Việc kiểm tra này sẽ kéo dài liên tục hàng ngày từ 16g đến 23g, cho đến hết thời gian tổ chức Festival Huế 2014 (dự kiến 20-4). Các nội dung chủ yếu tập trung kiểm tra, xử lý trong đợt này là việc buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo, đeo bám, nài ép, cò mồi du khách nghe ca Huế dưới dạng du thuyền ghép khách trái quy định tại khu vực bến Tòa Khâm và khắc phục tình trạng các em nhỏ chèo ghe bám theo các thuyền ca Huế xin tiền trên sông Hương.
Qua kiểm tra tại hơn 50 thuyền trong số hơn 120 thuyền biểu diễn ca Huế trên sông Hương, các lực lượng chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các thuyền phải niêm yết giá, đảm bảo không gian biểu diễn, thời lượng biểu diễu, thái độ phục vụ du khách, vị trí neo đậu biểu diễn của thuyền ca Huế...
Nhờ vậy, hoạt động ca Huế trên sông Hương đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng ăn xin đeo bám, hàng rong, nài ép, cò mồi ca Huế; chất lượng biểu diễn, phục vụ tốt hơn, đảm bảo 1 suất diễn đủ 60 phút (không kể giải lao và di chuyển) và đủ các bài bản, nhạc cụ theo quy định.
Cụ thể, mỗi suất ca Huế phải có tối thiểu 7 người, bao gồm 3 nhạc cụ (thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo) và ít nhất 4 diễn viên khi biểu diễn trên thuyền đơn, còn nếu là thuyền đôi thì phải có đến 8 diễn viên và nhạc công. Bên cạnh việc kiểm tra, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các làn điệu ca Huế để từng bước đưa vào biểu diễn, làm phong phú thêm chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động ca Huế cho khoảng gần 500 ca sĩ, nhạc công, hầu hết đến từ các đoàn nghệ thuật ca kịch Huế, trường cao đẳng Nghệ thuật Huế.
Nguồn: UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận