Nhà Trần Văn Hóa là một căn nhà cấp 4 tạm bợ rộng chưa đến 6m2 nằm lọt thỏm trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM), chỉ vừa đủ một chiếc xe máy lách qua một cách khó nhọc. Đây cũng là nơi lực sĩ hạng ba châu Á Trần Văn Hóa sống cùng sáu người thân.
Nặng gánh mưu sinh từ tuổi 12
Khi được hỏi về tuổi thơ, đôi mắt Hóa thoáng một nỗi buồn xa xăm. “Cha mẹ tôi vốn quê miền Tây nhưng lên TP.HCM những năm đầu sau giải phóng và sống bằng nghề buôn bán “chợ trời”. Tôi theo cha khi gia đình tan vỡ năm tôi 6 tuổi. Năm tôi 12 tuổi thì cha đột ngột qua đời. Tôi phải bỏ học vào cuộc mưu sinh và có lúc gần như lêu lổng. Sau đó, tôi theo nhóm bạn trong xóm đi múa lân kiếm tiền. Dù làm việc cật lực đến hết tết nhưng chúng tôi cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng. Rồi tôi vừa học nghề, vừa sửa xe bên lề đường để kiếm thêm” - giọng Hóa như nghẹn lại.
Bước ngoặt cuộc đời Hóa đến vào năm 2002 khi anh được HLV Trần Thanh Phong của Trung tâm TDTT quận 4 phát hiện tài năng cử tạ. Hóa nói: “Lúc mới 10 tuổi, tôi đã có thể hai tay gánh hai can nước 30 lít đi như bay. Nhưng tôi theo cử tạ chỉ để được ăn và tập miễn phí. Tiền kiếm được từ sửa xe lề đường tôi gửi mẹ phụ gia đình. Có lúc vì quá sức, tôi đã bị choáng lúc tập luyện”.
Đến thời điểm này tiền lương, chế độ VĐV của Hóa đều dồn vào việc ăn uống để duy trì sức khỏe cho cơ thể gần 100kg và thuốc men dinh dưỡng phục vụ tập luyện, thi đấu. Còn lại, Hóa gửi cho mẹ già lo cho gia đình bữa cơm, bữa cháo.
Cách đây hai năm, người anh rể đột ngột qua đời để lại chị của Hóa trong tình trạng mất sức lao động vì phỏng làm biến dạng gương mặt, ngực, tay... cùng hai con nhỏ. Hằng ngày, chị của Hóa phải bán trà đá ở bến xe khu vực công viên 23-9 chẳng được bao nhiêu tiền. Thế là Hóa phải choàng luôn bổn phận trả nợ “vay nóng” lo đám tang cho chồng của chị. Hiện nay cả gia đình bảy người của Hóa phải sống chen chúc trong căn nhà chật hẹp. Vì quá chật, Hóa chỉ về nhà lúc ăn cơm, còn tối phải ngủ nhờ nhà bạn để dành “chỗ thở” cho người thân. Nhưng nỗi lo nhất đối với Hóa là gánh nặng nợ nần chưa biết bao giờ mới dứt.
Lửa thử vàng
Để có được thành công hôm nay, Hóa đã trải qua rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng anh gục ngã. Sau một năm tập cử tạ, Hóa được nhận vào tuyển năng khiếu TP.HCM với mức lương 960.000 đồng/tháng. Dù không nhiều nhưng bấy nhiêu cũng đủ để Hóa chú tâm tập luyện. Thành tích luôn ở đỉnh cao cử tạ VN nhưng kỳ lạ là Hóa không đoạt được HCV nào ở các giải trẻ trong nước.
Hóa nói: “Lúc tôi thua vì non kinh nghiệm, khi gặp chấn thương, lúc bị loại oan ức... Có lúc tôi nản chí và muốn bỏ nghề, nhưng tôi nghĩ nếu bỏ nghề thì chẳng khác nào là kẻ thua cuộc bỏ chạy. Tôi không bao giờ bỏ chạy”. Thế là Hóa lao vào tập luyện “như điên” với khối lượng không tưởng của nhiều VĐV VN. Sau hai chuyến tập huấn tại Bulgaria và Trung Quốc, thành tích của Hóa càng tiến bộ. Đó cũng là lúc hai bàn tay và xương ức chai sạn vì sức nặng đòn tạ, ống chân đầy sẹo vì những vết cắt...
Như để thử sức chịu đựng của Hóa, anh còn phải chịu chấn thương lưng và sốt thương hàn trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc 2006. Vậy mà Hóa vẫn trốn bệnh viện đi thi đấu, đoạt ba HCĐ trong trạng thái “đầu lơ lửng trên trời” rồi trở vào nằm viện tiếp.Trước thềm SEA Games 2007, khi hừng hực khí thế sẽ giành huy chương cho VN thì Hóa lại phải nằm viện để mổ ruột thừa.
Nhưng những trớ trêu ấy không cản được Hóa tiếp tục niềm đam mê chinh phục trọng lượng những quả tạ khổng lồ. Và cột mốc quốc tế đầu tiên của Hóa chính là chiếc HCĐ hạng 85kg tại SEA Games 2009, để rồi những năm sau anh chuyển màu huy chương từ đồng sang bạc tại SEA Games 2011 và 2013 ở hạng cân 94kg.
Chưa dừng ở đó, Hóa còn làm nên kỳ tích khi đoạt 2 HCĐ hạng cân 94kg tại Giải vô địch cử tạ châu Á 2013, đây cũng là huy chương đầu tiên của cử tạ VN tại đấu trường châu lục hạng cân này. Ở VN, thành tích của Hóa (hạng cân sở trường 94kg) có thể thắng cả những VĐV hạng cân nặng nhất +105kg.
Đến nay, Hóa đã có bộ sưu tập huy chương mà bất cứ VĐV cử tạ nào cũng phải mơ ước. Dù cuộc sống vẫn còn chật vật nhưng Hóa vẫn khiến nhiều người khâm phục khi biết rằng anh từng từ chối những lời đề nghị “mua” huy chương của anh với giá ngất ngưởng. Hóa nói: “Tôi đến với cử tạ không chỉ vì mưu sinh mà còn là đam mê, danh dự. Tôi không muốn phải cúi mặt đi hết phần đời còn lại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận