Đặc biệt, thịt ngoại sẽ dễ dàng tràn vào VN khi thuế giảm nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của VN lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), khẳng định như vậy tại diễn đàn kinh doanh “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” do Tổng hội Nông nghiệp VN và Cafef tổ chức tại TP.HCM ngày 21-11.
Theo ông Tuấn, trước khi tham gia TPP, VN đã nhập khẩu từ các quốc gia TPP như Mỹ, Úc và New Zealand - những thành viên trong TPP - từ 30-60% tổng lượng nhập khẩu các mặt hàng thịt bò, gà và thức ăn chăn nuôi.
Do đó, khi thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm xuống theo quy định của TPP, sản phẩm thịt từ các quốc gia TPP như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand... chắc chắn sẽ tràn vào VN, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước.
Ở chiều ngược lại, ngành chăn nuôi và chế biến thịt của VN không dễ thâm nhập các thị trường cao cấp này do vướng phải các hàng rào kỹ thuật rất cao. Cụ thể, các quốc gia như Nhật, Mỹ, Canada có từ 200-500 chỉ tiêu về kỹ thuật khác nhau mà hàng VN phải vượt qua nếu muốn xuất khẩu vào nước họ.
Đó là một rào cản không dễ dàng thực hiện trong bối cảnh ngành chăn nuôi VN vẫn còn nhỏ lẻ, lạc hậu. Ngoài ra, trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi có xu hướng ngày càng giảm, các loại nguyên liệu đầu vào tăng lên khiến giá thành cao, VN càng khó khăn hơn trong cạnh tranh với các quốc gia chăn nuôi quy mô lớn trong TPP.
Do đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, chỉ còn cách hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất trên quy mô lớn, giảm giá thành và tăng chất lượng thì mới tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, các chính sách hỗ trợ đầu tư thật sự dài hơi, khả thi thay vì chính sách trên giấy tờ. Cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp trong nước hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bởi theo tính toán, các doanh nghiệp nông nghiệp nội địa đem lại sức lan tỏa đến thu nhập của nông dân và nền kinh tế cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận