25/06/2013 10:30 GMT+7

Chấn chỉnh nạn "chặt chém" khách đi máy bay

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Thức ăn vừa dở vừa mắc, đó là nhận định của nhiều hành khách đi máy bay về các sân bay ở Việt Nam từ bao lâu nay. Cục Hàng không VN vừa có văn bản khuyến cáo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân về chuyện này…

DDWVFal3.jpgPhóng to
Một tô mì ăn liền lõng bõng vài miếng bò viên bán giá 49.000 đồng tại nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: LÊ NAM

Cục Hàng không VN vừa có văn bản khuyến cáo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng vị thế độc quyền tại khu vực cảng hàng không để nâng giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý...

Nhiều hành khách đi lại trên các chuyến bay, cả nội địa lẫn quốc tế, đều phàn nàn những cửa hàng ăn uống tại các cảng hàng không VN đã nâng giá bán hàng và dịch vụ vô tội vạ, trong khi chất lượng sản phẩm và dịch vụ lại không tương xứng.

Giá trên trời, chất lượng dưới đất

Trước chuyến bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng khởi hành lúc 7g55 ngày 11-6, chúng tôi ghé qua khu vực phục vụ ăn uống mang tên “Sasco shop” đối diện cửa lên máy bay số 7 bên trong nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, gọi một phần ăn sáng. Đang đứng tần ngần trước tủ đựng đầy thức ăn đã được đóng gói sẵn, chúng tôi tỉnh cả người khi nhìn bảng giá!

"Giá cả thì ngang với ở châu Âu, nhưng chất lượng thì quá tệ, ngược hẳn những gì mà tôi biết về ẩm thực VN"

Ông Fredrickson (nhân viên điều hành một công ty lữ hành quốc tế tại TP.HCM)

Chẳng hạn, bánh mì chả, heo quay giá 45.000 đồng, nhưng bên trong phần lớn là xà lách, vài lát chả lụa mỏng như lưỡi mèo thêm vài miếng heo quay. Bánh mì chả chiên patê cũng không khá hơn khi chỉ có xà lách phủ bên ngoài và một miếng chả dài ngoằng nhưng mỏng dính, giá 49.000 đồng. Đĩa đậu hủ chiên - bún tươi có chừng năm miếng đậu hủ vuông kích cỡ chừng 3cm mỗi cạnh, một nhúm xà lách, một nhúm bún... có giá cũng 49.000 đồng. Mì Ý xốt bò bằm có một hộp nước xốt bò là chủ yếu, còn thịt bò không là bao, giá 79.000 đồng...

Không ăn thì đói, chúng tôi quyết định gọi một phần mì ăn liền và hỏi anh nhân viên “mì không bò có không anh?”. Câu trả lời chúng tôi nhận được là “không bò cũng một giá”. Chúng tôi gọi thêm một chai nước suối nhỏ và một khăn lạnh, tổng cộng 69.000 đồng nhưng không có biên lai. Mới 7g20, nhìn quanh chúng tôi thấy có 18 khách đang ăn sáng ở khu vực này, trong đó có sáu người cùng ăn mì bò như chúng tôi.

Khoảng hai phút sau khi chúng tôi trả tiền, anh nhân viên bưng ra một tô mì gói bên trên là 10 miếng bò viên đã được cắt nhỏ, ba miếng cà rốt, một ít hành lá... nhưng nước nguội ngắt làm sợi mì vẫn còn sần sật.

sIkPGBBX.jpgPhóng to
Bánh mì với vài lát chả chiên mỏng tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM có giá 49.000 đồng/ổ - Ảnh: LÊ NAM

“Đắt và dở nhất thế giới!”

Cách đây không lâu, trên cộng đồng mạng đã lan truyền câu chuyện của một số du khách nước ngoài khi đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) kêu trời việc “chặt chém” khi ăn uống ở đây. Có người đã gọi rằng đây là nơi bán đồ ăn “đắt và dở nhất thế giới”. Sau đó, sân bay này có hứa chấn chỉnh.

Tuy nhiên hồi đầu tháng 6 này, trở về từ sân bay Cam Ranh sau chuyến khảo sát dịch vụ chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế đến từ châu Âu, ông Fredrickson, nhân viên điều hành một công ty lữ hành quốc tế lớn tại TP.HCM, lắc đầu ngao ngán cho biết: “Giá đồ ăn, dịch vụ ở sân bay Cam Ranh tệ quá”.

Theo ông Fredrickson, giá mà ông khảo sát khu phục vụ ăn uống tại sân bay quốc tế Cam Ranh là 180.000 đồng/bánh hamburger cơ bản nhất, chất lượng thuộc hàng kém nhất mà ông biết từ trước đến giờ. Bánh đi đằng bánh, rau và thịt mỗi thứ một nơi.

Ông còn cho biết đồng nghiệp người Việt đi cùng đoàn mua một tô mì gói có thêm trứng gà giá 60.000 đồng. Chất lượng thì nước không đủ sôi để quả trứng gà đủ chín nên mùi tanh ngậy bốc lên.

“Giá cả thì ngang với ở châu Âu nhưng chất lượng quá tệ, ngược hẳn những gì mà tôi biết về ẩm thực VN” - ông Fredrickson nhận định. Các chuyến bay sắp tới mà công ty ông đón là du khách đi theo máy bay thuê nguyên chuyến (charter flight) từ châu Âu sang nghỉ ở VN hai tuần.

“Họ là khách có tiền, chịu đi chơi. Mới xuống sân bay mà thưởng thức ẩm thực kiểu này chắc họ chẳng dám thử thức ăn VN trong mấy ngày kế tiếp” - ông Fredrickson lo lắng.

Sẽ xử lý các trường hợp nâng giá bất hợp lý?

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Lưu Thanh Bình vừa ký ban hành chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về giá dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay VN.

Theo đó, Cục Hàng không nhấn mạnh các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng hàng không sân bay phải điều tiết mức giá phù hợp với dịch vụ. Yêu cầu các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phi hàng không trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc đăng ký chất lượng, giá sản phẩm, dịch vụ và niêm yết công khai giá theo quy định.

Cục Hàng không VN cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền tự nhiên trong kinh doanh tại khu vực cảng hàng không để nâng hoặc hạ giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý. Không tuân thủ việc đăng ký chất lượng, giá sản phẩm, dịch vụ và niêm yết công khai giá theo quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết đây là một phần trong chiến dịch rà soát giá cả dịch vụ tại các cảng sân bay hàng không, sau rất nhiều phản ảnh của khách hàng về giá bán nhiều sản phẩm, dịch vụ ăn uống trong nhà ga tại các sân bay quá cao trong khi chất lượng quá kém.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương - phó chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn - cho biết bà cũng từng ăn ở các của hàng phục vụ thức ăn nhanh kiểu này ở cả sân bay quốc tế và quốc nội đều thấy chất lượng kém nhưng giá thì cao ngất trời.

“Dường như các nhân viên ở đây không có nghiệp vụ gì lắm và đặc biệt họ không chăm chút nên chất lượng món ăn ở đây thật chán. Ngay cả món mì gói nếu chăm chút, nấu kỹ một chút, nêm nếm thay vì chỉ đổ nước sôi và mọi thứ vào... cho xong việc cũng sẽ cho chất lượng tô mì khác ngay” - bà Sương nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tổng công ty Cảng hàng không VN (AVC) hiện quản lý toàn bộ các cảng hàng không ở VN, cơ quan này cho các công ty đấu thầu thuê toàn bộ mặt bằng khai thác dịch vụ trong mỗi sân bay. Công ty đấu thầu thuê tổng diện tích này lại cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân khác thuê lại diện tích để kinh doanh. Cũng có hình thức công ty thuê lại diện tích của AVC lại hợp tác liên doanh với công ty khác để cùng khai thác diện tích đã thuê của AVC.

Ngoài tiền thuê mặt bằng đã đấu thầu, cuối mỗi năm các công ty này còn phải trả một khoản phí gọi là phí thương quyền cho AVC. Mỗi sân bay phí này cũng khác nhau. Chúng tôi đã liên hệ với AVC và gửi email để muốn được nghe đầy đủ những câu chuyện này từ hơn 20 ngày trước nhưng đại diện AVC hẹn sẽ sớm có câu trả lời.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp