05/04/2016 06:03 GMT+7

Chấn động tài liệu Panama, vụ lộ mật lớn nhất lịch sử

THU ANH - N.QUÂN
THU ANH - N.QUÂN

TTO - Khoảng 11,5 triệu tài liệu liên quan đến thuế đã bị rò rỉ ra giới truyền thông. Vấn đề là người ta thấy tên tuổi nhiều nhân vật cỡ bự của thế giới từ lãnh đạo chính trị cho tới các ngôi sao điện ảnh, thể thao...

Hai nhân vật tai tiếng: ông Jürgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora - Ảnh: ICIJ
Hai nhân vật tai tiếng: ông Jürgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora - Ảnh: ICIJ

“Thái độ căm ghét Putin như thế này ở nước ngoài đạt đến mức có thể nói là không được nói điều gì đó tốt đẹp về nước Nga, hay về bất kỳ hành động nào của Nga hoặc bất kỳ thành tựu nào của Nga. Mục tiêu đó là phải nói những điều xấu, rất nhiều điều xấu và khi không có gì để nói, nó phải được pha chế ra

Dmitri Peskov (người phát ngôn điện Kremlin)

 

Tổng cộng 107 tờ báo ở 76 quốc gia, phối hợp với Liên đoàn các nhà báo điều tra (ICIJ), đang tham gia xử lý số tài liệu lên đến 11,5 triệu văn bản kéo dài trong khoảng năm 1977-2015 của Công ty luật Panama Mossack Fonseca.

Từ ngày 3-4, nhiều tờ báo đã cho đăng tải các bài viết dựa trên 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca đóng tại Panama, trong đó thông tin tiết lộ cho thấy một số người giàu nhất thế giới đã tìm cách giấu tài sản như thế nào thông qua các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Tờ Süddeutsche Zeitung của Đức cho biết các phóng viên của họ có được tài liệu từ một nguồn bí mật. Báo này sau đó chia sẻ tài liệu cho các tờ báo khác như The Guardian của Anh và trang ICIJ.

Vụ lộ mật lớn nhất

Vụ rò rỉ này lập tức được đặt tên “Tài liệu Panama” và sức nóng của nó được cho là lớn hơn cả các vụ rò rỉ lịch sử trước đây vì liên quan đến nhiều nhân vật cỡ bự. Trong vụ tiết lộ của Edward Snowden thuộc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ có 1,5 triệu tài liệu bị tung ra.

Các tài liệu sẽ được tiếp tục công bố trong những ngày tới. Theo báo New York Times, ICIJ cho biết các tài liệu tiết lộ tài khoản hải ngoại của 140 chính trị gia và công chức, trong đó có 12 cựu nguyên thủ và nguyên thủ đương chức.

Nổi cộm trong các tài liệu rò rỉ là thông tin những người bạn và cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuồn 2 tỉ USD thông qua mạng lưới các công ty bình phong ở nước ngoài đầy phức tạp.

Tuy vậy đến lúc này, các nguồn tiếp cận tài liệu cho biết không có tên ông Putin trong số hồ sơ tối mật.

Theo New York Times, tuần trước, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitri Peskov đã cảnh báo việc ICIJ chuẩn bị một “cuộc tấn công thông tin” đối với ông Putin và các cộng sự, miêu tả việc này là một “vụ xâm nhập được trả tiền lộ liễu”.

Tài liệu bị rò rỉ bao gồm các thư điện tử, giao dịch tài chính, thông tin hộ chiếu trong vòng 40 năm qua. Theo báo The Guardian, đã có 2,6 terabyte (tương đương 2.600 gigabyte) dữ liệu được chia sẻ với các nhà báo, gấp nhiều lần số tài liệu bị rò rỉ trong vụ WikiLeaks năm 2010 và vụ Edward Snowden năm 2013.

Hôm qua, theo Reuters, ông Peskov cũng nhanh chóng xuất hiện trong một cuộc họp báo để phản pháo với hồ sơ Panama: “Mục đích chính của việc rò rỉ hồ sơ này là nhắm vào tổng thống của chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử quốc hội sắp tới và thậm chí là trong bối cảnh dài lâu - ý tôi muốn nói đến cuộc bầu cử tổng thống trong hai năm nữa”.

Ông Peskov lên án rằng các tài liệu trên “không chứa đựng điều gì cụ thể cũng như điều gì mới về Tổng thống Putin”.

Các tài liệu còn đụng chạm đến Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko.

Trước khi tham gia chính trị, ông là một đại gia với tài sản trong ngành truyền hình và sản xuất sôcôla.

Ông cam kết từ bỏ những tài sản này khi vào chính trường nhưng thông tin trong tài liệu Panama nói ông Poroshenko đã chuyển tài sản ra một công ty hải ngoại ở quần đảo Virgin thuộc Anh.

Hôm qua, theo Reuters, người phát ngôn văn phòng tổng công tố của Ukraine cũng nhanh chóng lên tiếng cho biết không thấy ông Poroshenko sai phạm gì trong tài liệu Panama.

ICIJ cho biết phóng viên của họ tại 100 tờ báo đã làm việc miệt mài với 25 ngôn ngữ để điều tra Công ty Mossack Fonseca và các khách hàng của họ, bao gồm cả các nhân vật chính trị ở các nước như Pakistan, Iceland và Saudi Arabia.

Theo New York Times, trong nhiều trường hợp, việc có tài khoản ở nước ngoài không phạm pháp. Tuy nhiên, chúng lại được những người giàu có và tội phạm dùng trong một số trường hợp cụ thể để cất giấu tiền bạc cũng như các giao dịch kinh doanh để trốn thuế.

Trong khi đó theo AFP, gia đình của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif hôm qua cũng đã lên tiếng bảo vệ khối tài sản của họ ở nước ngoài sau khi các tài liệu bị rò rỉ. Tài liệu nói ba trong số bốn người con của ông Sharif sở hữu bất động sản tại London (Anh) thông qua các công ty ở nước ngoài. Gia đình ông Sharif lên tiếng rằng họ chẳng làm gì sai và thừa nhận các công ty hải ngoại đó là của họ. Phe đối lập ở Pakistan đã đòi điều tra vụ việc.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ cũng bị cho là đã dùng một công ty hải ngoại để che giấu hàng triệu USD tiền đầu tư trong ba ngân hàng lớn. Ông bác bỏ việc này nhưng đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong tuần này.

Hai nhà lãnh đạo đang thúc đẩy chống tham nhũng và minh bạch là Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không trực tiếp có tên trong tài liệu nhưng thông tin nói gia đình của họ có các công ty ở nước ngoài. Quốc vương Saudi Arabia và tổng thống Azerbaijan cũng được nói kiểm soát các công ty ở nước ngoài.

Hai nhân vật tai tiếng: ông Jürgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora - Ảnh: ICIJ
Hai nhân vật tai tiếng: ông Jürgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca Mora - Ảnh: ICIJ

 

Cơ hội điều tra

Công ty luật Mossack Fonseca có hàng chục văn phòng trên toàn thế giới. Công ty này đã bị chính quyền nhiều nước điều tra với cáo buộc có liên hệ đến các vụ rửa tiền.

Trong một bản thông cáo dài gửi đến The Guardian, công ty này nói không thể phản hồi các câu hỏi cụ thể nhưng khẳng định nhiều cá nhân và công ty có tên trong các tài liệu bị rò rỉ chưa bao giờ là khách hàng của Mossack Fonseca.

Họ khẳng định trong nhiều trường hợp, việc các công ty lập những pháp nhân thương mại là hợp pháp và bình thường.

“Thêm vào đó, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định quốc tế để đảm bảo các công ty mà chúng tôi cộng tác không bị sử dụng để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các mục đích phi pháp khác” - Mossack Fonseca giãi bày.

Phản ứng trước vụ việc, theo Reuters, chính quyền London đã yêu cầu cung cấp một bản sao các dữ liệu rò rỉ về các khách hàng của Mossack Fonseca để điều tra và xử lý bất kỳ trường hợp trốn thuế nào.

Người cha quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron được nói có tên trong các tài liệu. Văn phòng của ông Cameron từ chối bình luận.

Chính phủ Anh nói họ đã đem về 2,84 tỉ USD từ những đối tượng trốn thuế ở nước ngoài từ khi Đảng Bảo thủ của ông Cameron lên nắm quyền năm 2010.

Tổng thống Pháp François Hollande nhân vụ việc cũng tuyên bố “Tài liệu Panama” bị rò rỉ là một tin tức tốt lành vì điều đó sẽ giúp Paris tăng doanh thu thuế. “Tôi đảm bảo với các bạn rằng một khi thông tin đã bị tung ra, điều tra sẽ được thực hiện. Các vụ án sẽ được mở ra và phiên tòa sẽ được tổ chức” - ông khẳng định.

Theo báo Le Monde, trong tài liệu có thông tin liên quan 1.000 công dân Pháp. Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin cũng nhanh chóng lên tiếng rằng “Pháp sẽ yêu cầu cung cấp các dữ liệu trong tài liệu Panama, chiếu theo các công ước về thuế với các đối tác”.

Thụy Điển, Áo, Hà Lan, Úc và New Zealand cũng bắt đầu rục rịch điều tra.

 

THU ANH - N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp