07/12/2018 16:39 GMT+7

Chẩn đoán và điều trị bệnh gout

Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ Nội trú
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ Nội trú

Bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30 - 50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới.

Chẩn đoán và điều trị bệnh gout - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: quizlet.com

Bệnh gout (hay còn gọi là thống phong) là bệnh do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric trong máu. Tình trạng viêm khớp trong bệnh gout là do sự lắng đọng các tinh thể urate trong dịch khớp và các mô khi nồng độ acid uric trong máu bị bão hoà.

Bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30 - 50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 0,7-1,4% ở nam giới và 0,5 - 0,6% ở nữ giới.

Gout được chia làm hai loại là gout nguyên phát và gout thứ phát: Gout nguyên phát là do rối loạn chuyển hoá bẩm sinh hoặc giảm khả năng đào thải acid uric của thận mà không có tổn thương thực thể tại thận. Gout thứ phát có liên quan đến các bệnh lý khác như suy thận, suy tim hoặc sau dùng một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống lao, hoá chất điều trị ung thư,…

Tinh thể urate trong bệnh gout thường lắng đọng tại khớp, bao gân, tổ chức phần mềm cạnh khớp gây nên tình trạng viêm khớp, phá hủy cấu trúc khớp. Ngoài ra, tinh thể này còn lắng đọng trong nội tạng như: thận, gây bệnh lý thận (sỏi thận, viêm thận kẽ, suy thận), tim (viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim),…

Những dấu hiệu nhận biết bệnh gout

Dấu hiệu lâm sàng

- Dấu hiệu lâm sàng nghĩ đến bệnh gout khi người bệnh có cơn gout cấp điển hình với biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau của một khớp ở chi dưới (hay gặp khớp bàn ngón chân cái), khởi phát đột ngột thường vào ban đêm với tính chất đau dữ dội, thường khởi phát sau một bữa ăn giàu đạm, uống rượu bia nhiều, hoặc sau chấn thương, phẫu thuật,… và triệu chứng sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 1- 2 tuần.

- Sau khi cơn gout cấp khởi phát và kết thúc, đợt cấp thứ hai có thể xuất hiện sau vài tháng đến vài năm, giữa các đợt cấp hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng nhưng tinh thể urate vẫn lắng đọng vào các tổ chức. Sau đó các đợt cấp xuất hiện ngày càng nhiều, khởi phát ít cấp tính hơn nhưng thời gian viêm khớp kéo dài hơn, tổn thương ở nhiều khớp hơn. Và cuối cùng sau 5-10 năm nếu bệnh không được kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành gout mạn tính có hạt tô-phi, phá huỷ cấu trúc khớp, tổn thương thận (suy thận),…

- Hạt tô-phi là tổn thương bắt đầu ở dưới da xung quanh khớp và bao khớp, bao gân, thể hiện sự lắng đọng mạn tính các tinh thể urat vào tổ chức gây phá huỷ cấu trúc khớp. Vị trí thường gặp ở mắt cá ngoài cổ chân, khớp bàn ngón chân, quanh khớp gối, khớp khuỷu,...

Dấu hiệu cận lâm sàng

Xét nghiệm acid uric máu

Acid uric máu tăng khi: Nam giới trên 70 mg/l (420 µmol/l), nữ giới trên 60 mg/l (360µmol/l), tất cả người bệnh gout đều có tăng acid uric máu vào một vài thời điểm nào đó trong quá trình bệnh, hoặc tăng liên tục. Tuy nhiên, rất nhiều người có tăng acid uric mà không có biểu hiện gout (được gọi là tăng acid uric không triệu chứng chứ chưa phải là bệnh gout). Trong cơn gout cấp có đến 12-43% người bệnh có xét nghiệm acid uric máu bình thường, thậm chí thấp hơn bình thường, khi đó cần làm thêm xét nghiệm thêm ở vài thời điểm khác nhau.

Xét nghiệm dịch khớp

Hút dịch khớp làm xét nghiệm nhằm giúp cho chẩn đoán xác định bệnh khi soi kính hiển vi thấy được tinh thể urat hoặc nhằm chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khớp khác (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do lao,...).

Các xét nghiệm thông thường khác như

Chức năng gan, thận, mỡ máu, đường máu giúp cho chẩn đoán bệnh lý thuộc hội chứng chuyển hoá và giúp cho việc quyết định dùng thuốc điều trị.

Chụp Xquang, siêu âm khớp, siêu âm thận.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán chắc chắn bệnh gout khi tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hoặc trong hạt tô-phi. Việc tìm thấy tinh thể urate đôi khi rất khó khăn do đó chẩn đoán bệnh gout hiện nay vẫn dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán: Tiêu chuẩn Bennett và Wood 1968 (độ nhạy 70%, độ đặc hiệu 82,7%).

a. Hoặc tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hay trong hạt tô-phi.

b. Hoặc tối thiểu có trên 2 trong số các tiêu chuẩn sau:

- Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu 2 đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội và khỏi hoàn toàn trong vòng hai tuần.

- Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với tính chất như trên.

- Có hạt tô-phi.

- Đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.

Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b

Điều trị bệnh gout

Mục đích điều trị bệnh

- Điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp.

- Dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng sự lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng.

Điều trị cơn gout cấp

Cần khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để được sử dụng thuốc chống viêm không steroid và/hoặc phối hợp với colchicin, thuốc giảm đau nếu cần. Không nên lựa chọn đầu tiên thuốc chống viêm corticoid như prednisolon, dexamethason, chỉ được sử dụng thuốc này khi bác sĩ chuyên khoa thấy thật cần thiết.

Kiểm soát chế độ ăn uống, sinh hoạt

- Tránh thức ăn giàu purine: Phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày), các loại thịt đỏ (thịt chó, bò, dê, bê), hải sản (tôm, cua, cá béo), đậu hạt các loại, nấm khô, sô-cô-la.

- Ăn vừa phải thức ăn có chứa ít purine (thịt lợn, thịt gà, ngan, vịt, cá).

- Uống nhiều nước hàng ngày, tốt nhất dùng nước khoáng có kiềm (2-3 lít/ngày).

- Ăn nhiều rau xanh, củ, quả.

- Có thể ăn trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, pho-mat trắng không lên men.

- Ngoài chế độ ăn kiêng cần duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ, tránh mệt mỏi cả tinh thần và thể chất.

- Kiểm soát cân nặng, đường máu, lipid máu, acid uric máu, huyết áp.

- Khi cần phải thực hiện một phẫu thuật hoặc mắc một bệnh toàn thân nào đó cần điều chỉnh acid uric máu ổn định.

- Loại bỏ yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu, bia.

Sử dụng các thuốc điều trị giảm acid uric máu

- Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc này sau 1-2 tuần khởi phát cơn gout cấp để tránh làm nặng cơn gout cấp.

- Mục tiêu điều trị là kiểm soát acid uric máu dưới 360 µmol/L (60 mg/L) với gout chưa có hạt tô-phi và dưới 320 µmol/L (50 mg/L) khi gout có hạt tô-phi.

- Thuốc: Allopurinol, febuxostat hay probenecid, lưu ý tác dụng phụ gây dị ứng của thuốc.

Điều trị bằng phẫu thuật

Việc chỉ định phẫu thuật cắt hạt tô-phi trong gout mạn tính rất hạn chế vì lý do khó liền vết thương bởi sự lắng đọng tinh thể urate là liên tục. Do đó, phẫu thuật hạt tô-phi khi hạt tôphi có biến chứng nhiễm trùng hoặc hạt quá to ảnh hưởng đến chức năng vận động và biến dạng khớp, hạt tô-phi làm đau đớn nhiều.

Phòng bệnh gout

Các biện pháp phòng bệnh nên được áp dụng ngay từ khi còn rất trẻ để phòng ngừa ngay từ giai đoạn tăng acid uric máu không triệu chứng, tránh khởi phát cơn gout cấp, không để xảy ra gout mạn tính.

Phòng bệnh là thực hiện tốt lối sống lành mạnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ (hạn chế rượu bia, thức ăn có chứa nhiều nhân purin,…). Xử trí và điều trị kịp thời khi có cơn gout cấp và các bệnh phối hợp khác./.

Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ Nội trú
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp