Những chuyến xe buýt chật kín khách như thế này rất dễ để kẻ xấu lợi dụng quấy rối tình dục - Ảnh: Nguyễn Công Thành |
Đừng làm ngơ với người xấu
Em gái tôi kể đi xe buýt có lần bị một người trung niên khoảng 30 tuổi đưa tay đụng chạm vào chỗ nhạy cảm trên cơ thể. Em tôi đã phản ứng nhưng trên xe đang đông người mà không ai can thiệp nói hộ một tiếng, đối tượng được nước lấn tới và còn hăm dọa “chờ xuống xe sẽ tính sổ”.
Em tôi rút kinh nghiệm lần đó, mỗi khi đi xe buýt thường mặc áo khoác, ngồi sau bác tài, nơi dễ phát hiện nếu bị quấy rối tình dục.
Nạn nhân bị quấy rối tình dục trên xe buýt phần lớn là nữ sinh viên, học sinh. Họ thường “chịu trận”, không lên tiếng phản ứng ngay chuyện này vì nghĩ đây là chuyện tế nhị, ngại và xấu hổ khi nói ra, phản ứng lại cũng không được giải quyết mà còn bị đối tượng hành hung do không thể đưa ra bằng chứng.
Không chỉ nạn nhân bị quấy rối tình dục trên xe buýt, nhiều người đi xe buýt bị móc túi, trấn lột... cũng chỉ biết im lặng chịu đựng. Người đi xe thấy những hình ảnh xấu này cũng không lên tiếng tố giác do không muốn rắc rối, sợ bị trả thù.
Thiết nghĩ những hình ảnh xấu này sẽ giảm nếu nhiều người đi xe buýt không làm ngơ, một người lên tiếng và nhiều người khác cùng tham gia phản ứng thì kẻ xấu sẽ bị cô lập, rút lui.
Tôi đi xe buýt có lần phát hiện một người đàn ông khoảng 45 tuổi ngồi phía trước rạch túi xách một nữ sinh viên. Tôi đã la lên: “Sao lại rạch túi người ta”. Người đàn ông đó không thực hiện được mục đích, quay ra phía sau giơ tay đưa nắm đấm đòi đánh tôi.
Tôi đã phản ứng mạnh mẽ, chỉ rõ vết rạch trên túi xách nữ sinh viên, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng và có vài thanh niên, nam sinh viên đứng lên hỗ trợ.
Thấy vậy, người đàn ông này lùi về cửa, bước xuống xe sau khi xe tới trạm dừng.
Trang bị khả năng tự bảo vệ
Tôi tán thành với đề xuất của đại diện một hợp tác xã kinh doanh xe buýt tại TP.HCM là lắp đặt camera trên xe. Cụ thể nữa là màn hình tivi đặt ngay tại phía đầu xe, để giúp tất cả hành khách và tiếp viên đều có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra trên xe.
Nó không chỉ ngăn chặn nạn quấy rối tình dục mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm trộm cắp. Ngành vận tải bằng xe buýt cần chủ động dán các bảng hướng dẫn hành khách nữ cách đảm bảo an toàn trong mỗi chuyến xe.
Tiếp viên nên quan tâm nhắc nhở phụ nữ xin đổi chỗ để được ngồi cạnh người cùng giới, khiến kẻ xấu bị cô lập hoặc phải ngồi cạnh đàn ông, hết đường phạm tội.
Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công ty có nhiều lao động nữ cần phối hợp với cơ quan chức năng để tuyên truyền, giáo dục cho nữ thanh niên kỹ năng tự bảo vệ khi đi xe buýt và ở nơi công cộng.
Ví dụ như thường xuyên đeo khẩu trang che kín mặt kể cả lúc ngồi trên xe, ăn mặc lịch sự và kín đáo, nếu điều kiện cho phép thì hẹn nhau đi thành tốp nhiều người có cả nam giới càng tốt. Thực tế cho thấy kẻ xấu thường chỉ có 1-2 người nên rất ngại “ra tay” với những người đi từng nhóm.
Ngành công an cũng cần bố trí trinh sát (có cả nữ) cải trang thành người đi xe buýt, nhằm bắt tại trận những kẻ gây án.
Người dân khi phát hiện hành vi sàm sỡ của kẻ xấu trên xe buýt, trường hợp chưa tìm được cách ngăn chặn thì nên kín đáo ghi hình để cung cấp cho công an làm bằng chứng. Kẻ gian phải sợ người ngay.
Dù có manh động, liều lĩnh, nhưng tội phạm vẫn luôn chùn tay khi chúng ta biết đoàn kết và có biện pháp phù hợp.
Phối hợp nhiều biện pháp Để hạn chế nạn quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng cần nhiều giải pháp với sự tham gia cùng lúc của nhiều cơ quan chức năng. Chẳng hạn như ở New Zealand, ngoài việc các hành vi quấy rối, tấn công tình dục sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật (mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam), đường dây nóng (số 111) của cảnh sát còn kiêm cả nhiệm vụ nhận báo cáo các trường hợp bị quấy rối. Cảnh sát sẽ đến gặp nạn nhân hoặc người tố cáo ngay sau khi nhận được cuộc gọi, hoặc người bị quấy rối có thể đến các văn phòng cảnh sát gần nhất để khai báo sự việc. Đồng thời, các camera được lắp đặt trên một số phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện, hoặc camera giao thông đặt tại các góc đường cũng được sử dụng như một công cụ thu thập chứng cứ chống lại tội phạm quấy rối tình dục khi cần thiết. Nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, cũng là một giải pháp hữu hiệu. Từ nhiều năm nay, các trường học, đặc biệt là các trường đại học tại New Zealand, vấn đề quấy rối luôn được lưu tâm nơi sinh viên mới nhập học thông qua các tài liệu được phát miễn phí, qua các tấm apphich với nội dung chống lại vấn nạn này. Chính sách “Nói không với quấy rối” cũng được các trường áp dụng triệt để, gồm cả không để xảy ra và cả không tha thứ cho hành động quấy rối. Gần như trường nào cũng có văn phòng tiếp nhận các báo cáo về quấy rối và hành động rất nhanh nếu nạn quấy rối xảy ra trong khuôn viên do trường quản lý. Một công tác nữa mà nhiều nước phát triển như New Zealand thực hiện song song với các giải pháp trên khá hiệu quả là mô hình phòng tư vấn, giúp đỡ các nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục, trợ giúp cả về mặt pháp lý lẫn ổn định tinh thần. Các văn phòng hỗ trợ này có ở rất nhiều nơi và thường miễn phí các dịch vụ cơ bản. Thậm chí, một số nơi còn có văn phòng dành riêng cho việc tư vấn với nạn nhân nam, hoặc với trẻ vị thành niên. Nhờ ý thức bảo vệ bản thân tốt, mạnh dạn đứng lên tố cáo cũng như thực hiện các giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc xử phạt, giáo dục cộng đồng lẫn tư vấn tâm lý khi cần thiết mà New Zealand cũng như nhiều nước khác hạn chế nạn quấy rối, tấn công tình dục khá tốt. Đây có lẽ là một bài học cho việc giải quyết vấn nạn này ở Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận