Phát biểu tại hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chống khủng bố kết thúc hôm qua tại Sydney, Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis cho biết đại diện các nước trong khu vực đã thống nhất một khuôn khổ chung gồm năm điểm để đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Theo AFP, một trong những điểm này là vai trò của cộng đồng trước thách thức công tác tuyên truyền khủng bố của các tổ chức khủng bố, đồng thời xây dựng năng lực của các tổ chức địa phương để “đề cao tiếng nói không cực đoan”.
Hội nghị hai ngày với sự tham dự của đại diện gần 30 quốc gia và lãnh thổ trong khu vực và lãnh đạo của các trang mạng lớn như Facebook, Google và Twitter, tập trung vào những thách thức nhằm ngăn chặn công tác tuyên truyền của các chiến binh thánh chiến, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thông qua mạng trực tuyến và truyền thông xã hội. Ông Brandis cho rằng đây là vấn đề cấp bách nhất mà chính phủ các nước đang phải đối mặt.
Trong phát biểu trước đó, bà Julie Bishop, ngoại trưởng Úc, cho biết gia đình, bạn bè và cha mẹ của những người có nguy cơ bị lún vào cực đoan có thể tham gia chống lại các hình thức quảng bá và lôi kéo qua mạng của những tên khủng bố.
Bà chỉ rõ: “Tổ chức kiểu như IS sử dụng nhiều kỹ thuật giống của những kẻ săn tìm tình dục trên mạng, tìm cách đe dọa con mồi của mình không được tiết lộ nội dung các cuộc trao đổi hoặc việc cải đạo với cha mẹ hoặc bạn bè”.
Hôm qua, theo Reuters, phía Úc cho biết nước này sẽ mở rộng chiến dịch truy quét các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan với luật an ninh nghiêm ngặt hơn.
Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng khẳng định luật mới được giới thiệu vào cuối năm nay sẽ phù hợp với mối đe dọa khủng bố đang phát triển trong thời gian gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận