Theo TS Hùng, điều quan trọng nhất trong hợp đồng liên danh, liên kết, hợp tác kinh doanh (gọi chung là hợp tác) - lấy ví dụ giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS - là xác định được giá thị trường thực sự của sản phẩm định mua (robot Rosa và robot Mako) là bao nhiêu.
Đây không phải hàng hóa thông dụng nên phải thuê Công ty VFS thẩm định giá thiết bị. Các bên liên quan muốn thổi phồng giá thiết bị chắc chắn phải có sự thông đồng từ Công ty VFS. Cần điều tra và xử lý nghiêm đơn vị thẩm định giá để răn đe các công ty khác.
TS Nguyễn Việt Hùng
* Thưa ông, ở các hợp đồng như Bệnh viện Bạch Mai với Công ty BMS, có thể thực hiện đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị hợp tác cung cấp dịch vụ được không?
- Hoàn toàn có thể đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp hợp tác cung cấp thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công. Luật đấu thầu quy định với các cơ sở y tế công lập như Bệnh viện Bạch Mai khi dùng nguồn tiền như ngân sách nhà nước cấp, từ quỹ bảo hiểm y tế, thu từ bệnh nhân... đều phải đấu thầu.
Như vậy các hợp đồng hợp tác theo dạng xã hội hóa để cung ứng thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh đều phải đấu thầu công khai.
Theo đó, trước khi mua robot Rosa, robot Mako, Bệnh viện Bạch Mai phải duyệt kế hoạch đấu thầu, hình thức chọn thầu, phải có dự toán, giá gói thầu. Việc lập dự toán giá gói thầu trước khi đấu thầu sẽ căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của máy móc.
Chắc chắn không có hoạt động đầu tư nào mà người mua lại không biết giá mua, dùng bao lâu, thu hồi vốn thế nào để bảo đảm lợi nhuận.
* Như vậy, nếu Bệnh viện Bạch Mai, nơi đại diện cho người bệnh, phải làm thật tốt việc đấu thầu sẽ bảo vệ quyền lợi của người bệnh?
- Bệnh viện không có đồng nào không đồng nghĩa với việc Công ty BMS đưa ra giá thiết bị bao nhiêu cũng chấp nhận. Vì một thiết bị giá càng đắt thì chi phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân càng cao, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai không thể chấp nhận giá thiết bị đầu vào với bất cứ giá nào.
Ở một số nước, khi các nhà đầu tư thực hiện dự án, họ đều kiểm toán tài sản đầu tư là bao nhiêu, có đúng giá thị trường không, trường hợp chi phí đầu tư cao hơn giá thị trường sẽ không được chấp nhận. Vì nếu để vậy nhà đầu tư sẽ không còn lợi nhuận, nhà nước không thu được thuế từ nhà đầu tư.
Vì vậy, với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập, đại diện cho quyền lợi của người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm xác định giá thị trường của robot Rosa, robot Mako để vừa hợp tác, vừa bảo đảm quyền lợi người bệnh.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa vận hành máy xét nghiệm COVID-19, máy vừa được mua hồi tháng 4 để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
* Có quan điểm cho rằng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS chỉ hợp tác kinh doanh, không có bên mua, bên bán thì sao phải thực hiện đấu thầu, có đúng không?
- Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công nên phải có trách nhiệm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thấp nhất. Đây không phải là hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài khu vực công nên cần phải đấu thầu. Mục đích cuối cùng là tạo sự cạnh tranh, công bằng, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.
Một ngày Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 6.000 bệnh nhân đến khám bệnh và khoảng 4.000 bệnh nhân nội trú, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh là rất lớn.
Bệnh viện sử dụng nguồn tiền thu từ dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân để chi trả cho doanh nghiệp - một hình thức gián tiếp chi trả chi phí đầu tư máy móc thiết bị nên phải làm theo Luật đấu thầu, phải minh bạch trong mua bán.
Muốn đấu thầu, Bệnh viện Bạch Mai phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá để xác định giá trước khi lựa chọn đơn vị hợp tác.
Luật đấu thầu 2014 quy định mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập phải thực hiện đấu thầu. Làm theo Luật đấu thầu chỉ đem lại cạnh tranh, hiệu quả thôi.
* Ông Nguyễn Tiến Thỏa (chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam):
Có thể xác định chính xác giá thiết bị thông qua thẩm định giá
Để thẩm định giá trong các vụ việc hợp tác có thể thẩm định giá robot Rosa, robot Mako theo phương pháp chi phí để xác định giá mua.
Với phương pháp này, giá thiết bị mua vào bao gồm giá nhập khẩu thiết bị, chi phí vận chuyển thiết bị từ cảng về bệnh viện, chi phí lắp đặt, hướng dẫn, các khoản thuế, phí, lợi nhuận của doanh nghiệp cung cấp thiết bị. Bên cạnh đó, cũng có thể áp dụng phương pháp so sánh thị trường để xác định chi phí mua thiết bị.
Theo quy định về thẩm định giá, với các thiết bị có tính đặc thù trong ngành y tế như robot Rosa, robot Mako, bên thẩm định phải áp dụng song song cả hai phương pháp chi phí và so sánh để đối chiếu, xác định chính xác giá thiết bị mua vào.
Doanh nghiệp thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép, phải thực hiện chức năng thẩm định theo các quy định Nhà nước ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định giá của mình.
Trường hợp xác định giá theo hai phương pháp này nhưng vẫn chênh gấp nhiều lần giá thiết bị nhập khẩu, như vậy công ty thẩm định giá đã làm sai, không tuân thủ quy trình, áp dụng phương pháp không đúng, hoặc thông đồng giữa các bên để kê khống, nâng giá cao hơn mặt bằng thị trường.
Trường hợp Bệnh viện Bạch Mai không có gói thầu tương tự trong vòng 6 tháng trước thời điểm mua thiết bị, có thể kéo dài thời hạn để tìm kiếm giá trúng thầu thiết bị tương tự làm cơ sở so sánh, xác định giá mua robot Rosa, robot Mako.
* Giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội (vừa chấm trúng thầu gói vật tư tiêu hao do Công ty BMS cung cấp):
Nên công khai kết quả đấu thầu trang thiết bị và vật tư
Chúng tôi tổ chức đấu thầu qua mạng, Công ty BMS có giá hợp lý và cung ứng đủ theo yêu cầu nên đã trúng thầu. Hiện nay, quy định là tổ chức đấu thầu qua mạng với 25% tổng chi phí mua sắm cho bệnh viện, tôi cho rằng đây là hình thức đấu thầu hiệu quả, hồ sơ doanh nghiệp đưa lên mạng cũng chặt chẽ rồi.
Trước đây chúng tôi đấu thầu theo giá trúng thầu của Trung tâm mua sắm tài sản công Hà Nội, nhưng hiện nay tự chủ, cứ nhà cung cấp nào có giá rẻ nhất, hàng hóa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chủng loại thì mua.
Trước đây chúng tôi cũng thực hiện theo hình thức ban giám đốc giao một phó giám đốc thẩm định, một phó giám đốc tư vấn, giám đốc ký, gần đây thấy như vậy là không chắc chắn, các khâu tư vấn, thẩm định chúng tôi thuê chuyên gia hay công ty có chức năng hết.
Nhưng thực tế cho thấy có công ty có chức năng thẩm định giá rồi, giá vẫn cao, rất khó. Bởi vậy chúng tôi mong Bộ Y tế công bố giá trúng thầu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao toàn quốc lên mạng để các bệnh viện có nhu cầu mua sắm so sánh.
Hiện nay cũng có thông tin về gói thầu trên mạng nhưng không đầy đủ, không như đấu thầu thuốc kết quả trúng thầu toàn quốc đã được đưa lên mạng. Nếu không công khai bệnh viện sẽ khó biết các nơi khác mua giá nào, trong khi chẳng nhà cung cấp nào công bố giá nhập khẩu (giá CIF) mà họ đã báo cho cơ quan hải quan.
Tình hình này, nói thật là giám đốc các bệnh viện đều e ngại. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm xem giá các nơi khác thế nào, nếu có chỗ rẻ hơn nữa, chúng tôi sẽ đàm phán lại với nhà cung cấp.
Quy định là hợp đồng ký rồi vẫn có thể đàm phán lại, chưa kể chúng tôi mua vật tư tiêu hao nên gọi hàng đến đâu, trả tiền đến đấy, nên có thể đàm phán ở các đợt trả tiền sau này. Chúng tôi sẽ xem xét lại giá các gói đã mua và cả mới trúng thầu, nhưng nếu có công cụ để tra cứu từ trước khi đấu thầu sẽ tốt hơn. LAN ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận