông trại - Ảnh: NVCC

Trải qua quá khứ với ngập tràn biến cố vì mẹ mất sớm, bố ngày đêm chìm trong men rượu nên cả gia đình ít được ai tôn trọng, xót xa nhìn 3 người chị lần lượt rời cổng trường sớm, Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, tỉnh Hòa Bình) quyết tâm vượt lên nghịch cảnh.

"Hiền như cục bột, hòa đồng nhưng rất kiệm lời" là suy nghĩ của nhiều đại biểu diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 (do Trung ương Đoàn tổ chức) về gương mặt 9X Nguyễn Trung Kiên đến từ vùng đất núi xen lẫn mây Hòa Bình.

Tôi may mắn có những người bạn rất ủng hộ hướng đi của tôi, có người thậm chí còn nói tôi cứ lấy hàng của họ về bán trước rồi có tiền thì thanh toán sau.

NGUYỄN TRUNG KIÊN

Quyết vẽ lại cuộc đời

"Tôi sợ và áp lực lắm, thậm chí lúc nhận được thư mời từ ban tổ chức thì phân vân mãi câu hỏi có nên đi hay không vì điều mình làm được vẫn còn quá nhỏ bé so với thành tích đáng kể của nhiều đại biểu xuất chúng khác", ông chủ trẻ của bốn cửa hàng nhỏ ở tỉnh Hòa Bình nhớ lại.

Nhút nhát là vậy nhưng ít ai biết chân dung bên trong bạn hoàn toàn ngược lại.

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, trong đó hết 3 người không thể học hành đến nơi đến chốn vì quá nghèo, mẹ mất sớm, cả nhà chen chúc trong một mái nhà sàn xiêu vẹo theo thời gian...

"Nhưng nỗi đau lớn nhất về mặt tinh thần có lẽ là việc bố tôi luôn rượu chè sớm tối. Thấy bố tôi như vậy, nhiều người đã không tôn trọng bố lẫn chị em chúng tôi. 

Rất tủi thân nhưng những khi mệt mỏi, nản lòng thì đó lại thành động lực vực bản thân dậy, buộc mình phải cố gắng, phải học tiếp để sau này có một công việc, vị trí mà không ai coi thường gia đình mình nữa", Trung Kiên chia sẻ về lý do luôn là học sinh giỏi thời đi học, quyết tâm không bỏ học dù đạp xe đường núi đồi đầy hiểm trở và từng đi bộ 15 cây số từ bến xe thành phố về nhà (do cấp III bạn học nội trú cách nhà 80 cây số).

Không chỉ dừng ở bằng trung học mà Trung Kiên còn quyết tâm phải thi đỗ đại học mặc những tiếng phì cười, lắc đầu của những người xung quanh. 

Một số người hỏi học nhiều làm chi khi cuối cùng cũng sẽ về làm ruộng như chúng bạn đồng trang lứa, rồi làm sao một thanh niên đồng bào chẳng có mối quan hệ nào có thể "sống sót" ở chốn thành thị đầy bon chen...

Trung Kiên mặc kệ, lặng lẽ học và năm 2009 bạn trở thành một trong những thí sinh đầu tiên ở xã Độc Lập (tỉnh Hòa Bình) đỗ đại học hệ chính quy.

Vào giảng đường Trường đại học Văn hóa Hà Nội, ban ngày Trung Kiên đến trường, khoảng thời gian còn lại bạn lăn lộn qua các công việc từ bảo vệ đến bưng bê, phụ quán, buôn bán quần áo dạo... để có tiền trang trải việc học.

"Sinh ra trong nghịch cảnh vậy mà trên gương mặt đó luôn nở nụ cười lạc quan. Trung Kiên với tôi là một tấm gương đầy nghị lực vì học trò nơi đây ít em nào có đủ nghị lực, niềm tin để vươn lên, theo đuổi việc học. Em còn quay trở về quê hương để hi vọng đóng góp, thay đổi cuộc sống của nhiều người. 

Có thể những điều em làm chưa phải là thành quả lớn lao nhưng với tôi, em chính là một tấm gương tiêu biểu về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng để giới trẻ vùng cao noi theo" - cô Bùi Thị Nhi (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú cấp I-II Độc Lập) nói về một trong những ký ức đẹp nhất sau 30 năm theo đuổi sự nghiệp giảng dạy.

Mong ước ấm no cho đồng bào

Rời giảng đường với điểm số trung bình 7,7/10, Trung Kiên sau đó kiếm được việc ở một công ty bảo vệ thực vật tại Hà Nội. Năm 2015, tình cờ trong những lần ra ruộng để thử thuốc và tổ chức một số hội thảo giới thiệu thuốc, tập huấn cho bà con nông dân... 

Trung Kiên vừa cảm nhận được sự gần gũi, càng làm càng say mê. Bên cạnh đó, Trung Kiên sửng sốt khi nhận ra có những vùng người dân chỉ trồng rau nhưng đời sống của họ vẫn khá giả (chẳng hạn như vùng Đông Anh, Mê Linh...).

"Điều đó thôi thúc tôi phải nghiên cứu, học hỏi để có thể cải thiện cuộc sống người dân quê nhà, nơi có nhiều đất đai và lao động nhưng bao năm qua mọi người vẫn khá vất vả khi sống chỉ phụ thuộc vào ngô và lúa, sống và suy nghĩ còn đơn giản, ít nghĩ về câu chuyện giải pháp hiệu quả. 

Mùa nào thời tiết khắc nghiệt thì coi như mất trắng", Trung Kiên nói về quyết định trở lại Hòa Bình để mở cửa hàng đầu tiên chuyên kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật và thu mua sản phẩm (đặc biệt là bí)... vào tháng 6-2016. Sản phẩm của Trung Kiên sau đó được phân phối về các thị trường như Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên...

Không dừng ở việc kinh doanh nông sản, Trung Kiên sau đó mở thêm các siêu thị mini cung cấp nhu yếu phẩm giá rẻ cho bà con vùng cao với sự đồng hành của người vợ gốc Campuchia đồng thời là bạn học thời đại học. 

Hiện tổng số cửa hàng, siêu thị mini của hai vợ chồng nhích lên con số 4 sau nhiều nhọc nhằn, thử thách, đem lại nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên trong khu vực.

Vừa kinh doanh, hai vợ chồng cùng nhau nuôi con nhỏ và học tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Campuchia từ nhau. 

Khi vốn tiếng Anh kha khá, Trung Kiên mở lớp học nhỏ dạy cho trẻ em gần nhà. Với khởi nghiệp, Trung Kiên cho biết bạn ý thức bản thân là dân "ngoại đạo", còn thiếu và yếu nhiều thứ nên thường đọc nhiều sách để có thể cập nhật, bổ sung kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp.

Chàng thanh niên Mường và nông sản sạch - Ảnh 3.
Chàng trai mồ côi khởi nghiệp với dế Chàng trai mồ côi khởi nghiệp với dế '3 sạch'

TTO - Với số tiền 1 triệu đồng tích cóp từ việc làm thêm, Quý bắt đầu từ 5 khay dế nuôi thử nghiệm trong phòng trọ. Thử nghiệm thành công, Quý mạnh dạn bắt tay vào đầu tư chuồng trại.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp