07/10/2015 09:06 GMT+7

Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhất khi TPP có hiệu lực

CẦM VĂN KÌNH (dangdv@tuoitre.com.vn)
CẦM VĂN KÌNH ([email protected])

TT - “Có thể nói chăn nuôi sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực” - ông Vũ Huy Hoàng bộ trưởng Bộ Công thương nhận định.

Được dự báo có mức tăng trưởng 20-30%/năm khi TPP có hiệu lực, nhưng thách thức lớn nhất của ngành da giày hiện nay là phải giải được bài toán giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công Ty CP đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (Bình Dương)      - Ảnh: Thanh Tùng
Được dự báo có mức tăng trưởng 20-30%/năm khi TPP có hiệu lực, nhưng thách thức lớn nhất của ngành da giày hiện nay là phải giải được bài toán giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công Ty CP đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (Bình Dương) - Ảnh: Thanh Tùng

Ngày 6-10, trong thông báo tóm tắt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố, Bộ Công thương khẳng định TPP “sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh, nâng cao minh bạch hóa, giảm nghèo tại các nước…”.

Trước đó, trong trả lời Thông tấn xã VN tại Atlanta (Mỹ) ngay sau khi kết thúc đàm phán, ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết trên cơ sở tính toán của các chuyên gia độc lập, TPP sẽ giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.

Theo ông Hoàng, việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo ra cú hích lớn đối với hoạt động xuất khẩu của VN. Ngoài ra, với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước, TPP sẽ giúp VN tiếp tục hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính...

Dệt may thuận lợi, nông nghiệp gặp khó

Trong báo cáo giới thiệu tóm tắt về TPP, Bộ Công thương cho biết ngay khi hiệp định có hiệu lực, các nước sẽ xóa bỏ phần lớn thuế đối với hàng công nghiệp, trong đó có dệt may - mặt hàng VN có thế mạnh.

Tuy nhiên, hàng dệt may muốn hưởng ưu đãi phải sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP. Đặc biệt, TPP chấp thuận cơ chế “nguồn cung thiếu hụt”, cho phép doanh nghiệp sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực và vẫn được hưởng ưu đãi.

Cũng theo Bộ Công thương, các nước nhất trí sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu và các loại thuế không phù hợp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu duy trì yêu cầu cấp phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu, phải thông báo cho các thành viên còn lại về quy trình để không làm chậm sự lưu thông thương mại.

Điều này đồng nghĩa rằng các biện pháp như áp giấy phép nhập khẩu tự động, chẳng hạn với các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu mà VN đang áp, sẽ không dễ dàng được áp dụng với các nước TPP.

Đặc biệt, các nước TPP cũng thống nhất sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế và các chính sách mang tính hạn chế khác để gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, chẳng hạn như xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản...

Theo ông Vũ Huy Hoàng, dù VN có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh trong một số ngành nghề chưa thật sự tốt, như ngành chăn nuôi.

“Có thể nói chăn nuôi sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực” - ông Hoàng nhận định, nhưng trấn an rằng các nền kinh tế TPP có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu của VN.

Bộ Công thương cũng cho biết TPP cũng thống nhất nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử khi xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật. Có nghĩa tiêu chuẩn kỹ thuật của một quốc gia cho hàng hóa xuất khẩu cơ bản sẽ tương đương với hàng sản xuất trong nước.

Và để cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các nước nhất trí xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp. Các thành viên TPP phải đảm bảo một khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố các quy định kỹ thuật với thời điểm có hiệu lực để các doanh nghiệp có đủ thời gian đáp ứng.

Nguồn: Hiệp hội Da giày VN, Tổng cục Hải quan - Đồ họa: Tấn Đạt

Thay đổi nếu muốn tận dụng cơ hội

Đa số thành viên tham gia TPP là các quốc gia đã phát triển. Do đó, theo Bộ Công thương, có rất nhiều điểm VN sẽ phải thay đổi để thích ứng. Chẳng hạn, các nước TPP cam kết không yêu cầu như hàm lượng nội địa hoặc tỉ lệ nội địa hóa công nghệ, các doanh nghiệp cũng sẽ được tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không cần quan tâm đến quốc tịch...

Đặc biệt, các thành viên TPP cũng cam kết không hỗ trợ phi thương mại cho các doanh nghiệp nhà nước khiến ảnh hưởng đến quốc gia TPP khác.

Cũng theo Bộ Công thương, TPP khẳng định quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của người lao động, chấp thuận có những luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.

Riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thành viên cam kết sẽ thiết lập một trang web thân thiện dành để các đối tượng này tiếp cận các thông tin về TPP...

Đặc biệt, sẽ lập Ủy ban doanh nghiệp vừa và nhỏ để họp định kỳ nhằm rà soát mức độ hỗ trợ từ TPP cho các doanh nghiệp này, như tư vấn xuất khẩu, đào tạo; chia sẻ thông tin; cấp vốn thương mại và các hoạt động khác...

Bộ Công thương cũng cho biết TPP có riêng một chương về tự vệ thương mại, trong đó có đưa ra một cơ chế tự vệ tạm thời cho phép một thành viên thực hiện biện pháp tự vệ nếu việc nhập khẩu tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, do kết quả của việc cắt giảm thuế được thực hiện theo TPP. “Biện pháp tự vệ này có thể được duy trì 2 năm, gia hạn 1 năm” - báo cáo cho biết. Tuy nhiên, nước áp dụng biện pháp tự vệ sẽ phải thông báo và tham vấn các nước khác, thậm chí sẽ phải chịu một khoản bồi thường được các bên thống nhất.

Về thương mại điện tử, các thành viên TPP đồng ý không yêu cầu các doanh nghiệp trong TPP phải thiết lập các trung tâm dữ liệu như là một điều kiện để được hoạt động, đồng thời nghiêm cấm việc áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm kỹ thuật số, yêu cầu có các biện pháp để chấm dứt các tin nhắn thương mại điện tử được gửi đi mà không hề có yêu cầu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, TPP quy định khuyến khích các nước thúc đẩy thương mại không cần giấy tờ, như các mẫu khai thuế điện tử, chữ ký điện tử...

Đặc biệt, trong các chương trình mua sắm chính phủ, các quốc gia thành viên cũng cam kết không phân biệt đối xử và các nước sẽ phải công bố thông tin kịp thời để các nhà cung cấp trong TPP có đủ thời gian nhận được hồ sơ dự thầu và nộp bản chào thầu.

TPP cũng nhấn mạnh các nước sẽ phải có hệ thống chế tài mạnh, kể cả hình sự đối với tội giả mạo nhãn hiệu và vi phạm bản quyền. Ngoài ra, các nước TPP cũng cam kết minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Nông sản, dịch vụ lo gặp khó

Theo ông Văn Đức Mười - tổng giám đốc Vissan, với việc mở cửa thị trường nông sản VN theo cam kết TPP, ngành chăn nuôi VN chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của Mỹ, Úc và New Zealand.

Tuy nhiên, người tiêu dùng VN sẽ có cơ hội sử dụng nhiều loại thực phẩm với giá rẻ và phong phú hơn, nhất là các sản phẩm bơ sữa, trái cây ôn đới như táo, cam hay thịt bò.

Trong khi đó luật sư Fred Burke, Công ty luật Baker & McKenzie, cho rằng việc mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết TPP sẽ là cơ hội cho các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới “đổ bộ” vào thị trường VN.

Do đó, chắc chắn các đơn vị cung cấp dịch vụ nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất thị phần rất lớn.

Các doanh nghiệp thành viên TPP cũng được phép giao dịch thông qua các hệ thống thương mại điện tử mà không cần thiết lập đại diện thương mại tại từng quốc gia, nên người tiêu dùng VN sẽ dễ dàng mua hàng từ các nước hơn so với hiện nay nhưng lại là thách thức với ngành thuế VN.

NHƯ BÌNH

Ít nhất 18 tháng mới có hiệu lực

Trao đổi với TTXVN sau buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn hiệp định.

Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu 18 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian để các nước tham gia chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tốt hiệp định.

Còn theo đại diện AmCham tại TP.HCM, hiệp định cần được ký kết và phê chuẩn bởi 12 quốc gia tham gia, một tiến trình có thể mất nhiều tháng.

“Với quy định của luật pháp Hoa Kỳ, đến tháng 8-2016 TPP mới được phê chuẩn” - đại diện AmCham cho biết. Nếu thuận lợi, sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2017 các nước mới chính thức ký kết TPP. Và có thể đến năm 2018, hiệp định này mới được thực hiện.

Trả lời Tuổi Trẻ về nội dung cụ thể và các biểu thuế cho các mặt hàng theo cam kết, ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết các nước TPP thống nhất chưa công bố mà phải chờ rà soát xong văn kiện và các biểu cam kết của cả 12 nước.

Do vậy, đoàn đàm phán chưa thể phát biểu về nội dung cam kết cụ thể. Trong khi đó, thông cáo báo chí của Bộ Công thương cho biết “các nước TPP sẽ cố gắng hoàn tất việc rà soát pháp lý các văn kiện của hiệp định trong thời gian sớm nhất để có thể sớm công bố rộng rãi các cam kết về mở cửa thị trường tới người dân và các doanh nghiệp”.

NH.BÌNH - C.V.K.

CẦM VĂN KÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp