18/10/2024 10:24 GMT+7

Chặn đứng lãng phí tài sản công

Cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng song hành với cuộc chiến chống tham nhũng.

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 1.

Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ án Phạm Công Danh, bị bỏ hoang nhiều năm, một trong những điển hình của nạn lãng phí - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trong bài viết "Chống lãng phí" mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra lãng phí vẫn phổ biến, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển quốc gia. Do vậy cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng song hành với cuộc chiến chống tham nhũng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng chống lãng phí cần được bắt đầu từ khu vực công, đặc biệt là trong quản lý sử dụng tài sản công.

Lãng phí ngàn tỉ đồng từ nhiều dự án công

Từ những công trình y tế quy mô lớn cho đến các khu đô thị hiện đại, hàng loạt dự án đầu tư công đang "đắp chiếu".

Điển hình là hai bệnh viện tuyến trung ương tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Với vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng, hai dự án này khởi công từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2020.

Tuy nhiên đến nay, mặc dù phần xây lắp đã cơ bản hoàn thành nhưng chỉ một phần nhỏ diện tích được đưa vào sử dụng, còn lại vẫn bỏ không và có dấu hiệu xuống cấp.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7-2024, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 mới giải ngân được 2.575 tỉ/4.500 tỉ đồng vốn được giao.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 giải ngân 2.507 tỉ/4.500 tỉ đồng. Đây là minh chứng rõ ràng cho tình trạng "có tiền không tiêu được" trong đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực và làm chậm tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng y tế quốc gia.

Còn tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng, với biệt danh "nhà cánh diều" được đầu tư 100 tỉ đồng vào năm 2004 nhưng vẫn không sử dụng đúng mục đích. Thay vào đó, 10.000m2 mặt bằng của trung tâm đã biến thành kho chứa hàng cho một doanh nghiệp.

Thế còn lãng phí đất đai, đó là vấn đề nhức nhối. Tại huyện Mê Linh, Hà Nội, hàng loạt khu đô thị như Quang Minh 1, Việt Á, BMC, Prime Group đã được khởi công xây dựng từ hơn một thập niên trước, nhưng hiện vẫn đang bỏ hoang.

Hàng trăm biệt thự, nhà liền kề đã hoàn thiện phần thô nhưng không có người ở, tạo nên cảnh tượng "thành phố ma" giữa lòng thủ đô. Chính quyền Hà Nội đã đề xuất thu hồi 14 dự án đô thị với 921,1ha nhưng tiến độ thu hồi rất chậm.

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 2.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng chưa hoàn thiện nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN

Hàng chục ngàn nhà đất công chờ được... sử dụng

Trong lĩnh vực quản lý tài sản công, tình trạng lãng phí cũng nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình như lô "đất vàng" số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Mặc dù nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào lô đất này trong quá trình cổ phần hóa VFS, nhưng do vướng mắc trong định giá đất và xác định giá trị doanh nghiệp, quá trình này đã bị bế tắc, dẫn đến tình trạng lô "đất vàng" tiếp tục bỏ hoang nhiều năm.

Nguyên nhân là do vướng quy định pháp luật. Theo Luật đất đai hiện hành, việc chuyển quyền sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân phải thông qua đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều này gây khó khăn trong việc định giá tài sản nhà, đất công, dẫn đến bế tắc trong quá trình sắp xếp tài sản tại hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp.

Trước tình trạng này, cần có những giải pháp quyết liệt. Việc rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đưa vào sử dụng các công trình đã hoàn thành là những bước đi cấp thiết.

Đồng thời, cần có cơ chế linh hoạt hơn trong việc sắp xếp, xử lý tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn lực quý giá này.

Chỉ khi nào những vấn đề này được giải quyết triệt để mới không còn những "khu đất chết" trên "đất vàng".

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 3.

Do liên quan đến vụ án giao đất, cho thuê đất trái quy định nên nhiều năm qua khu đất 115-117 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM cũng “án binh bất động” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thu hồi các dự án chây ì, lãng phí

Một dạng lãng phí khác là lãng phí trong các dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng thu hồi các dự án đầu tư đã được giao vốn nhiều năm nhưng chưa triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hiện địa phương nào cũng có dự án đầu tư công gây lãng phí, được giao vốn nhiều năm nhưng chưa thực hiện.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này sẽ đưa ra giải pháp mạnh là thu hồi các dự án đầu tư công chậm triển khai để tránh lãng phí nguồn lực nhà nước.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này cũng tăng chế tài với các dự án giải ngân vốn chậm, bổ sung quy định về thưởng đối với các dự án hoàn thành sớm, giải ngân vượt kế hoạch vốn, ông Phương cho biết thêm.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định chống lãng phí là vấn đề lớn của xã hội. Vì vậy cần bắt đầu từ khu vực công trước khi mở rộng ra toàn xã hội.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nêu quan điểm việc chống lãng phí phải gắn với quá trình cải cách thể chế, phải có sự giám sát quyền lực, người ra quyết định đầu tư công.

Trong đầu tư công ngoài các dự án thực sự hiệu quả thì vẫn có những dự án đầu tư không hiệu quả như đầu tư quá nhiều tượng đài, bảo tàng nhưng rất ít du khách ghé thăm, gây lãng phí.

Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, để chống lãng phí trong sử dụng tài sản công trước hết cần đẩy mạnh số hóa tài sản công để quản lý tốt hơn.

Nhiều địa phương đang thực hiện số hóa quản lý công sản như nhà đất, quá trình này cần được đẩy nhanh hơn. Các đơn vị sự nghiệp nhà nước đang quản lý một lượng lớn tài sản công nếu số hóa được tài sản sẽ giúp cơ quan quản lý địa phương dễ kiểm kê tài sản, quản lý được mục đích sử dụng, qua đó khai thác tốt hơn tài sản công.

Ví dụ Công đoàn Việt Nam đang quản lý hàng trăm nhà khách tại tất cả các địa phương, nếu chúng ta số hóa, quản lý chặt chẽ khối tài sản này thì cũng mang lại lợi ích rất lớn cho Nhà nước.

Vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: điển hình lãng phí

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đã đưa ra những nhận định về vấn đề lãng phí tài sản công, đặc biệt là đất công tại Việt Nam. Ông chỉ ra rằng đây là một thực trạng đáng lo ngại đã tồn tại nhiều năm qua.

Để minh họa, ông Sơn đề cập đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam như một ví dụ điển hình.

Ban đầu, việc cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa chỉ tập trung vào việc chiếm hữu các khu "đất vàng" của hãng phim. Sau khi thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, mức độ lãng phí tài sản và đất công trong dự án này càng trở nên rõ ràng.

Ông Sơn nhấn mạnh rằng vấn đề này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, gây tác động tiêu cực đến nguồn lực quốc gia.

Đáng chú ý, việc lãng phí này không chỉ ảnh hưởng đến mặt tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào quá trình cổ phần hóa và quản lý tài sản công.

64.000

Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Trong số này, có hàng ngàn cơ sở đang để không nhiều năm, trong đó có những khu "đất vàng" tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 4.

Khu đất 475 Bạch Đằng (Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ là bãi giữ xe - Ảnh: N.H.

TP.HCM: khắp nơi quây tôn "đất vàng"

Nhiều nhà đất công nằm "chình ình" ở các vị trí vàng tại trung tâm TP.HCM bao năm vẫn bỏ hoang.

Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn làm mất mỹ quan đô thị, thất thu ngân sách, thậm chí tạo gánh nặng ngân sách khi phải duy trì nhân sự trông coi những thửa đất mà đáng lẽ phải là "mỏ vàng" tạo nguồn thu cho ngân sách của TP.HCM.

Bỏ tiền thuê người giữ "đất vàng"

Trong nhiều năm qua, người dân TP.HCM không khỏi ngạc nhiên trước cảnh tượng một khu đất rộng lớn nằm trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh - khu vực sầm uất gần chợ Bà Chiểu - bị bỏ hoang và sử dụng sai mục đích.

Khu đất số 475 Bạch Đằng có diện tích 1.118m², thuộc quyền quản lý của Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, trước đây được cho Công ty FAHASA thuê với giá 50 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, sau khi Thanh tra TP phát hiện giá thuê quá thấp, FAHASA đã ngừng kinh doanh, khiến khu đất bị bỏ trống suốt hơn 5 năm.

Mặt tiền khu đất trở thành nơi kinh doanh cà phê, ẩm thực tự phát của người dân địa phương, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác.

Bên trong, sân khấu Gia Định vốn hoạt động tại đây đã đóng cửa, biến thành nơi cất giữ xe máy không rõ nguồn gốc và hàng hóa. Đơn vị quản lý phải chi tiền thuê bảo vệ trông coi, nhưng khu đất vẫn bị sử dụng sai mục đích, trở thành bãi giữ xe và nơi tập kết hàng rong.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khu đất nhà khách Chính phủ tại số 1 Lý Thái Tổ, có diện tích hơn 3,7ha, nằm ở vị trí đắc địa giáp ranh các quận trung tâm. Khu đất này bị bỏ hoang nhiều năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Cổng chính luôn đóng kín, rác thải tràn lan, trong khi vỉa hè xung quanh trở thành nơi buôn bán hàng rong và tập kết rác. Trong khuôn viên có 7 căn biệt thự cũ chiếm diện tích khoảng 7.000m².

Trước đây, một phần diện tích được cho thuê kinh doanh nhà hàng và sân chơi thể thao, nhưng nay cũng đã đóng cửa.

Sở Tài chính TP.HCM cho biết khu đất nhà khách Chính phủ là tài sản do cơ quan trung ương quản lý.

Trước đó, tài sản này được đưa vào liên doanh, liên kết không đúng quy định, dẫn đến việc Bộ Ngoại giao phải hủy bỏ các hợp đồng, khiến dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí. Hiện nay, UBND TP.HCM và Bộ Ngoại giao đã thống nhất báo cáo Bộ Tài chính về việc chuyển giao tài sản cho TP.HCM quản lý.

Tình trạng bỏ hoang các khu đất công có giá trị lớn gây xót xa cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân đường Bạch Đằng, bày tỏ sự tiếc nuối khi khu đất thuộc ngành văn hóa bị bỏ không, không có hoạt động văn hóa, thể thao nào được tổ chức, mà lại biến thành bãi giữ xe tự phát.

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 5.

Thương xá Tax - khu đất 133 Nguyễn Huệ (TP.HCM) được dùng làm khu ẩm thực khi có lễ hội - Ảnh: Q.Đ.

Thương xá Tax, tắc 10 năm vẫn chưa thông!

Đã tròn 10 năm kể từ ngày thương xá Tax đóng cửa, tháo dỡ để xây dựng tòa cao ốc mới, nhưng đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Khu đất có vị trí đắc địa này rộng gần 9.000m², nằm ngay giao điểm ba đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur, do SATRA quản lý.

Trong suốt thời gian dài, khu đất bị rào kín và cỏ dại mọc um tùm. Gần đây, nó được san phẳng để làm khu ẩm thực tạm thời khi có lễ hội diễn ra trên đường Nguyễn Huệ hoặc Lê Lợi.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, SATRA đã nhiều lần đề xuất đầu tư dự án trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn tại vị trí này.

UBND TP từng đề xuất Thủ tướng cho phép SATRA thuê đất không qua đấu giá, nhưng các bộ ngành cho rằng điều này không phù hợp với quy định hiện hành.

Do đó, dự án vẫn chưa thể triển khai, trong khi giá cho thuê sàn văn phòng ở khu vực lân cận đã lên đến 60 USD/m²/tháng.

Ngoài khu đất thương xá Tax, còn có nhiều khu "đất vàng" khác ở trung tâm TP.HCM cũng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Như khu đất số 115-117 Hồ Tùng Mậu rộng 3.198m² hiện là bãi giữ xe.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn rộng gần 5.000m² và khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.080m² đều bị bỏ hoang do liên quan đến các vụ án giao đất, cho thuê đất trái quy định. Hiện cả hai khu đất này đã được UBND TP.HCM thu hồi và quản lý.

Sở Tài chính TP.HCM cho biết trên địa bàn TP có nhiều tài sản công, bao gồm các khu đất trống và đất có tài sản gắn liền, đang chờ đấu giá hoặc đấu thầu. Trong thời gian chờ đợi, các khu đất này thường bị bỏ trống trong thời gian dài, gây lãng phí tài nguyên.

Để giải quyết vấn đề này và tăng thu ngân sách, Sở Tài chính đề xuất các sở ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất chính sách đặc thù để sử dụng hiệu quả các khu đất này trong thời gian chờ đợi.

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Ảnh 6.Vì tư tưởng chờ quyết định cấp trên, nhiều tài sản công không làm gì cả

"Vì tư tưởng chờ quyết định sắp xếp ở trên, nhiều cơ sở vật chất, tài sản công không chỉ những thứ phục vụ khu phố mà cả đơn vị hành chính, sự nghiệp, thiết chế văn hóa, thể thao không làm gì cả”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp