23/11/2024 23:14 GMT+7

Chàng chó của Yoko Tawada 'một nơi rất đẹp rất thơ mà cũng có thể rất nhơ nhớp rất tục'

Chàng chó đặt ra những câu hỏi về sự chuyển biến bản sắc văn hóa và hành trình tìm kiếm bản ngã, mời gọi mỗi độc giả tự tìm lời giải đáp cho chính mình.

Chàng chó của Yoko Tawada 'một nơi rất đẹp rất thơ mà cũng có thể rất nhơ nhớp rất tục' - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (phải) và tiến sĩ Hồ Khánh Vân tại buổi ra mắt sách Chàng chó - Ảnh: THƯỢNG KHẢI

Tối 23-11, tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM diễn ra buổi ra mắt sách Chàng chó của tác giả Yoko Tawada.

Chàng chó được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Yoko Tawada, giúp tác giả đoạt giải Akutagawa vào năm 1993, nhưng đây cũng là tác phẩm hiện thực huyền ảo khó giải mã.

Những bản ngã đối lập đầy mê hoặc trong Chàng chó

Trong lời giới thiệu của Chàng chó, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu viết: “Mình không có gì cố định mà là kết nối. Đi không phải là tìm kiếm bản ngã, mà mở bản ngã ra thành nhiều bản ngã trên những ngả đường khác nhau”.

Chàng chó của Yoko Tawada 'một nơi rất đẹp rất thơ mà cũng có thể rất nhơ nhớp rất tục' - Ảnh 2.

Cuốn Chàng chó của Yoko Tawada - Ảnh: THƯỢNG KHẢI

Yoko Tawada mở ra nhiều bản ngã đối lập đầy mê hoặc trên con đường của bà, dẫn dắt độc giả đến “một nơi rất đẹp rất thơ mà cũng có thể rất nhơ nhớp rất tục”, thông qua hai truyện ngắn Bản nguyênChàng chó trong Chàng chó.

Theo ông Nhật Chiêu, lằn ranh căn tính dân tộc và cuộc tìm kiếm bản nguyên của loài người trong Chàng chó khiến mỗi người vật lộn trong mối tương quan dân tộc tính.

Tác phẩm phản ánh rõ nét sự đổ vỡ của đức tin, những tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, cùng cảm giác lạc lõng, vô định của con người trong một thế giới không còn căn tính hay bản ngã rõ ràng.

Ngoài ra mô típ người lấy động vật trong truyện đời xưa vốn quen thuộc ở nhiều nền văn hóa được xử lý trong Chàng chó rất mới lạ, có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm không đồng nhất, đang được bạn đọc Việt Nam quan tâm.

Qua Chàng chó, nhà văn Yoko Tawada khéo léo khơi gợi những suy tư sâu sắc về vấn đề nhân dạng của con người trong thời hiện đại. Bà đặt ra những câu hỏi về sự chuyển biến bản sắc văn hóa và hành trình tìm kiếm bản ngã, mời gọi mỗi độc giả tự tìm lời giải đáp cho chính mình.

AI là muôn người trong một người

Sau khi đọc cuốn Chàng chó, có độc giả hỏi đâu là chỗ phân biệt giữa con người và con vật, trong đó có loài trí tuệ nhân tạo AI do chính con người tạo ra.

Chàng chó của Yoko Tawada 'một nơi rất đẹp rất thơ mà cũng có thể rất nhơ nhớp rất tục' - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ tại buổi ra mắt sách Chàng chó - Ảnh: THƯỢNG KHẢI

Ông Nhật Chiêu chia sẻ: "Trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển mạnh mẽ, không ai rõ được đâu là thật hay giả trên mạng xã hội, thậm chí lời bình văn học do AI viết còn hơn hẳn các giáo viên văn nghiệp dư.

Con người không có căn tính cố định, bởi chúng ta luôn biến đổi và định hình bản thân qua trải nghiệm, văn hóa, và lịch sử cá nhân. Thế hệ trẻ sẽ còn chứng kiến sự phát triển ngày càng vượt trội của AI, thí dụ AI tạo ra con người giả lập mà con người không thể nhận ra nổi.

AI là muôn người trong một người, muôn bộ óc thông minh trong một bộ óc. Nó sẽ đặt ra những vấn đề căn tính mới".

Ông cho rằng những tác phẩm Yoko Tawada khiến độc giả đặt ra câu hỏi như vậy, chứng tỏ bà là nhà văn có sức mạnh khai phá những chiều sâu trong tâm trí người đọc.

Chàng chó của YoKo Tawada phản ánh sự đổ vỡ đức tin trong con người - Ảnh 4.

Tiến sĩ Hồ Khánh Vân - Ảnh: THƯỢNG KHẢI

Văn chương của bà vượt qua ranh giới giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ, và cả ranh giới giữa con người và những thực thể khác.

Tiến sĩ Hồ Khánh Vân đồng quan điểm, bày tỏ: "Nỗi lo âu cạnh tranh với AI vốn xuất phát từ thời kỳ phát minh ra máy giặt, máy hút bụi...

Tuy nhiên, những nhà phát triển trí tuệ nhân tạo thường khuyên rằng con người không nên quá lo âu.

Nếu AI đảm nhận những công việc mà chúng ta đang làm, thì con người sẽ tiếp tục sáng tạo ra những lĩnh vực mới để làm.

Bà nhấn mạnh: "Điều đáng lo ngại hơn, như Yoko Tawada thường đề cập trong các tác phẩm của mình là ở vấn đề sinh thái. Khi nói về các loài, chúng ta cần nhìn nhận theo hướng bình đẳng và xem xét mối quan hệ giữa các loài trong hệ sinh thái.

Đây mới thực sự là thách thức lớn, đòi hỏi sự tỉnh thức và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường sống chung".

Yoko Tawada sinh năm 1960, là một tiểu thuyết gia người Nhật, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đức. Bà sáng tác bằng cả tiếng Nhật và tiếng Đức.

Trong sự nghiệp văn học của mình, bà nhiều lần nhận được những giải thưởng danh giá như giải Gunzo năm 1991, Akutagawa năm 1993, Tanizaki năm 2003, giải Sách quốc gia Mỹ ở hạng Văn học dịch năm 2018...

Ở Đức, bà nhận giải Chamiso năm 1996, Huy chương Goethe năm 2005, giải Văn học Kleist năm 2006, sau đó hai năm bà nhận Huy chương Carl Zuckmayer...

Chàng chó của YoKo Tawada phản ánh sự đổ vỡ đức tin trong con người - Ảnh 5.Sự giao thoa giữa thiền và thơ haiku trong Ba nghìn thế giới thơm

Theo nhà văn Nhật Chiêu, sở dĩ thơ haiku trở nên phổ biến như hiện nay chính là nhờ ảnh hưởng sâu sắc của tinh thần thiền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp