Nguyễn Lạc Hà trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Hoàng Dũng |
26 tuổi, Hà có tên trong năm công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành hóa trong hai năm qua và đang chờ ngày bảo vệ luận án tiến sĩ.
Nhìn lại chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, Lạc Hà bắt đầu bằng chữ “duyên”.
* Trên Facebook, Hà có vẻ là người hiểu biết về văn học và lịch sử?
- Khoảng hai năm trước, Hà có nhiều thời gian tham gia mạng xã hội để chia sẻ sở thích và mối quan tâm cá nhân. Thật ra từ thời phổ thông, Hà yêu thích cũng như học khá tốt môn văn. Năm lớp 12 Hà thi học sinh giỏi môn sử cấp quốc gia. Đến khi đậu ĐH khối A, tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, Hà vẫn không nghĩ mình sẽ dấn thân vào con đường nghiên cứu hóa học. Vậy mà mối duyên lại dẫn dắt mình tới hóa học!
* Duyên gì khiến một người mê văn, sử lại đi nghiên cứu hóa học?
- Năm 2011 Hà tốt nghiệp loại giỏi khoa công nghệ, bộ môn kỹ thuật hóa học ĐH Cần Thơ, sớm hơn chương trình học nửa năm.
Đúng lúc đó Hà biết đến chương trình tiến sĩ MANAR của ĐH Quốc gia TP.HCM, với định hướng tuyển chọn và đưa nghiên cứu sinh (NCS) vào Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM làm việc trong môi trường nghiên cứu chuẩn quốc tế. Vậy là Hà thử nộp hồ sơ, đi phỏng vấn và cuối cùng trúng tuyển.
Điều thú vị là những người bạn ngày xưa rủ mình thi vào kỹ thuật hóa sau khi tốt nghiệp thì đi làm, còn mình lại có duyên nghiên cứu tiếp. Hà thấy đi làm cũng tốt, nhưng với việc học lên mình có thể “nâng cấp” và thay đổi bản thân.
* Làm thế nào bạn có năm công trình khoa học được công bố trong hai năm?
- Hai năm chỉ là khoảng thời gian công bố. Để có năm công trình được công bố, Hà đã có quá trình chuẩn bị bắt đầu từ ba năm trước với vô vàn khó khăn và nỗ lực. Tại INOMAR những ngày đầu, chuyên gia trong nước chưa thật sự chuyên sâu, chuyên gia nước ngoài hỗ trợ trung tâm chủ yếu làm việc từ xa, yêu cầu khả năng tự học của NCS cao.
Trước tính chất và cường độ nghiên cứu, phân nửa số NCS tại trung tâm bỏ cuộc. Hà bám trụ và mất ba năm để lao vào bao nhiêu đề tài non nớt, vô nghĩa. Những thất bại liên tiếp là khoảng thời gian quý giá cho người mới như Hà.
Khó khăn có, nhưng cơ hội đến với mình cũng nhiều. Tại trung tâm, ĐH Quốc gia đã hỗ trợ rất nhiều, từ miễn học phí, cấp học bổng đến trang bị máy móc, hóa chất làm việc. NCS được tạo điều kiện thuận lợi để học hỏi thầy cô trong nước và làm việc với các chuyên gia đến từ ĐH California, Berkeley (Mỹ). Đó gần như là môi trường lý tưởng cho nghiên cứu.
Vượt qua thời gian thử thách, năm 2014 ý tưởng nghiên cứu bắt đầu tốt hơn. Năm 2015, Hà có công trình đầu tiên được công bố ở vị trí đồng tác giả, sau đó Hà tham gia và triển khai đề tài với các nhóm khác. Sau chuyến đi Mỹ, Hà bắt tay vào nghiên cứu vật liệu cấu trúc 2D làm chất xúc tác quá trình sản xuất thủy tinh hữu cơ. Hai năm sau, đề tài đó trở thành công trình có chỉ số ảnh hưởng tốt nhất là 13.
* Những công trình Hà đang theo đuổi có ý nghĩa khoa học, giá trị ứng dụng như thế nào?
- Trong năm công trình Hà đứng tên tác giả chính và đồng tác giả, mỗi công trình có nét độc đáo riêng. Nhưng điểm chung là đều nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu khung hữu cơ kim loại.
Một trong các đặc điểm nổi bật của loại vật liệu này là diện tích bề mặt cực lớn (hàng ngàn mét vuông cho 1g vật liệu - PV), có độ xốp rất cao, và vì vậy có khả năng lưu trữ các loại khí độc không nên xả thẳng ra môi trường như carbonic hoặc các loại khí đốt dồi dào trong tự nhiên như methane, hidro làm nhiên liệu cho ôtô...
Hiện các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu thiết kế những vật liệu tốt hơn, có khả năng tái sử dụng nhiều lần, mức tiêu thụ năng lượng thấp và thân thiện môi trường. Khi đó nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) giảm dần, góp phần giải quyết bài toán môi trường và năng lượng. Đó là một trong những hướng nghiên cứu chính tại INOMAR mà Hà ấp ủ.
* Sau thời gian nghiên cứu, học tập tại Mỹ và Nga, Hà thu lượm được gì mới?
- Trong chương trình đào tạo tiến sĩ MANAR, ĐH Quốc gia hợp tác với các trường ĐH uy tín trên thế giới. Một số NCS có tiềm năng được mời thực tập ở các phòng thí nghiệm “liên hiệp quốc” gồm những người giỏi đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Hà ấn tượng nhất với chuyến đi sáu tháng tại phòng thí nghiệm của GS Omar M.Yaghi ở ĐH California, Berkeley (Mỹ). Tại đó, Hà được mở rộng tầm nhìn, sống trong văn hóa nghiên cứu kiểu Mỹ, tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu giỏi, học hỏi mọi người cách tư duy...
Hà nhận thấy sinh viên, NCS người Mỹ có phản xạ tự nhiên là khi muốn gì họ thẳng thắn, lập tức bày tỏ, dù đó là giáo sư lớn hay giảng viên tại trường. Ngược lại, giáo sư, giảng viên luôn cầu thị, lắng nghe học trò và nhiều phía.
Có lần GS M.Yaghi bực mình với Hà, ông nói: “Tôi trả tiền, lo chi phí để cậu bay từ VN sang đây. Đây là cơ hội học tập. Tại sao cậu muốn hỏi mà không dám nói?”. Hà rất tâm đắc điều này và đang cố gắng thay đổi.
* Cuối cùng, Hà có gợi ý gì cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học?
- Muốn làm nghiên cứu, đam mê là quan trọng nhất. Dĩ nhiên, đam mê có thể xây dựng dần dần nếu mình dành thời gian tìm hiểu. Ngoài ra, người làm nghiên cứu phải có khả năng xây dựng và theo đuổi kế hoạch, có lối sống ngăn nắp, sắp xếp logic, đặc biệt là vững niềm tin và thật quyết tâm.
Khi đã vào guồng nghiên cứu, không nên bó buộc một hướng. Cứ mở rộng các hướng nghiên cứu, kết hợp với đồng nghiệp, vừa để phát triển bản thân, vừa thúc đẩy văn hóa hợp tác trong tập thể.
Chuyện chỉ mới bắt đầu GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, từng hướng dẫn Nguyễn Lạc Hà tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM những ngày đầu tiên, cho biết: “Sau năm năm trau dồi nghiên cứu tại INOMAR và có cơ hội đi Mỹ, Lạc Hà giờ đã trưởng thành, không cần tôi nữa (cười). Anh ấy có thể độc lập, tự tìm hướng nghiên cứu, giải quyết vấn đề. Đó là tố chất thích hợp cho nghiên cứu khoa học. Với đam mê tôi thấy ở Hà, anh ấy có thể tiến xa hơn trên con đường này. Những bài báo của Hà có hàm lượng khoa học cao, được cộng đồng khoa học thế giới đón nhận, thông qua quá trình phản biện kín độc lập. Tuy nhiên, phía trước trên con đường nghiên cứu khoa học còn rất nhiều chông gai, mong Hà bền bỉ vượt qua. Chuyện chỉ mới bắt đầu”. |
Nguyễn Lạc Hà là NCS tại INOMAR. Tính đến tháng 11-2016, Hà là đồng tác giả trong bốn bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành hóa học quốc tế, với tổng chỉ số ảnh hưởng là 41,6. Riêng công trình Hà là tác giả chính có chỉ số ảnh hưởng là 13,038 - khá cao trong giới nghiên cứu về vật liệu khung hữu cơ kim loại tại VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận