Tranh minh họa. Nguồn: onceokuloncesi.com
Trẻ ở tuổi tập đi rất hay bị ngã và trẻ bị ngã ở tư thế đang đi hay chạy trên mặt đất thường không gây chấn thương đầu nghiêm trọng. Ngã thường nghiêm trọng khi ngã xuống vài bậc cầu thang, rơi từ bàn xuống sàn cứng, ngã từ giường xuống một bề mặt cứng hoặc đầu bị va đập vào cạnh giường. Nếu cảm thấy bất an, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
Các triệu chứng của chấn thương sọ não:
Ngoài vết thương, những triệu chứng khác của chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Tri giác thay đổi như mất ý thức tạm thời, lú lẫn hoặc lơ mơ.
- Nạn nhân có thể có cơn co giật ngắn. Tình trạng của nạn nhân có thể cải thiện được một lát và sau đó tri giác xấu dần đi.
- Biến dạng hộp sọ là dấu hiệu của vỡ xương sọ.
- Chảy dịch trong từ tai hoặc mũi-vỡ xương sọ, đặc biệt là vỡ nền sọ, có thể khiến dịch não tủy chảy ra từ tai hoặc mũi.
- Bầm tím mắt và da phía sau tai-các mạch máu xung quanh mắt và tai bị vỡ.
- Thay đổi thị lực, trẻ có thể bảo nhìn 1 vật thành 2, bóng hoặc nhìn mờ.
- Buồn nôn và nôn - đây là những tác dụng phụ thường gặp của chấn thương sọ não nghiêm trọng và phải luôn chú ý nếu thấy nó diễn ra dai dẳng.
Sơ cứu khi trẻ còn tỉnh:
Khuyến khích trẻ bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ. Vết thương trên đầu có thể chảy máu nhiều, cần cầm máu vết thương bằng cách ấn trực tiếp và băng. Trong khi kiểm tra vết thương, tránh nhầm với cục máu đông hình thành trong tóc. Trấn an trẻ và cố gắng giữ bình tĩnh.
Sơ cứu khi trẻ bất tỉnh:
Không nên di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác.
Nên theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân cho đến khi xe cứu thương tới. Nếu trẻ thở yếu đi do có vấn đề với đường hô hấp, để ngửa đầu trẻ ra sau và nâng đỡ một cách thật thận trọng cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở hoặc không bắt được mạch, có thể cần hồi sức tim phổi (CPR).
Phòng ngừa té ngã:
Thông thường trẻ té ngã là do sự bất cẩn của người chăm sóc và sự tò mò, hiếu động của trẻ. Vì vậy, trong việc chăm sóc trẻ cần chú ý:
- Phải luôn có người quan sát trẻ nhỏ; đặt trẻ nhỏ trong cũi gỗ nếu không có người trông coi.
- Rào hoặc có thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công (chiều cao rào tối thiểu 75 cm, song dọc, khoảng cách giữa các song không quá 15 cm).
- Có đủ ánh sáng để dễ quan sát ở bậc thềm, cầu thang;
- Dạy trẻ không xô đẩy, không leo trèo;
- Nếu trẻ đã biết lật, bò, ngồi, đi thì không nên để trẻ một mình trên võng, giường; không để trẻ đứng trên ghế hoặc vật không vững;
- Không để sàn nhà trơn trượt, ẩm ướt; không để đồ chơi xa tầm với của trẻ;
- Không có hành động chơi đùa nguy hiểm như xốc ngược, tung trẻ; không để trẻ dưới 10 tuổi trông em dưới 3 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận