
4 người đàn ông ngăn hẻm đánh bóng bàn khiến xe cộ không thể qua lại - Ảnh: Cắt từ clip
Như Tuổi Trẻ Online thông tin: ngày 28-3, lực lượng cảnh sát giao thông tổ địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM) đã mời làm việc, lập biên bản hai trong bốn người đàn ông chặn đường đánh bóng bàn ở Gò Vấp.
Với hành vi vi phạm "đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ" (điểm b khoản 2 điều 12 nghị định 168/2024), mỗi người sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 250.000 đồng.
Hai người còn lại hiện đang đi tỉnh, không có ở địa phương nên chưa thể mời làm việc, sau khi về sẽ mời xử lý sau.
Trước đó, khoảng 5h55 cùng ngày, tại hẻm 417 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp có bốn người đàn ông treo bạt, dựng lưới xung quanh và đặt bàn bóng bàn để chơi trong khi xe cộ đang qua lại.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, với việc chặn đường có xe cộ đang qua lại để đánh bóng bàn vì sao chỉ phạt mức như trên mà không xử phạt nặng hơn để răn đe?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Tâm, Đoàn luật sư TP.HCM, nêu ý kiến:
- Có thể vì trước giờ không có nhiều trường hợp tương tự bị xử phạt, và cũng có thể vì không phải là số chẵn nên mức phạt 225.000 đồng dành cho hai người chặn đường để đánh bóng bàn ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đang khiến nhiều người thắc mắc.
Cần lưu ý là điều 12 nghị định 168/2024 quy định mức xử phạt cao, thấp khác nhau đối với cá nhân sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè.
Đơn cử, hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo bị phạt 2-3 triệu đồng (khoản 7).
Trong khi đó, hành vi đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ bị phạt từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng (điểm b khoản 2)…
Theo quy định, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Đối chiếu các quy định trên với trường hợp chặn đường để đánh bóng bàn, nếu hai người vi phạm không có tình tiết giảm nhẹ (như đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; do bị ép buộc…), không có tình tiết tăng nặng (như: vi phạm nhiều lần, tái phạm; có tính chất côn đồ…) thì mức phạt đối với mỗi người là: (200.000 đồng + 250.000 đồng): 2 = 225.000 đồng.
Mức phạt từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng nêu trên đã tăng so với quy định cũ (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng).
Lấn chiếm hẻm ăn nhậu, tiệc tùng nên xử phạt nghiêm
Nhiều bạn đọc cho rằng mức phạt đối với những người chặn đường hẻm đánh bóng bàn ở quận Gò Vấp (TP.HCM) chỉ 225.000 đồng là quá nhẹ.
Bạn đọc Tám cho rằng phạt nhẹ quá làm sao răn đe những người khác? Theo bạn đọc Mạnh, phạt nhẹ hều vậy liệu họ có sợ không? "Ý thức kém đến thế mà chỉ phạt vài trăm ngàn, làm sao răn đe người khác", bạn đọc V.H. góp ý thêm.
Theo bạn đọc Hùng, nên nâng mức xử phạt lên cao hơn. "Nên tăng tiền phạt lên 2 - 5 triệu đồng", bạn đọc Hoàng Long đề xuất. Còn tài khoản minh****@gmail.com gợi ý nên phạt mỗi người 3 triệu đồng và đưa ra kiểm điểm trước toàn dân tổ dân phố.
"Việc dựng sân chơi thể thao sai, bị phạt như thế này là đúng, mà sao tôi thấy ăn nhậu, tiệc tùng bày ra hẻm, lòng đường, vỉa hè chưa bị phạt? Vừa ồn ào vừa nguy hiểm và rất không văn minh. Ngày nào ra đường cũng thấy.
Thậm chí đám ma hay đám cưới cũng dựng rạp hết phần đường một chiều. Có nhà năm nào cũng thấy dựng rạp tiệc tùng, họ xem như điều hiển nhiên. Để dẹp tình trạng này, người dân cần báo cơ quan chức năng xử lý thì mới hết được", bạn đọc Huyền góp ý thêm.
TỐ OANH tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận