04/01/2015 10:30 GMT+7

Chân dung “vua Thái”

HOÀNG ÐIỆP
HOÀNG ÐIỆP

TT - Ông Vì Văn Vần, đã 92 tuổi, là người nhiều tuổi nhất bản Ban hiện nay và cũng là người rành rẽ nhất về cuộc sống gia đình vua Thái cuối cùng.

Bởi cha ông Vần là người làm việc trong gia đình “vua Thái”, ông Vần được lớn lên cùng với các con vua Thái là Cầm Văn Dung và Cầm Văn Vinh.

Sách bằng tiếng Thái do ông Cầm Oai viết mà gia đình giữ lại được - Ảnh: H.Điệp

Ông Vần không chỉ giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung mà ông còn được học chữ Thái cổ, thông qua những cuốn sách mà ông Cầm Oai viết hoặc do những người trong dòng họ này viết và đã truyền qua nhiều đời.

Bản đẹp như tranh vẽ

Cho đến giờ thì bản Ban vẫn đẹp. Bởi con đường bám vào chân núi nhìn ra phía trước là cánh đồng xanh mướt có suối nước trong xanh vắt qua cánh đồng đầy tôm cá. Nhà ông Vần nằm sâu trong thung lũng của bản Ban. 92 tuổi đời, ông đã chứng kiến nhiều sự kiện, con người của bản Ban.

Theo ông Vần, sở dĩ bản Ban đẹp bởi nó vốn là nơi sinh sống nhiều đời của dòng họ Cầm, dòng họ thuộc tầng lớp quý tộc của người Thái ở Mai Sơn mà ông Vần và nhiều người dân ở đây từng gọi là “vua Thái”.

Theo lời kể của ông Vì Văn Vần thì “vua Thái” Cầm Oai là người đặc biệt, ông có khả năng thu hút được thú rừng, ông có hẳn một vườn nuôi hàng trăm loại thú rừng ở xung quanh nhà. “Tôi còn nhớ ông Cầm Oai có ôtô nhưng không bao giờ đi mà ông thường đi xe nai. Xe nai là một chiếc xe bằng gỗ có hai bánh bằng cao su nhưng nhỏ hơn xe ngựa. Một cỗ xe nai gồm bốn con nai nhỏ kéo, mỗi khi cần phải đi đâu ra khỏi bản mà không phải đi xa thì ông đều đi bằng xe nai”.

Nhưng ông Vần cũng kể ông Oai không chỉ giỏi thu hút được bầy thú rừng về sống quanh nhà mình mà còn cắt cử người chăn nuôi, chăm sóc chúng. Cứ mỗi người được giao nuôi và chăm sóc một loài vật, và vườn thú của ông Oai có đến vài chục người làm công việc chăm sóc. Bởi vậy, bầy thú cứ đến bữa ăn thì về rồi lại vào rừng, và cả bầy thú quen với nếp sống như thế.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, một người dân lớn lên ở bản Ban, kể ngày còn nhỏ ông vẫn cùng những đứa trẻ trong bản đi tắm ở con suối trước bản Ban, và đã có lần những đứa trẻ chăn trâu thuở ấy tìm thấy bạc nén dưới lòng suối. Người dân bảo đó là bạc của nhà ông “vua Thái”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc này tại bản Ban, những người dân đều nói: “Vua Thái” Cầm Oai rất giàu có, tài sản của ông không chỉ tính bằng bạc mà còn bằng những đàn thú hàng trăm hàng ngàn con mỗi loại.

Đám tang ông Cầm Oai được một nhà khảo cổ Pháp ghi hình -  Ảnh tư liệu gia đình

Viết sách răn người

Một trong những cuốn sách do ông Cầm Oai soạn thể thơ bằng tiếng Thái được rất nhiều người Thái học thuộc và dạy con cháu. “Ðó là Quan xỏm côn (lời răn người) mà ai cũng đọc để dạy cho con cháu mình học. Họ đọc và lưu truyền như thế và giờ nhiều người không còn biết đó chính là những lời viết của ông Cầm Oai” - ông Vì Văn Vần nói.

Còn bà Cầm Thị Chiêu, 76 tuổi, nguyên là cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, đang cố nhớ lại lời bài hát ca ngợi vườn thú của ông Oai bằng tiếng Thái.

“Lâu quá tôi cũng quên mất nhiều lời trong bài hát ấy rồi, nhưng đại ý bài hát kể về vườn thú có hàng trăm loài từ con kiến trên cành cây đến con hươu con nai kiếm ăn bên suối. Chúng chung sống với người và quen với tiếng sáo của ông Oai, mỗi buổi chiều sau ngày làm việc vất vả, ông Oai ngồi xe nai ra một thung lũng và thổi sáo thì hàng trăm con thú từ đâu cùng về vây quanh ông”.

Sau này vườn thú không còn, người ta cũng không còn hát bài hát về vườn thú nữa nên cũng nhiều người quên, bà Chiêu cũng quên nhiều.

Bà Cầm Thị Chiêu kể chuyện này và nói người dân khi ấy cho rằng đến con thú còn được ông Oai thuần phục và hổ báo cũng trở nên thân thiện với người thì cớ gì ông Oai lại hung dữ độc ác với những người đồng loại. Cứ như thế, tiếng tăm của “vua Thái” Cầm Oai giống như một vị “thánh” trong cộng đồng người Thái. Và khi ông Oai mất, danh tiếng của ông để lại cho người con trai là Cầm Văn Dung.

Một trong những cuốn sách ông Oai viết (ông viết liên tục trong những chuyến đi kinh lý, đi đánh giặc hay coi sóc Châu Mường đều được ông ghi chép lại) thì cuốn Quan Xỏm côn vẫn được cộng đồng người Thái sử dụng, trong đó có những câu như sau: “Nha khửn hươn pì noong lặc sáo tê kìn - Nha pìn hìn pìn phà bón hiển - Nha xiểng tan quam lài” (được ông Cầm Văn Sơ, cháu nội ông Cầm Oai, dịch nghĩa như sau: Ðừng lên nhà bạn bè (anh em) tìm tòi (trộm cắp) kiếm ăn - Ðừng leo trèo núi cao hiểm trở - Ðừng nói xấu (xúc xiểm) nhiều lời về người khác).

Đám tang ông Cầm Oai

Sau hơn 40 năm kế tập chức vụ được chuyển từ cha và bản thân ông có nhiều đóng góp cho sự yên bình và thịnh trị của khu vực Mường Mụa (Mai Sơn, Sơn La), năm 1933 ông Cầm Oai qua đời. Ðây là sự kiện được người Pháp đặc biệt quan tâm và trong ký ức của người dân như ông Vì Văn Vần thì đó là một đám tang đặc biệt chưa từng thấy.

“Ðám tang kéo dài hơn một tháng.Các Châu người Thái ở Tây Bắc đều về dự đám tang. Hằng ngày đều mổ trâu bò để cúng, còn lợn và gà vịt thì giết không biết bao nhiêu mà kể. Các Châu Mường đến viếng đám tang đều mang theo lễ vật là trâu, bò và rượu, thuốc phiện và thực phẩm. Họ dự đám tang với gia chủ và ăn uống linh đình” - ông Vần nhớ lại.

Và đám tang của ông Cầm Oai được cho là do bà Madeleine Colani, một nhà khảo cổ học có nhiều đóng góp trong vấn đề khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chụp hình và lưu giữ lại. Hiện những tấm hình này vẫn đang được lưu tại một bảo tàng bên Pháp và gia đình con cháu ông Cầm Oai có sao lại được bộ hình này.

Và để giữ thi hài trong nhà cả tháng tang ma, theo ông Vì Văn Vần, người ta đã chọn một cây gỗ lớn, khoét thân bên trong thành một chiếc quan tài rồi rải phụ liệu ướp xác bên trong, đặt “nhà vua” vào. “Không có hiện tượng xác phân hủy gì cả” - ông Vần nói.

Sau đúng một tháng để trong nhà cho con cháu tỏ hết chữ hiếu, cho những người ở xa kịp về dự lễ tang thì người ta đưa ông Cầm Oai đi hỏa thiêu. Việc hỏa thiêu được thực hiện ngoài trời, đốt bằng củi trong rất nhiều giờ sau đó. Tro cốt của ông Oai được mang sang bên kia cánh đồng và chôn bên một dòng suối. Cạnh đó có một tảng đá lớn khắc ghi tên và công trạng của ông đối với người Thái tại Mai Sơn.

Ông Oai mất, người dân Thái ở Mai Sơn, Sơn La cho biết họ luôn coi ông là vị vua cuối cùng của người Thái.

_________

Kỳ tới: Đầu độc công sứ Pháp

HOÀNG ÐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp