Trong truyền thống tín ngưỡng dân gian, nhất là trong việc thờ cúng tổ tiên, vàng mã từng mang ý nghĩa biểu tượng rất trang trọng, biểu thị tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên ông bà và mang ý nghĩa giáo dục con cháu...
Ý nghĩa đẹp như thế nhưng hiện đang trở thành lố bịch khi được sử dụng tràn lan, theo xu hướng mê tín, cầu đảo lợi lộc, khá phổ biến trong xã hội. Nó được sử dụng đầy rẫy khắp các lễ hội hay ở các di tích, đền chùa lớn do Nhà nước quản lý. Đó đích thị là mê tín, thậm chí cuồng tín.
Đáng tiếc là đi đầu cho sự mê tín ấy có không ít cán bộ, đảng viên. Không cần nói ra người dân cũng biết vào dịp tết, ngày rằm và cả trước những kỳ bầu bán, không khó lắm để nghe và thấy chuyện cán bộ đi cúng kiếng, cầu khẩn...
Lẽ ra, những vị cán bộ ấy phải đi đầu, làm gương trong chuyện thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại; xây dựng cho mình uy tín trong xã hội bằng chính năng lực, đường lối thân dân và các mục tiêu phụng sự xã hội.
Theo tôi, những hiện tượng vàng mã xấu tệ như bây giờ bắt nguồn từ sự suy đồi về mặt đạo đức xã hội. Đạo đức xã hội đang xuống cấp. Lòng tin bị suy thoái. Yếu tố tin tưởng vào cuộc sống hiện tại không vững chắc. Thành ra con người ngả sang xu hướng mê tín.
Giải pháp đặt ra, theo tôi không nên cấm đoán một cách cưỡng ép, hay dùng những biện pháp hành chính vì chỉ dẹp được biểu hiện bề mặt, còn chiều sâu sẽ còn tồn tại và tiếp tục biến tướng.
Do đó, trước tiên phải giải quyết cho được vấn đề dân trí, phải bắt đầu từ giáo dục ở trường học và vận động ngoài xã hội. Phải chấn chỉnh ngay tất cả lễ hội do Nhà nước tổ chức, không để các hiện tượng đó diễn ra.
Tất cả di tích phải cương quyết với nạn đốt vàng mã. Còn cán bộ, đảng viên phải làm gương để tác động tích cực đến người dân.
Ở một tầm cao hơn, cần thiết phải đặt ra chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc, phải làm sống dậy giá trị tốt đẹp mang tính cổ truyền từng tồn tại hàng ngàn năm. Phong tục thì rất khó thay đổi mà chỉ nên đưa phong tục về đúng giá trị biểu tượng.
Ở đây, phải đánh giá những gì có giá trị biểu tượng tốt để khuyến khích người dân gìn giữ, cũng như hạn chế, loại bỏ những thói xấu. Chuẩn bị cho đề cương báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới đây, tôi nghĩ rằng cần phải có chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc.
Trước đây, theo tôi được biết, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đặt ra chiến lược chấn hưng này. Song nhiều ý kiến khác cho rằng văn hóa chỉ đang tồn tại những khuyết điểm/khuyết tật nhỏ chứ không phải là sự đổ vỡ nên không cần phải chấn hưng.
Tôi cho rằng toàn bộ vấn đề của xã hội VN bộc lộ rất rõ rằng văn hóa dân tộc đang xuống cấp. Và khi nói xuống cấp thì không thể bồi bổ theo lối xây dựng văn hóa mới, mà đi liền với những xây dựng các lề lối văn minh thì phải tập trung nỗ lực lớn để chấn hưng văn hóa dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận