Cúng sao giải hạn đã thành một cái lệ phổ biến tại nhiều chùa trong Nam ngoài Bắc vào dịp đầu năm. Trong ảnh: hàng trăm người chen nhau cúng vái, dâng lễ ở phủ Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tìm hiểu việc cúng tại các chùa ở Hà Nội, chúng tôi được biết chùa Trấn Quốc năm nay tổ chức 13 buổi cầu an trong tháng giêng. Chi phí cho một gia đình muốn làm lễ cầu an là 500.000 đồng.
Chùa Bà Đá trong tháng giêng tổ chức 6 buổi lễ cầu an. Theo bà Mùi, một người chấp pháp (giúp việc nhà chùa) tại chùa Bà Đá, chi phí cầu an cho mỗi gia đình là 200.000 đồng. Tuy nhiên, cũng theo bà, "chả có chùa nào giải hạn được. Chùa nào mà giải hạn được cho người ta thì có mà người ta chen nhau giải hạn tới đổ chùa"!
Vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo VN. Nếu giáo hội làm triệt để, nghiêm túc thì chắc chắn các chùa sẽ phải thực hiện.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
"Biển người" chờ đợi suất giải hạn
Nhưng so với chùa Phúc Khánh, những con số trên hoàn toàn "không thấm vào đâu" so với số lượng người cầu an, giải hạn tại đây. Theo một tiến sĩ sử học, chùa Phúc Khánh bắt đầu hút đông người đến làm lễ cầu an, giải hạn từ khoảng 20 năm trước, khi ngôi chùa này mời được những quan chức nhà nước tới tham dự lễ cầu an đầu năm. Kể từ đó, khách kéo đến mỗi năm một đông, với niềm tin rằng ngôi chùa này rất thiêng có thể giúp giải hạn cho mọi người.
Mấy năm gần đây người đến lễ cầu an, giải hạn đông tới mức có cả một "biển người" tràn ra khắp vỉa hè, lòng đường, thậm chí tràn ra cả cây cầu vượt phía trước mặt chùa Phúc Khánh.
GS.TS Đỗ Quang Hưng - nguyên viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, sống gần chùa Phúc Khánh - cho biết mỗi khi chùa này làm lễ cầu an, giải hạn ông đều phải đi vòng vèo thêm vài con phố mới về được nhà, bởi đường phố trước cửa chùa bị tê liệt trước dòng người ngồi lễ trên đường. Theo ông, tệ dâng sao giải hạn hiện nay có thể nói "đã lên đến cực điểm".
Lý do dẫn đến điều này, theo GS Hưng, đến từ cả phía người dân và nhà chùa. Từ phía người dân, cái vô thức tập thể, tâm lý đám đông rất mạnh của người Việt nên đã dẫn tới hiện tượng "lạ lùng" này. Từ phía nhà chùa, trong hai thập kỷ nay, trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh thì Phật giáo có lợi thế hơn nhiều so với các tôn giáo còn lại, nên dịch vụ tâm linh có cơ hội phát triển mạnh.
Và một lý do quan trọng hơn đã đẩy phong trào dâng sao giải hạn lên cao là chuyện lợi ích kinh tế quá lớn cho các nhà chùa. Theo GS Hưng, giá tiền các chùa thu của những người muốn làm lễ cầu an, giải hạn hiện nay là "quá phi lý".
Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - gọi tín ngưỡng dân gian này là một sự cuồng tín được đẩy đi quá xa do các cơ sở tín ngưỡng đã lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần kiên quyết
Trong khi nhiều vị hòa thượng ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần lượt lên tiếng khẳng định chuyện dâng sao giải hạn chỉ là tín ngưỡng dân gian, hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại không có sự chỉ đạo nào với các chùa thuộc giáo hội về việc cúng dâng sao giải hạn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến, để dẹp nạn cuồng tín cầu cúng dâng sao giải hạn, vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội cần ra thông cáo chính thức gửi tới các tín đồ phật tử rằng chuyện dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật mà chỉ là tín ngưỡng dân gian. Giáo hội phải có lời khuyên người dân không nên đến chùa cúng dâng sao giải hạn. Còn với các chùa thuộc giáo hội, giáo hội cần nghiêm cấm việc dâng sao giải hạn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn thống nhất quan điểm này. Ông cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần kiên quyết, có những hình thức như văn bản khuyến cáo tới tất cả các chùa bỏ cúng dâng sao giải hạn.
Theo GS Đỗ Quang Hưng, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng ra văn bản về hạn chế đốt vàng mã trong nhà chùa là rất tốt, và ông mong chờ giáo hội có văn bản tương tự với nạn dâng sao giải hạn tràn lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận