01/10/2016 10:05 GMT+7

Chấn thương dây chằng chéo trước: khi nào cần mổ?

 BS HUỲNH ĐẮC VŨ (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
BS HUỲNH ĐẮC VŨ (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)

TT - Tổn thương dây chằng chéo trước là loại chấn thương rất phổ biến trong nhiều môn thể thao, nhất là bóng đá. Trong nhiều trường hợp, người bị chấn thương cần phải phẫu thuật mới lành hẳn được. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tưởng chừng tổn thương nặng nhưng chưa cần mổ.

Người chơi bóng đá thường bị tổn thương dây chằng chéo trước.Ảnh: GETTY IMAGES
Người chơi bóng đá thường bị tổn thương dây chằng chéo trước.Ảnh: GETTY IMAGES

Bàn về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Đắc Vũ (khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Dây chằng chéo trước là thành phần quan trọng trong việc giữ vững khớp gối, giữ khớp gối không trượt ra trước và xoay. Đứt dây chằng chéo trước là loại tổn thương thường gặp nhất trong chấn thương khớp gối. Nguyên nhân thường do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt, biểu hiện qua việc sưng đau hạn chế vận động khớp gối, lỏng gối, teo cơ đùi...

Về giải phẫu, dây chằng chéo trước có hai bó là bó trước trong và bó sau ngoài. Khi đứt bán phần dây chằng chéo trước có thể một bó bị đứt, còn bó còn lại có thể vẫn giữ vững được khớp gối không trượt ra trước, vẫn giúp khớp gối không bị trật xoay.

Dây chằng chéo trước bị đứt được phát hiện qua thăm khám (các nghiệm pháp đánh giá mức độ mất vững khớp như ngăn kéo trước, Lachman, Pivot shift) và chụp cộng hưởng từ MRI.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp sau chấn thương hoặc sau đợt đau khớp ở người lớn tuổi được chụp MRI khớp gối với kết quả đứt bán phần dây chằng chéo trước. Trường hợp này có thể do dịch viêm sau chấn thương hoặc do thoái hóa làm thay đổi tín hiệu cấu trúc dây chằng chéo trước trên MRI. Về đại thể, có thể dây chằng chéo trước không đứt, vẫn còn chức năng giữ vững khớp gối. Vì thế, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo là chưa cần thiết.

Do đó kết quả cận lâm sàng chỉ có tính chất tham khảo. Việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật dựa vào nhiều yếu tố như lứa tuổi, nhu cầu hoạt động nhiều (nghề nghiệp, môn thể thao yêu thích...), mức độ mất vững khớp gối mà có chỉ định phẫu thuật khi dây chằng bị đứt. Trong đó, thăm khám khớp gối đánh giá sự mất vững là rất quan trọng.

Vì vậy khi bệnh nhân có biểu hiện đau khớp gối kèm với kết quả MRI đứt bán phần dây chằng chéo trước, nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám đánh giá và tư vấn điều trị phẫu thuật hay không, cũng như được hướng dẫn các bài tập nhóm cơ quanh gối trong trường hợp điều trị bảo tồn.

BS HUỲNH ĐẮC VŨ (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp